Bài 1: Hạn chế về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất

Trong những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị dạy học cho bậc học phổ thông đã được các cấp, ngành cùng nhân dân toàn tỉnh đặc biệt quan tâm và đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các vấn đề này ở địa bàn tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Giáo dục bậc phổ thông - những điều trăn trở

Bất cập từ đội ngũ nhà giáo...

Bậc học phổ thông ở tỉnh ta hiện có 1.167 cán bộ quản lý và 14.563 giáo viên (GV) đang công tác ở 285 trường tiểu học, 177 trường THCS và 45 trường THPT. Dù đã có sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, nhưng nhìn chung, đội ngũ GV đang trong tình trạng vừa thiếu, vừa thừa và chưa đồng bộ về cơ cấu. Sự bất cập thể hiện rõ ở những bộ môn cơ bản đang thừa hàng trăm GV nhưng lại thiếu ở những bộ môn đặc thù; thiếu ở bậc tiểu học nhưng thừa ở bậc THCS; dôi dư ở vùng trung tâm nhưng lại thiếu ở những vùng có điều kiện KT–XH khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Giờ học môn Ngữ văn của học sinh lớp 7, Trường THCS Nghèn (Can Lộc)
Giờ học môn Ngữ văn của học sinh lớp 7, Trường THCS Nghèn (Can Lộc)

Hiện nay, trình độ GV cấp tiểu học đã đạt chuẩn 100% (trong đó có 81% trên chuẩn), cấp THCS đạt chuẩn 99,72% (trên chuẩn đạt 75%), cấp THPT đạt chuẩn 99,87% (trên chuẩn 10,5%) nhưng chất lượng giảng dạy và việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của đội ngũ nhà giáo này vẫn chưa tương xứng với trình độ đào tạo. Do vấn đề lịch sử, công tác đào tạo lại GV để nâng cao trình độ chuyên môn được thực hiện từ nhiều nguồn khác nhau, vào những thời điểm khác nhau nên chất lượng không đồng đều, cá biệt, có những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu dạy học trong tình hình mới.

Ngoài ra, một bộ phận GV còn chưa thực sự cố gắng, thiếu ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn nên chậm đổi mới phương pháp giảng dạy, hiệu quả công tác chưa cao, vi phạm đạo đức lối sống và làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong xã hội...

Những năm gần đây, ngành Sư phạm không còn đủ hấp dẫn để tạo sức hút đối với những học sinh (HS) giỏi, HS xuất sắc ở các trường THPT thi vào, dẫn đến chất lượng đầu vào của các trường sư phạm ngày một thấp. Vì vậy, sinh viên ra trường chất lượng không đảm bảo. Tại các cơ sở giáo dục đang có dấu hiệu thiếu hụt lực lượng GV trẻ có trình độ chuyên môn giỏi và tâm huyết với nghề.

... Đến cơ sở hạ tầng và trang thiết bị

Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, tỉnh ta đã huy động một nguồn lực khá lớn để các cơ sở giáo dục xây dựng hệ thống trường lớp khang trang theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, hệ thống trường lớp của bậc học phổ thông hiện vẫn còn nhiều bất cập, quy hoạch chưa phù hợp và mang tính tự phát. Hầu hết các trường trong bậc học đều thiếu phòng học, thiếu phòng chuyên môn, nhà đa năng, các phòng chức năng, khu vực vệ sinh không đảm bảo, thiếu các khu vui chơi giải trí...

Nhìn bề ngoài thì hầu hết các trường học ở bậc phổ thông đều khang trang nhưng thực chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới
Nhìn bề ngoài thì hầu hết các trường học ở bậc phổ thông đều khang trang nhưng thực chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới

Riêng ở các cơ sở thực hiện việc sáp nhập trường theo chủ trương chung của tỉnh, nhiều đơn vị đã thực hiện theo quy hoạch nhưng về cơ bản HS vẫn phải học tại cơ sở cũ do không có kinh phí để đầu tư xây dựng thêm trường lớp ở nơi mới. Ngoài ra, do hệ thống trường phổ thông trên địa bàn được kiên cố hóa khá sớm nên đến nay, nhiều hạng mục đã xuống cấp, nguồn ngân sách duy tu, bảo dưỡng và xây dựng bổ sung hạn chế nên không đáp ứng được yêu cầu dạy - học.

Khi nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn lực không đảm bảo đã dẫn tới việc thực hiện mang tính dàn trải và thiếu đồng bộ. Nhiều địa phương đã chia nhỏ các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng nên thiếu tính quy hoạch, hiệu quả sử dụng thấp. Việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách và thực hiện công tác xã hội hóa chưa có cơ chế rõ ràng, chưa tạo được hành lang pháp lý cụ thể nên hiệu quả thấp.

Giờ thực hành tin học của học sinh Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)
Giờ thực hành tin học của học sinh Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)

Đặc biệt, do giá cả biến động, tổng mức đầu tư tăng so với thời điểm xây dựng kế hoạch nên kết quả thực hiện đề án kiên cố hóa trường học và nhà ở công vụ giai đoạn 1998–2012 đạt thấp. Thực hiện đề án này, đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 1.523 phòng học (chỉ đạt 53% kế hoạch), 223 phòng công vụ (chỉ đạt 13,7%) và kế hoạch năm 2013 cũng chỉ đưa vào sử dụng thêm 46 phòng học mới. Nguồn vốn thực hiện các công trình trên chủ yếu là từ nguồn trái phiếu Chính phủ (đã giải ngân 434.696 triệu đồng, bằng 99%), các nguồn của địa phương và xã hội hóa hầu như không đáng kể.

Được xem là phương tiện quan trọng trong quá trình đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, song thiết bị và đồ dùng dạy học còn thiếu về số lượng, kém về chất lượng. Việc cung ứng trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc quản lý, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học của Nhà nước cho các cơ sở giáo dục hiện chưa đáp ứng được 50% nhu cầu tối thiểu. Số trang thiết bị được mua sắm cũng chưa phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, có lúc, có nơi còn “đắp chiếu” trong kho. Cá biệt, có nhiều môn học chưa có thiết bị dạy học như: Tự nhiên – Xã hội và Luyện nói ở Tiếng Việt lớp 1; Tự nhiên – Xã hội và Đạo đức lớp 2, 3; tranh ảnh, lược đồ, bản đồ dạy môn Lịch sử lớp 4, lớp 5 và nhiều môn học khác ở các cấp học.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast