Chấn chỉnh công tác quản lý các trường ĐH, CĐ

Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại một số ĐH, học viện, trường ĐH.

Bộ GD&ĐT cho biết, qua thanh tra đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức cán bộ, tuyển sinh, đào tạo, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản tại một số đơn vị và đã có kết luận cụ thể.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại qua thanh tra, đồng thời tăng cường công tác quản lý theo đúng pháp luật, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Về công tác tổ chức cán bộ

Rà soát, xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, bộ máy, số người làm việc và chiến lược phát triển của đơn vị giai đoạn tiếp theo.

Các trường chưa thành lập hội đồng trường, khẩn trương hoàn thành việc thành lập hội đồng trường theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Điều lệ trường đại học.

Rà soát, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền quy chế làm việc, quy chế dân chủ cơ quan; quy định về việc tổ chức sắp xếp các đơn vị trực thuộc; quy định về tuyển dụng, quy định về hợp đồng lao động; sử dụng, công chức, viên chức và người lao động; quy chế khen thưởng, kỷ luật và các quy định khác nhằm bảo đảm thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với đề án thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm và Điều lệ Trường đại học.

Các cơ sở giáo dục được thanh tra: ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Vinh.

Tổ chức tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức.

Thực hiện các quy định công khai, trách nhiệm giải trình hoạt động của đơn vị theo quy định của pháp luật.

Về công tác tuyển sinh, đào tạo

Về công tác tuyển sinh: Xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm trên cơ sở năng lực đào tạo đảm bảo tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo đúng quy định; tuyển sinh đúng đối tượng, điều kiện đầu vào (đặc biệt là điều kiện ngoại ngữ, thâm niên công tác, ngành đào tạo, văn bằng tốt nghiệp đối với đào tạo liên thông sau đại học);

Không tổ chức tuyển sinh và tổ chức đào tạo khi chưa được cấp phép đào tạo; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo trước và sau khi tuyển sinh theo quy định.

Về công tác đào tạo: Thực hiện tổ chức đào tạo chính quy (bao gồm cả chính quy liên thông) theo hệ thống tín chỉ, đảm bảo thời gian đào tạo trong ngày, kiểm tra đánh giá các hình thức đào tạo theo đúng quy định của Quy chế đào tạo trình độ ĐH, CĐ theo hệ thống tín chỉ hiện hành; không tổ chức đào tạo ngoài địa điểm đã được cho phép đào tạo (bao gồm cả đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ).

Đối với liên kết đào tạo với nước ngoài: Các trường tổ chức đào tạo theo đúng quy định trong thỏa thuận giữa hai bên và đề án liên kết đào tạo đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, không cắt xét chương trình đào tạo, đảm bảo đúng điều kiện đầu vào và đầu ra của chương trình đào tạo; chấm dứt tình trạng đào tạo khi chưa được phép và thực hiện đề án liên kết đào tạo theo đúng thời hạn cho phép.

Về quản lý tài chính, tài sản

Tăng cường quản lý thu, chi và các trung tâm, đơn vị trực thuộc. Cụ thể, về thu học phí, lệ phí: Thực hiện đúng nội dung và mức thu được quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và các văn bản hiện hành của Nhà nước.

Về quản lý nguồn thu: Thực hiện thống nhất quản lý nguồn thu của các trung tâm, các đơn vị trực thuộc về một đầu mối tại Ban (Phòng) Kế hoạch tài chính của đơn vị để kiểm soát thu, chi theo hướng dẫn tại Công văn số 1803/BGDĐT-KHTC của Bộ GD&ĐT.

Về quản lý các khoản chi: Rà soát lại Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, bổ sung cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn về tài chính mới ban hành thời gian qua, bổ sung các nội dung, định mức còn thiếu để làm căn cứ chi tiêu tại đơn vị.

Bổ sung các quy định về trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thực hiện cải cách tiền lương, quỹ học bổng cho sinh viên… đảm bảo đúng quy định của Nhà nước.

Tăng cường quản lý các trung tâm, các đơn vị trực thuộc trên cơ sở xét duyệt dự toán, quyết toán, quản lý thống nhất thu chi, hướng dẫn các trung tâm, đơn vị trực thuộc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đúng quy định.

Về chuyển số dư kinh phí ngân sách cuối năm: Các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao, hoàn tất thủ tục giải ngân, thanh quyết toán dứt điểm kinh phí với ngân sách nhà nước, tránh tình trạng để số dư ngân sách cuối năm lớn phải xét duyệt chuyển năm sau.

Đối với các nhiệm vụ, chương trình, đề tài, dự án không kịp giải ngân, thanh quyết toán kinh phí với ngân sách, các đơn vị phải báo cáo số dư về Bộ GD&ĐT đúng thời hạn quy định và đảm bảo đủ hồ sơ, số liệu chính xác, không đề nghị xét chuyển các nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc hết thời gian thực hiện và các nhiệm vụ đương nhiên được chuyển năm sau theo quy định.

Các ĐH vùng phải chủ động yêu cầu các đơn vị thành viên báo cáo số dư sớm để tổng hợp báo cáo Bộ GD&ĐT theo đúng thời gian quy định.

Về công tác quản lý đất đai, tài sản: Thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Thực hiện mua sắm, đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu; định kỳ thực hiện kiểm kê tài sản, theo dõi phản ánh tình hình biến động tăng giảm của tài sản trên sổ sách kế toán theo quy định; Nhập đầy đủ dữ liệu tài sản vào phần mềm “Quản lý đăng ký tài sản nhà nước”, đối chiếu, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung kịp thời tình hình tăng, giảm tài sản tại đơn vị mình theo quy định.

Quản lý và sử dụng xe công theo đúng quy định của Nhà nước, ban hành tiêu chuẩn sử dụng xe công, định mức nhiên liệu trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, không được sử dụng xe công vào mục đích cá nhân.

Về đầu tư, xây dựng cơ bản

Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tuân thủ các quy định, nguyên tắc trong quản lý vốn đầu tư công, chủ trương đầu tư.

Cụ thể, thực hiện nghiêm các quy định trong việc đăng ký, trình phê duyệt dự án đảm bảo theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư công trung hạn và hằng năm, văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư;

Quán triệt Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và triển khai các quy định mới ban hành của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng... tăng cường công tác tập huấn, phổ biến các quy định về quản lý vốn đầu tư công, quản lý đầu tư xây dựng cho các đơn vị trong hoạt động xây dựng;

Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực xử lý cho cán bộ làm công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phân cấp trong đầu tư xây dựng hiện nay;

Thực hiện nghiêm túc Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015.

Về quản lý đầu tư xây dựng, quyết toán dự án hoàn thành: Trong việc lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt dự án; thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - bản vẽ thi công, dự toán: nghiêm túc thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án xây dựng công trình.

Việc ký kết hợp đồng với các nhà thầu tư vấn và xây lắp cần tuân thủ Nghị định số 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn hợp đồng xây dựng;

Chỉ tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu đã được bố trí vốn. Thực hiện lập và điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo tiến độ chung của dự án và kế hoạch vốn được giao theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Thực hiện nghiêm quy định về thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu. Nghiệm thu và thanh quyết toán các gói thầu, dự án đã hoàn thành theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Thực hiện nghiêm quy trình và thời gian quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC, Thông tư số 04/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định Quy trình Thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng vốn Ngân sách nhà nước và Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đẩy mạnh công tác quyết toán đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách Nhà nước;

Tiếp tục thực hiện việc đẩy mạnh công tác quyết toán công trình hoàn thành.

Về quản lý chất lượng công trình: Thực hiện nghiêm Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của các đơn vị thi công xây dựng công trình theo đúng quy định. Kiên quyết không nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng khi không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành.

Bộ GD&ĐT Yêu cầu các đơn vị tổ chức, triển khai, quán triệt văn bản này tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị và tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra nội bộ theo Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp.

Giao Vụ trưởng các Vụ: Tổ chức cán bộ, Kế hoạch - Tài chính, Giáo dục Đại học; Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị Trường học, Đồ chơi trẻ em; Chánh Thanh tra và Thủ trưởng các Vụ, Cục liên quan của Bộ GD&ĐT thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Theo Báo Giáo dục và Thời đại

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast