Có hay không chuyện giáo viên “đứng nhầm lớp”?

Khi Bộ GD-ĐT phát động phong trào nói không với hiện tượng học sinh (HS) “ngồi nhầm lớp”, có những ý kiến cho rằng, cần xét đến hiện tượng giáo viên (GV) “đứng nhầm lớp”. Hiện tượng này không phải là cá biệt và đang là bài toán nan giải.

Những chuyện bi hài!

Thầy TTT ở trường THPT nọ trở nên nổi tiếng vì dạy lớp nào là bị HS lớp đó kêu. Là GV môn Toán nhưng ông thầy này không giải được một bài tập thông thường trong SGK. Thầy ghi đề lên bảng, loay hoay mãi không giải được, đến khi HS kêu lên: “Thầy ơi, bọn em đã làm xong rồi!”. Hôm khác, thầy gọi hai HS lên bảng cùng giải một bài toán, hai em này tranh luận và đều cho là mình đúng, nhưng thầy cũng không phân xử nổi ai đúng ai sai.

Thí sinh Can Lộc - Hà Tĩnh dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009 (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Văn Học.
Thí sinh Can Lộc - Hà Tĩnh dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009 (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Văn Học.

Một GV môn Anh văn tham gia thi khảo sát chất lượng chỉ đạt 2 điểm, viết một câu lên bảng thì sai cả ngữ pháp và chính tả.

Không phải chúng tôi cố tình nói đến những tiểu tiết, những sai sót, nhầm lần thông thường ai cũng có thể mắc phải. Vấn đề là ở chỗ, có những GV nền tảng kiến thức và bản lĩnh tư tưởng quá non yếu, nên bộc lộ những sai sót đáng ngạc nhiên.

Khi dự giờ thao giảng của một GV Văn, chúng tôi ngạc nhiên vì GV này không hề biết cách khai thác nội dung tác phẩm, chỉ là đọc lại những nội dung chú giải và cứ thế cho đến hết giờ. Một GV khác thì đã thuộc giáo án khá kĩ, nhưng từ đầu đến cuối cứ đọc chầm chậm cho HS ghi. Khi HS trả lời câu hỏi, sai hay đúng GV đều không bình luận, nhận xét gì, cứ việc đọc sẵn nội dung giáo án. HS nếu hỏi một câu mở rộng, liên hệ là GV bó tay.

Một số GV tỏ ra "khôn ngoan" khi gọi HS đọc bài, lần lượt và cứ thế cho đến hết giờ. Vẫn có những GV giảng chi tiết "ngọc trai - nước giếng" (truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy) là "biểu tượng của tình yêu chung thủy". GV khác lại đặt "trọng tâm" bài giảng "Tấm Cám" ở chi tiết Tấm giết Cám, say sưa đến mức bị đồng nghiệp phê là "phản giáo dục".

"Tiên trách kỉ..."

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ bản thân GV, vốn không phải thông minh xuất chúng gì, lại không chịu khó học hỏi, trau dồi chuyên môn. Có những GV môn xã hội nhưng hầu như không chịu đọc sách báo gì, tài liệu tham khảo chính là sách giáo viên và mấy cuốn sách văn mẫu. Kênh thông tin mà họ quan tâm đến là tivi.

Một nghịch lý là những GV đã giỏi thì lại ham học hỏi và ngược lại, thế là sự yếu kém về tri thức càng thêm nặng nề. GV môn tự nhiên thì không làm bài tập, GV môn xã hội thì không chịu rèn luyện viết lách. Họ còn biện hộ: “Huấn luyện viên đâu cần đá bóng giỏi".

Sự trì trệ, lười biếng, an phận thủ thường ở một bộ phận GV đang ở mức đáng báo động. Một vị tổ trưởng chuyên môn Anh văn nhận xét về một đồng nghiệp là "Không biết gì". Khái niệm tự học và tư duy đã trở nên xa lạ đối với một số GV và họ rơi vào chủ nghĩa hình thức, khuôn sáo. Một số GV trong giờ cứ loay hoay để làm sao trình bày bảng cho đẹp, cho bắt mắt.

Bộ GD-ĐT đã nhận ra hiện tượng này khi đề xuất ý tưởng hiệu trưởng có quyền quyết định mức lương cho GV và quy định sẽ loại khỏi ngành những GV bị xếp loại yếu kém hai năm liền, xóa bỏ biên chế đối với những GV mới tuyển dụng. Việc Hiệu trưởng trả lương cho GV theo năng lực và hiệu quả công việc còn "vướng" nguồn tài chính và "thước đo" chính xác về năng lực GV. Quy định "thanh lọc" GV cũng khó thành hiện thực, bởi tư tưởng "thương thầy" còn lớn hơn "thương trò". Một số GV nói rằng, khi có quy định ấy, sẽ có sự nương nhẹ trong xếp loại, để GV khỏi mất "nồi cơm".

Người thầy sẽ quyết định chất lượng giáo dục. Việc GV đứng nhầm lớp sẽ gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Có ai đó đã ví von người thầy dạy sai thì hậu quả còn ghê gớm hơn ông bác sĩ làm chết một bệnh nhân, hay vị tướng "nướng" một đạo quân, bởi vì thầy dở làm thui chột cả thế hệ tương lai.

"Hậu trách nhân"...

Lỗi thuộc về "cơ chế". Bằng cấp, biên chế, những mối quan hệ ngoài chuyên môn chằng chịt đã trở thành tấm lá chắn vững chắc cho những GV lười biếng, góp phần làm thui chột đội ngũ. Một GV đã có bằng cấp đạt chuẩn, được vào biên chế rồi coi như đã "hoàn thành sự nghiệp", lương cứ đến hẹn lại lên, yên tâm công tác cho đến khi về hưu, miễn là đừng phạm lỗi nghiêm trọng.

Cách đánh giá, xếp loại GV thành "lao động tiên tiến" hay không "tiên tiến" cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự trì trệ. Cuối năm, một trường 100 GV thì có đến hơn 90 người đạt "lao động tiên tiến" và "tiên tiến xuất sắc", chỉ có một vài người xếp loại trung bình. Thông tin phản hồi từ phía HS đối với GV hầu như không được quan tâm; nếu có, cũng luôn được giữ bí mật hoặc xử lý một cách nhẹ nhàng để bảo vệ GV.

Đọc một tài liệu "luyện thi" của một GV kì cựu, tôi không khỏi giật mình về những điều ông tán xằng tán nhảm đã làm méo mó nhận thức bao nhiêu HS. Thực trạng đó đòi hỏi thái độ dám nhìn thẳng vào sự thật và quyết tâm thay đổi của ngành giáo dục.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast