Cần quan tâm giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học.

Những năm gần đây, chủ quyền biển- đảo là vấn đề thời sự "nóng" của cả thế giới, trong đó có Việt Nam.Các tầng lớp nhân dân ta, từ những người nông dân chân lấm tay bùn cho đến người công nhân đang thiếu thốn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, rồi đội ngũ trí thức trí thức, người cao tuổi...hầu như ai cũng muốn ra sức chung tay "góp đá xây Trường Sa".

Ở nơi đảo xa, các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm khắc phục khó khăn, nắm chắc tay súng để giữ "lấy biển lấy trời "; những ngư dân kiên cường bám biển; và nhà sử học nỗ lực tìm kiếm để đưa ra những bằng chứng thiết thực chứng minh chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Không chỉ người Việt Nam mà cả những nhà khoa học khắp nơi trên thế giới, bằng những tư liệu địa lý, lịch sử có được, họ đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Thiết nghĩ, trong bối cảnh đó, không có lý do gì để một bộ phận học sinh- sinh viên của chúng ta, những chủ nhân tương lai của đất nước, lại hiểu biết lơ mơ về chủ quyền biển đảo.Theo nhà giáo Bùi Đức Huy(Can Lộc) và nhiều người khác, sở dĩ có tình trạng đó là do trong một thời gian dài, vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được coi là"nhạy cảm" nên sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lý trong các trường học ít được đề cập đến!

Tranh cổ động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo ở thị trấn huyện Vũ Quang.
Tranh cổ động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo ở thị trấn huyện Vũ Quang.

Để khắc phục tình trạng trên, từ năm học 2011-2012, chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa đã được đưa vào giảng dạy dưới hình thức lồng ghép vào môn Địa lý và Lịch sử, kết hợp các buổi học ngoại khóa, tại các trường THCS ở thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi. Tiếp đó, từ năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT có chủ trương mở rộng giáo dục chính khóa và tuyên truyền ngoại khóa cho học sinh cả nước về tiềm năng biển- đảo và nhiệm vụ của các thế hệ công dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thực hiện chủ trương này, một số trường THCS và THPT ở các huyện, thành phố, thị xã ở tỉnh ta bước đầu đã giáo dục học sinh các kiến thức: tầm quan trọng của biển, đảo; lịch sử, chủ quyền Trường Sa; một số hình ảnh về Trường Sa hôm nay và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảov.vv...Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế, một địa phương giàu tiềm năng về biển, với 137 km bờ biển kéo dài từ Nghi Xuân đến Đèo Ngang, trong đó có đảo Sơn Dương (Kỳ Anh) và nhiều hòn đảo khác, có vị trí quan trọng về QPAN, thì vấn đề giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học ở tỉnh ta chưa ngang tầm. Tham khảo ý kiến của nhiều cán bộ, giáo viên và các bậc cha mẹ học sinh, mọi người đều mong muốn Sở GD-ĐT, cũng như các trường học cần quan tâm hơn đến nhiệm vụ giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Làm được như vậy, các em học sinh sẽ càng thêm yêu quê hương, đất nước và ý thức được trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển- đảo của Tổ quốc thiêng liêng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast