Băn khoăn thực trạng thừa thầy...

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh thừa khoảng 1.000 giáo viên ở cả 4 cấp học. Thế nhưng con số này sẽ lớn hơn rất nhiều khi đề án quy hoạch lại hệ thống trường lớp chính thức được thực thi. Việc sắp xếp lại bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ đang thực sự là bài toán khó không chỉ riêng của ngành Giáo dục.

Từ những con số “khủng”

Trước đây, để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, mạng lưới trường lớp ở các bậc học, cấp học đã được mở rộng trên tất cả các địa phương, vùng miền. Cùng với sự ra đời của trường lớp, nhu cầu về đội ngũ giáo viên cũng được tăng theo. Người người, nhà nhà động viên con em thi vào sư phạm. Việc mở rộng mạng lưới trường lớp và sự cống hiến của các thầy cô giáo đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao dân trí, thu hút trẻ em trong độ tuổi đến trường. Và Hà Tĩnh đã trở thành một trong những địa phương sớm đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Theo thời gian, những thành tựu đạt được trong việc thực hiện chính sách dân số - đặc biệt là công tác giảm sinh đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường. Quy mô trường lớp ngày càng được thu hẹp, theo đó tỷ lệ giáo viên thừa cũng ngày một gia tăng.

Giờ học ngoài trời của cô trò Trường MN I (TP. Hà Tĩnh)

Giờ học ngoài trời của cô trò Trường MN I (TP. Hà Tĩnh)

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh thừa khoảng 1.000 giáo viên ở cả 4 cấp học. Thế nhưng con số này sẽ lớn hơn rất nhiều khi đề án quy hoạch lại hệ thống trường lớp chính thức được thực thi. Việc sắp xếp lại bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ đang thực sự là bài toán khó không chỉ riêng của ngành Giáo dục. Thầy Lê Quế - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT cho biết: “Thừa giáo viên đang trở thành tình trạng chung của tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là ở bậc THCS. Lý do dẫn đến tình trạng này vẫn là do số lượng học sinh ngày càng giảm, phần khác là do sự thay đổi cơ cấu bộ môn. Để giải quyết vấn đề này, năm vừa qua chúng tôi đã vận động được 103 giáo viên ở các cấp học nghỉ theo chế độ 132. Thế nhưng cái khó khăn trong việc thực hiện chế độ này là việc quy định độ tuổi nữ từ 50 - dưới 55 tuổi, nam từ 55 - dưới 60 tuổi. Vì thế đối với một số người có năng lực hạn chế, sức khỏe yếu mà chưa đúng độ tuổi quả là bất khả kháng”.

Tình trạng thừa giáo viên cũng đã trở thành nỗi băn khoăn của các nhà trường khi các khoản chi thường xuyên bị thu hẹp bởi phải dành một phần để trả lương cho các thầy cô. Thầy Bùi Việt Hải - Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng – TP Hà Tĩnh cho biết: “Trường chúng tôi thừa 12 giáo viên chủ yếu là ở các môn: Văn, Tiếng Anh. Quỹ lương của chúng tôi năm vừa rồi là 6 tỷ đồng, để chi đủ lương cho các giáo viên, ngoài một phần nhỏ do Sở Giáo dục bổ sung, chúng tôi đành phải lấy ngân sách từ các nguồn chi thường xuyên của nhà trường”.

Ở trường THPT Lý Tự Trọng, THPT Thành Sen, việc thừa giáo viên cũng là chuyện không mới. Đặc biệt ở trường THPT Nguyễn Công Trứ - Nghi Xuân chỉ có 27 lớp mà đã có đến 11 giáo viên dạy Anh Văn. Theo quy chuẩn của Bộ GD&ĐT, mỗi giáo viên phải dạy 17 tiết/tuần, thế nhưng ở một số bộ môn, việc giáo viên chỉ đứng lớp 7-8 tiết/tuần không phải là chuyện hiếm, thậm chí có giáo viên tại một số trường chỉ phải dạy có 5 tiết/tuần. Và để cân đối đảm bảo số tiết, các nhà trường không còn cách nào khác là phải bố trí các giáo viên ở những bộ môn thừa vào vị trí chủ nhiệm hoặc dạy thực hành...

Thực tế cho thấy, số lượng giáo viên thừa trên địa bàn tỉnh sẽ không chỉ dừng lại ở con số 1.000, bởi sắp tới ngành Giáo dục Hà Tĩnh sẽ triển khai đề án quy hoạch hệ thống trường lớp. Và, theo như tiến độ của đề án, đến năm 2015 sẽ phấn đấu hoàn thiện việc sáp nhập trường lớp. Qua đó số lượng giáo viên thừa trên địa bàn sẽ có thêm 1.515 người (trong đó sẽ thừa 206 cán bộ quản lý, 966 giáo viên, 242 cán bộ hành chính, 104 tổng phụ trách Đội...). Nếu chỉ tính mức lương trung bình để chi trả cho mỗi thầy cô giáo mỗi tháng 4-5 triệu đồng thì mỗi năm chắc chắn tỉnh sẽ phải chi ra một nguồn ngân sách không nhỏ cho quỹ lương này.

Đến chất lượng đội ngũ

Dù đang nắm giữ số lượng lớn giáo viên thừa, thế nhưng thực tế chất lượng đội ngũ trên địa bàn lại tỷ lệ nghịch với số lượng. Bởi tình trạng thừa nhưng lại thiếu, một số giáo viên ở bộ môn này bắt buộc phải đảm nhiệm giảng dạy bộ môn khác không được đào tạo, như thế sẽ không thể phát huy hết năng lực chuyên môn của bản thân. Chưa kể đến số điểm đầu vào của ngành sư phạm trong những năm gần đây ngày càng thấp hơn so với trước. Lý do cũng thật đơn giản bởi trong thời buổi kinh tế thị trường, khi ở các lĩnh vực như Tài chính Ngân hàng, Công nghệ thông tin, kỹ thuật... với mức lương ưu đãi đã trở thành “miền đất hứa” để các sinh viên hướng tới thì nghề giáo với mức lương khiêm tốn, với cuộc sống chật vật cũng đã khiến những học sinh có trình độ khá, giỏi ở các trường thực sự đắn đo khi lựa chọn ngành.

Một học sinh ở trường Chuyên Hà Tĩnh đã chia sẻ: “Em sẽ thi vào trường kinh tế quốc dân chị ạ. Với ngành kinh tế bây giờ ra trường tìm việc làm cũng dễ hơn và mức lương cũng khá hơn. Em cũng yêu nghề giáo nhưng thu nhập từ nghề eo hẹp quá nên em đành từ bỏ ước mơ thôi”. Một thực tế là ngay những giáo viên tâm huyết với cũng hướng con đến những ngành nghề khác mà né tránh ngành sư phạm - một thầy giáo đang công tác tại Sở GD-ĐT Hà Tĩnh chia sẻ: hiện không có con em nào của Sở đi vào ngành sư phạm. Vậy nên, việc không ít người băn khoăn, lo lắng cho thế hệ thầy cô tương lai là điều tất yếu, khi những học sinh có học lực khá, giỏi nuôi dưỡng ước mơ có một cuộc sống đủ đầy sau khi tốt nghiệp ở những ngành kinh tế, ngành sư phạm bắt buộc phải hạ điểm chuẩn đầu vào để tuyển những học sinh có học lực đuối hơn. Dẫu các khoa sư phạm ở trường đại học có nỗ lực đến bao nhiêu trong công tác đào tạo thì chắc chắn rằng đầu ra cũng khó có thể cải thiện.

Cùng với thực tế đầu vào của ngành sư phạm ngày một thấp, thì một số giáo viên ở trong ngành cũng đang cố gắng bằng mọi cách học thêm theo các hình thức đào tạo từ xa, tại chức để đạt chuẩn theo quy định. Và thực tế cho thấy, khi một số các thầy cô giáo đi học, đi thi để lấy bằng đại học, đã không ít người phải nhờ tới sự “cứu cánh” của các loại phao... Vấn đề chất lượng của giáo viên đã sự trở thành nỗi băn khoăn trăn trở, mối lo ngại không chỉ riêng của lãnh đạo ngành giáo dục nữa mà là nỗi lo chung của các bậc phụ huynh, của toàn xã hội khi nghĩ đến tương lai, chất lượng học tập của thế hệ con cháu sau này. Bởi nhà giáo là người thầy của các người thầy và là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast