Bộ GD-ĐT nói gì về việc cho thí điểm ngoại ngữ ở mầm non?

Việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ một cách không phù hợp sẽ khiến các em “sợ” học khi vào lớp 1.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành công văn số 1303 ngày 18/3/2014 với nội dung cho phép những cơ sở giáo dục mầm non có thể tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ khi phụ huynh có nhu cầu, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và trình độ giáo viên.

Ngay sau đó, trong dư luận xã hội đang có sự hiểu trái chiều về nội dung công văn trên với ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ. Điều này mâu thuẫn với công văn trước đó của Bộ tuyệt đối nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ mầm non vì thực tế hiện nay, các điều kiện để tổ chức hoạt động này trong nhiều cơ sở giáo dục mầm non còn hạn chế.

Để giúp người dân hiểu rõ hơn về công văn cũng như việc làm trên của Bộ GD-ĐT, phóng viên VOV online phỏng vấn bà Phan Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT.

Bà Phan Thị Lan Anh
Bà Phan Thị Lan Anh

Phân biệt giữa “làm quen” và “dạy ngoại ngữ”

PV: Bộ GD-ĐT vừa ban hành công văn số 1303 ngày 18/3/2014. Trong đó có một điểm đáng lưu ý là Bộ cho phép cơ sở giáo dục mầm non được thí điểm cho cho trẻ làm quen với ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong công văn 694 ngày 18/2/2014, Bộ lại nói nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ mầm non. Vậy cần phải hiểu cụ thể như thế nào, thưa bà?

Bà Phan Thị Lan Anh: Trước tiên, việc Bộ ban hành 2 công văn số 694 ngày 18/2/2014 và 1303 ngày 18/3/2014 là rất cần thiết. Điều chúng ta cần lưu ý là phải phân biệt giữa việc dạy học và cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở cơ sở giáo dục mầm non.

Việc dạy học phải được hiểu là dạy theo kiểu trẻ phải ngồi vào bàn học, biết được chữ, nhìn vào các con chữ để đánh vần theo. Lớp học thường gồm vài chục cháu, có nơi rất đông lên đến 60 học sinh. Cô giáo giảng dạy bằng micro. Trong quá trình các bé học, cô giáo sẽ cho điểm và có những đánh giá giữa các học sinh với nhau.

Tuy nhiên, theo khảo sát của các chuyên gia, nghiên cứu về giáo dục, việc giảng dạy và học tập theo hình thức trên không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mầm non.

Chính vì lý do trên, Bộ GD-ĐT vừa ban hành công văn số 1303 ngày 18/3/2014 với mục đích yêu cầu các Sở GD-ĐT vẫn phải thực hiện tốt công văn số 694 ngày 18/2/2014. Trong công văn 1303, Bộ GD-ĐT muốn làm rõ hơn vấn đề là cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, chứ không phải dạy học ngoại ngữ cho trẻ ở bậc mầm non.

Theo kết quả nghiên cứu của một số nước trên thế giới, cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở độ tuổi mầm non là rất thuận lợi vì trẻ nhỏ rất nhạy cảm với âm thanh khác nhau nên học phát âm rất tốt và tự nhiên. Ngoài ra, việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ từ bậc mầm non cũng có thể hỗ trợ các em tự tin, có ý thức tự lực, phát triển tư duy, cảm xúc và sự sáng tạo…

Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý rằng, cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phải được đặt trong các điều kiện đảm bảo về nội dung chương trình phù hợp với độ tuổi, cơ sở vật chất đáp ứng với tổ chức hoạt động này. Đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, phương pháp làm việc với trẻ độ tuổi mầm non của giáo viên hướng dẫn và môi trường giao tiếp giàu tiếng ngoại ngữ mà trẻ được tiếp cận. Việc tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với ngoại ngữ không phù hợp sẽ tạo cho trẻ áp lực, cảm thấy bị ép buộc, gò bó, không hứng thú, gây mệt mỏi về thể lực, tinh thần và đặc biệt là sự chán chường, sợ sệt đối với các hoạt động học tập khi trẻ vào lớp 1.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh thêm là nghiêm cấm dạy ngoại ngữ ở bậc mầm non. Bởi vì, qua báo cáo của các địa phương và khảo sát tình hình thực hiện chương trình giáo dục mầm non năm 2013 cho thấy, tại một số cơ sở giáo dục mầm non của một số tỉnh tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ có thu tiền của phụ huynh nhưng không đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Báo cáo của các Sở GD-ĐT cũng cho thấy, có không ít cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ nhưng người hướng dẫn chưa đảm bảo về trình độ ngoại ngữ hoặc chưa có nghiệp vụ sư phạm; thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ; nội dung tài liệu chưa phù hợp với độ tuổi, gây căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Bộ GD-ĐT cho phép cơ sở giáo dục mầm non đạt đủ tiêu chuẩn thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ (Ảnh minh họa - GDTĐ)
Bộ GD-ĐT cho phép cơ sở giáo dục mầm non đạt đủ tiêu chuẩn thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ (Ảnh minh họa - GDTĐ)

Chỉ cơ sở đạt tiêu chuẩn và được thẩm định mới được thí điểm

PV: Thưa bà, trong khi các cấp học từ Tiểu học lên đến THPT đang thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ. Trình độ của giáo viên dạy ngoại ngữ còn được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu. Để giải quyết việc phân bổ giáo viên có trình độ ngoại ngữ ở bậc mầm non, Bộ sẽ tính toán vấn đề này như thế nào?

Bà Phan Thị Lan Anh: Để tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với ngoại ngữ có hiệu quả, các cơ sở giáo dục mầm non phải dựa trên nhu cầu muốn cho con làm quen với ngoại ngữ của các phụ huynh và phải đáp ứng các điều kiện về nội dung chương trình, giáo viên hướng dẫn, cơ sở vật chất.

Nội dung chương trình cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phải phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ: thể lực, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mỹ và được Sở GD-ĐT thẩm định và cho phép sử dụng.

Về cơ sở vật chất đảm bảo có phòng tổ chức hoạt động cùng với môi trường giầu tiếng Anh; có đầy đủ trang thiết bị giúp trẻ được tiếp cận với ngôn ngữ một cách tự nhiên: phương tiện nghe nhìn, tranh ảnh, đồ chơi... phù hợp với trẻ em.

Giáo viên hướng dẫn có bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ngoại ngữ (hoặc cao đẳng ngoại ngữ) trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm mầm non.

Trong công văn 1303 đã nêu rõ, việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ không thực hiện đại trà mà chỉ thực hiện ở những nơi có đủ các chỉ ở những nơi có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu, đảm bảo những tiêu chí về giáo viên do Sở GD-ĐT thẩm định và cho phép. Những cơ sở nào không có được những giáo viên đạt yêu cầu đề ra như trên thì không được phép tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ.

Bộ chưa có chỉ đạo sẽ triển khai đại trà cho trẻ làm quen với ngoại ngữ

PV: Thưa bà, việc thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở bậc mầm non sẽ được Bộ GD-ĐT hướng tới mục đích lâu dài là gì?

Bà Phan Thị Lan Anh: Bộ GD-ĐT chỉ cho các cơ sở giáo dục mầm non thí điểm dạy ngoại ngữ cho trẻ là đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, chứ không nằm trong chương trình chính khóa.

Bộ GD-ĐT quy định, các cháu sẽ phải học cả ngày và theo chương trình giáo dục mầm non. Trong đó, vào buổi chiều sẽ có hoạt động cho trẻ chơi và hoạt động theo ý thích. Điều này có nghĩa là có những buổi chiều, trẻ có thể lựa chọn chơi các trò chơi hay làm quen với ngoại ngữ.

Hoạt động cho trẻ làm quen với ngoại ngữ sẽ được thực hiện một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, thoải mái thông qua các trò chơi, bài hát, tranh ảnh… nhằm tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ. Dựa vào đặc điểm nhận thức, khả năng chú ý có chủ định của trẻ thì thời lượng cho hoạt động làm quen với ngoại ngữ của trẻ chỉ khoảng 25-30 phút. Nếu quá thời lượng đó thì trẻ dễ bị mệt mỏi, phân tán sự chú ý và không còn thích thú với hoạt động.

Việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phải được tổ chức sao cho không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, việc huy động trẻ ra lớp và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Việc thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ chỉ được đặt ra đối với trẻ từ 4 đến 5 tuổi. Những địa phương có trường học mầm non nào đáp ứng được các tiêu chí để ra như trên thì có thể áp dụng thí điểm. Hàng năm, Bộ GD-ĐT sẽ có những sơ kết, đánh giá hoạt động thí điểm này để có những bước nghiên cứu, xem xét định hướng quản lý, chỉ đạo ở giai đoạn tiếp theo.

Hiện, Bộ chưa có chỉ đạo sẽ triển khai đại trà cho trẻ làm quen với ngoại ngữ nếu việc thí điểm được đánh giá có hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn bà!.

Bích Lan

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast