Chương trình bán trú ở các trường tiểu học miền núi: Khó trăm bề!

(Baohatinh.vn) - Thực hiện bán trú đối với học sinh lớp 1 là nhiệm vụ trọng tâm, được ngành giáo dục Hà Tĩnh xem là một trong những mục tiêu hàng đầu trong năm học 2014-2015. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện chiến lược phát triển toàn diện trong giáo dục đối với trẻ ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, quá trình đi vào thực hiện ở các trường tiểu học, đặc biệt là khu vực miền núi đang gặp phải muôn vàn khó khăn.

Chương trình bán trú ở các trường tiểu học miền núi: Khó trăm bề! ảnh 1

Tại trường Tiểu học Phương Điền, do số học sinh lớp 1 tham gia bán trú quá ít nên phụ huynh phải tổ chức nấu ở nhà rồi mang đến cho các cháu. Sau khi ăn, học sinh phải ghép bàn ghế lại để nghỉ trưa. Trong ảnh là một bữa ăn trưa đạm bạc do phụ huynh tổ chức.

“Nóng tay bắt lỗ tai”

Đầu năm học 2014-2015, công tác xây dựng phát triển trường bán trú đã được ngành Giáo dục Hà Tĩnh coi là nhiệm vụ hàng đầu. Mục tiêu trước mắt: phấn đấu 100% trường tiểu học có mô hình bán trú cho HS lớp 1, những lớp còn lại sẽ tiến hành trong thời gian tiếp theo. Thế nhưng, đến thời điểm này, công tác xây dựng phát triển trường bán trú và số trẻ lớp 1 tham gia bán trú ở các huyện miền núi còn nhiều bất cập.

Theo số liệu từ các phòng GD&ĐT, Hương Khê, có 22/23 trường đã thực hiện bán trú, tỷ lệ HS lớp 1 tham gia bán trú chưa đến 40%; Vũ Quang 8/12 trường, tỷ lệ HS tham gia 40%; Kỳ Anh 17/32 trường, tỷ lệ HS tham gia 41%; Hương Sơn 32/32 trường, tỷ lệ HS tham gia 97%; Can Lộc 23/24 trường, với số HS tham gia trên 70%; Đức Thọ 28/28 trường, tỷ lệ trên 90%...

Vì công tác bán trú là nhiệm vụ hàng đầu của năm học, lại là một tiêu chí quan trọng để đánh giá thành tích của nhà trường nên dẫn đến tình trạng rất nhiều trường cố “chạy đua” với những mô hình bán trú “không giống ai”. Đây là giải pháp “chữa cháy” theo kiểu “nóng tay bắt lỗ tai”, làm mất đi giá trị thực, thậm chí là phản giáo dục.

Chương trình bán trú ở các trường tiểu học miền núi: Khó trăm bề! ảnh 2

Dù đã cuối năm học, nhưng Trường Tiểu học Đức Liên (Vũ Quang) mới chỉ sắm được sạp nghỉ cho học sinh.

Trong quá trình tìm hiểu về việc thực hiện bán trú ở một số trường tiểu học trên địa bàn huyện Hương Khê, Vũ Quang…, chúng tôi được ban giám hiệu các trường học chia sẻ: Cái khó lớn nhất trong xây dựng, phát triển trường bán trú là thiếu cơ sở vật chất (CSVC), đặc biệt là hệ thống bếp ăn, phòng ăn, phòng nghỉ trưa cho HS… Ngoài ra, tại một số địa phương, phụ huynh chưa hiểu hết vai trò của bán trú nên sự đồng thuận chưa cao, tiếp đến là vấn đề hợp đồng với cô nuôi có đủ tiêu chuẩn, năng lực phục vụ rất khó, thêm vào đó là rất nhiều trường tiểu học chưa có nhân viên y tế học đường để kiểm định ATVSTP và ứng phó với tình huống ngộ độc thực phẩm xẩy ra…

Từ những khó khăn trên, các trường đã thực hiện bán trú theo những cách khác nhau.

Mỗi trường một vẻ

Tại huyện Hương Khê, có 2 trường được xem là thực hiện sớm, tốt bán trú đối với HS lớp 1 là Tiểu học Hương Vĩnh và Tiểu học Lộc Yên. Thế nhưng, ngay cả 2 trường này cũng chỉ mang tính giải quyết vấn đề trước mắt. Ở Trường Tiểu học Hương Vĩnh, số HS lớp 1 tham gia bán trú 53/53, nhưng hệ thống bếp ăn, phòng nghỉ trưa chỉ là dãy nhà cấp 4 kế thừa từ trường THCS sau khi sáp nhập… Những ngày HS ăn bán trú, nhà trường buộc phải cắt cử 2 giáo viên và 1 người trong ban giám hiệu ở lại trực và lo tổ chức bữa ăn cho các cháu cùng cô nuôi.

Chương trình bán trú ở các trường tiểu học miền núi: Khó trăm bề! ảnh 3

Vì thiếu không gian nên Trường TH Sơn Kim 2 phải tận dụng hành lang sân nội trú để làm chổ ăn trưa cho các cháu.

Còn Trường Tiểu học Lộc Yên mặc dù CSVC khá tốt, trang thiết bị khá đầy đủ, nhưng tỷ lệ HS lớp 1 tham gia bán trú còn thấp, với 21/59 HS. Nguyên nhân là do số phụ huynh còn lại không đồng tình.

Do số HS lớp 1 ăn bán trú ít, không hợp đồng được với cô nuôi, cộng với thiếu CSVC, trang thiết bị nên xuất hiện mô hình bán trú “gửi”- tức là gửi số HS bán trú của mình sang các trường mầm non nhờ “nuôi” hộ. Điển hình là các trường tiểu học: Phương Mỹ, Phú Gia, Hương Xuân… Những trường này, số lượng HS lớp 1 tham gia bán trú chưa tới 40%, lại đang “rớt” từng ngày. Để “giữ chân” bán trú, nhiều trường buộc phải áp dụng hình thức vừa thu gạo, vừa thu tiền để giảm gánh nặng cho phụ huynh.

Có những trường, số HS tham gia ít, lại xa cơ sở mầm non nên không thể “gửi”, buộc phải tiến hành bán trú bằng cách: phụ huynh tự tổ chức theo nhóm nấu ở nhà rồi mang đến trường cho HS, như Trường Tiểu học Phương Điền.

Chương trình bán trú ở các trường tiểu học miền núi: Khó trăm bề! ảnh 4

Tận dụng một khoảng trống của 1 góc sân, Trường Tiểu học Sơn Tây đã dựng mái tôn làm nhà ăn bán trú.

Có những trường vốn “thâm niên” 10 năm đạt chuẩn, nhưng nay phải chịu cảnh “trắng” bán trú vì không thể kiến thiết thêm CSVC, điển hình là Trường Tiểu học Hương Minh (Vũ Quang). Cô Lê Thị Bích Thảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường phải chấp nhận cảnh “trắng” bán trú vì thiếu CSVC. Không những nhà trường không có kinh phí mà ngay cả chính quyền địa phương cũng không có nguồn để thực hiện. Nhà trường rất muốn có mô hình bán trú để duy trì thành tích, phụ huynh thì trông đợi để được gửi con yên tâm sản xuất (theo cô Thảo, phụ huynh xã Hương Minh chủ yếu đi làm rừng nên không có thời gian đưa đón con), nhưng đến nay, “lực bất tòng tâm”. Theo cô Thảo, do không có bán trú nên những ngày học 2 buổi, các HS ở xa được phụ huynh gửi lại nhà dân hoặc bảo vệ nhà trường nên ăn uống rất qua loa, tạm bợ.

Một số địa phương do địa bàn trải rộng, các trường tiểu học ngoài điểm chính còn có điểm lẻ. Lẽ ra, bán trú phải được thực hiện ở điểm chính, vì nơi đó số HS đông, lại là vùng trung tâm, nhưng do không có CSVC nên đành chấp nhận “trắng”. Trong khi đó, với lượng HS ít, lại thừa phòng học nên bán trú được “điều” sang điểm lẻ. Sự điều chỉnh này không những bất cập mà không hiệu quả, ví như Trường Tiểu học Đức Lĩnh…

Bên cạnh rất nhiều trường đang lúng túng trong thực hiện thì một số trường nhờ vận dụng tốt công tác xã hội hóa giáo dục nên vấn đề bán trú đã được giải quyết. Điển hình là Trường Tiểu học Đức Hương. Thầy Phạm Đình Tiếp - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trên cơ sở biến các phòng nội trú thừa làm bếp ăn và phòng nghỉ cho HS, để có trang thiết bị như bếp, chén bát, bàn ghế, tủ lạnh… Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức vận động trong dân”.

Theo thầy Tiếp, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, ban giám hiệu nhà trường đã đến từng gia đình có con em làm ăn thành đạt để ngỏ lời giúp đỡ. Ngoài ra, một số trường như Tiểu học Đức Giang, Tiểu học Ân Phú dù đã thực hiện xong mô hình bán trú nhưng cũng mới hoạt động vào cuối năm học này.

Tình trạng trên không chỉ xẩy ra ở các trường thuộc các huyện như Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh...

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast