Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm: Giảm áp lực nhưng cũng cần tạo cơ hội phát triển nhân tố

(Baohatinh.vn) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa chỉ thị các địa phương chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Theo đó, đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày: hướng dẫn học sinh (HS) hoàn thành nội dung học tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho HS, khuyến khích HS để sách vở và đồ dùng học tập tại lớp...

Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày: chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng khối lượng bài tập của HS học 2 buổi/ngày, không giao bài tập ngoài sách giáo khoa; không tổ chức thi HS giỏi đối với HS tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ; không tổ chức khảo sát HS đầu năm học, không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6...

Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm: Giảm áp lực nhưng cũng cần tạo cơ hội phát triển nhân tố ảnh 1

Hoạt động giao lưu toán tuổi thơ sẽ được xóa bỏ theo tinh thần chỉ thị của Bộ GD&ĐT

Đây là một trong những biện pháp quyết liệt góp phần thực hiện tinh thần của nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Vấn đề này đang rất được dư luận xã hội và đặc biệt là các bậc phụ huynh quan tâm. Đây cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra và bàn thảo sôi nổi tại nghị trường. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, giảm áp lực cho học sinh là một việc làm hết sức cần thiết, song cũng cần phải tạo môi trường, cơ hội để động viên, khuyến khích phát triển nhân tố và bồi dưỡng năng khiếu cho các em ở bậc học được xem là nền móng.

Có con đang học lớp 4 ở thành phố Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Thu cho rằng: “Việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học là một chủ trương đúng đắn của Bộ, đây cũng là mong muốn từ lâu của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đối với việc không tổ chức thi học sinh giỏi, không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, sân chơi trí tuệ, tôi cảm thấy có phần đột ngột. Bởi ngay từ đầu năm học, các thầy, cô giáo cũng đã tổ chức ôn luyện để lựa chọn những học sinh xuất sắc thành lập đội tuyển. Là một phụ huynh có con tham gia đội tuyển học sinh giỏi, tôi đã động viên cháu rất nhiều. Nay ngày thi cận kề thì lại có thông tin cấm nên không chỉ bản thân học sinh mà các bậc phụ huynh cũng rất hụt hẫng. Bởi thế, tôi mong rằng việc thực hiện vấn đề này cần phải có lộ trình; về lâu dài, Bộ cũng cần có cách làm phù hợp để làm sao có thể giảm áp lực cho học sinh nhưng cũng có thể phát hiện, lựa chọn và bồi dưỡng nhân tố”.

Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm: Giảm áp lực nhưng cũng cần tạo cơ hội phát triển nhân tố ảnh 2

Phần thi đồng đội của học sinh huyện Kỳ Anh tại hoạt động giao lưu Toán tuổi thơ năm học 2013-2014

Cô Bùi Thị H. giáo viên một trường THCS tâm sự: “Thời tiểu học, tôi cũng từng được tham gia đội tuyển học sinh giỏi. Hồi đó, vấn đề không đơn giản là những giải thưởng, là thành tích mà sau kết quả của kỳ thi, chúng tôi có thể nhận rõ những hạn chế của mình để phấn đấu khắc phục. Nếu từ bỏ các kỳ thi học sinh giỏi, các sân chơi trí tuệ thì việc phát triển nhân tố trong mỗi nhà trường sẽ khó khăn hơn rất nhiều”.

Đối với vấn đề chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, không ra bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày, có rất nhiều ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh. Có ý kiến cho rằng: giáo viên không ra bài tập về nhà thì sẽ không rèn được cho học sinh thói quen ngồi vào bàn học mỗi buổi tối. Tuy nhiên, đó chỉ là một số ý kiến nhỏ, bởi không giao bài tập buổi tối là biện pháp giảm áp lực, giảm quá tải cho học sinh tiểu học.

Thực tế, đối với bậc tiểu học mà đặc biệt là các lớp 3, 4, 5, kiến thức trong chương trình tương đối nặng nề so với lứa tuổi nên sau một ngày học tập ở trường, các cháu cần được nghỉ ngơi, thư giãn và vui chơi thay vì phải vùi đầu làm bài tập. Và việc học của con cũng không nên phó mặc hết cho nhà trường mà các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm kèm cặp, tạo lập cho các cháu ý thức, thói quen ngồi vào bàn học.

Riêng với việc khuyến khích học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp, nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn. Chị Lê Thị Lam (Lộc Hà) cho biết: “Không cho học sinh mang sách vở về nhà thì bố mẹ không thể biết được con học đến đâu, kiến thức ra sao, có tiến bộ không... Ngoài ra, đối với các môn như: Khoa học, Lịch sử, Địa lý… liệu trên lớp các con có thể thuộc hoặc nhớ được những kiến thức mới hay không? Chính vì thế, các em cần phải mang sách vở về nhà để phụ huynh có thể theo dõi quá trình học tập của con em; đồng thời học sinh có thể tranh thủ thời gian ôn lại bài cũ, chuẩn bị bài mới”.

Đổi mới, giảm tải, giảm áp lực trong học tập, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học là một chủ trương đúng và cần thiết. Tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế, cần có lộ trình cụ thể, biện pháp định hướng kịp thời, rõ ràng, cách làm phù hợp để phát triển nhân tố trong mỗi trường học. Có như thế chỉ thị mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast