Cô nuôi phấn khởi, trẻ vui, phụ huynh yên lòng

(Baohatinh.vn) - Năm học 2014-2015 đã thực sự mang lại niềm vui mới cho 1.034 cô nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh khi đời sống được quan tâm hơn trước. Tất cả nhờ sự quan tâm của tỉnh, các cấp, ngành liên quan thông qua những chế tài và sự vào cuộc trong công tác xã hội hóa của chính quyền các địa phương.

Thay đổi nhỏ, niềm vui lớn

Cô Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Can Lộc) cho biết: “Sau khi sáp nhập, hiện nay, trường chúng tôi có 4 cụm với 712 cháu ăn bán trú, trong đó có 300 cháu ăn sáng, vì thế, trường có đến 18 cô nuôi. Một ngày của các cô nuôi bắt đầu từ lúc sáng sớm và kết thúc vào lúc phụ huynh đón con. Đặc biệt, những cô phục vụ ăn buổi sáng phải làm việc từ lúc 4-5 giờ nhưng lương cũng chỉ vỏn vẹn 1.320.000 đồng/tháng. Năm học này, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh, đời sống cô nuôi đã được cải thiện, trung bình mỗi tháng các cô được nhận 1.700.000 đồng”.

Cô nuôi phấn khởi, trẻ vui, phụ huynh yên lòng ảnh 1

Một giờ học của cô trò Trường Mầm non Đức Hương

Cô Đặng Thị Hồng - bếp phó tâm sự: “Ngoài khoản tiền lương hàng tháng được tăng thêm, năm nay, chị em chúng tôi bắt đầu được đóng bảo hiểm, dù là tự nguyện. Sự quan tâm của các bậc phụ huynh, của cấp trên là nguồn động viên lớn, ghi nhận sự đóng góp của chúng tôi. Mỗi người đều thấy cần phải cố gắng, phát huy tinh thần trách nhiệm hơn nữa”.

Từ nỗ lực của ban giám hiệu nhà trường và sự “mát tay” của các cô nuôi, đầu năm học đến nay, tỷ lệ ăn bán trú của học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, ở cụm trường Bắc Nghèn - nơi 100% đồng bào có đạo sinh sống, các cô không còn phải vất vả đến từng nhà để vận động phụ huynh cho trẻ ăn tại trường, chất lượng và khẩu vị từng bữa được các cô dày công chuẩn bị đã thuyết phục 100% phụ huynh nơi đây đồng thuận cho con ăn tại trường.

Niềm vui cũng đã thực sự đến với các cô nuôi Trường Mầm non Thụ Lộc (Lộc Hà), nơi cuộc sống của người dân còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn, nhưng nguồn thu nhập của cô nuôi cũng đã được cân đối từ nhiều nguồn. Cô Lê Thị Giang cho biết: “Mỗi tháng, chúng tôi nhận 1.500.000 đồng, dẫu còn chật vật nhưng sự quan tâm của các cấp chính quyền và phụ huynh đã thực sự làm ấm lòng và động viên chúng tôi hoàn thành tốt công việc”.

“Tay vịn” của công tác xã hội hóa

Thầy Trần Hữu Doãn - Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT cho biết: “Thấy rõ tầm quan trọng của cô nuôi trong việc góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của học sinh mầm non, thời gian qua, ngành đã tham mưu tỉnh ban hành Hướng dẫn số 887 về công tác nuôi dưỡng tại các trường mầm non công lập, bán công có tổ chức bán trú”.

Cô nuôi phấn khởi, trẻ vui, phụ huynh yên lòng ảnh 2

Cô nuôi Trường Mầm non Hoa Hồng - thị trấn Can Lộc chăm sóc vườn rau.

Các cô được trang bị trang phục bảo hộ; khám sức khỏe định kỳ; tham gia tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hưởng tiền công lao động theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành của Nhà nước và được khuyến khích đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện. Kinh phí hoạt động cho công tác nuôi dưỡng tại các trường mầm non được đảm bảo từ nguồn đóng góp của cha mẹ học sinh và các nguồn thu hợp pháp khác. Về mức thu, tùy theo điều kiện từng địa phương, thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh để quy định phù hợp theo nguyên tắc thu đảm bảo chi…

Hướng dẫn 887 thực sự là “tay vịn” để các trường mầm non có cơ sở tham mưu, kêu gọi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh trong việc chia sẻ khó khăn cho cô nuôi. Đây là chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các trường mầm non hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các địa phương đã hỗ trợ cho cô nuôi với mức độ khác nhau như: Trường Mầm non Xuân Thành, Xuân Yên (Nghi Xuân); Kỳ Bắc, Kỳ Xuân (Kỳ Anh) 2 triệu đồng/tháng; Nam Hồng, Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) 2,2 triệu đồng/tháng… Đây thực sự là nguồn động viên để các cô an tâm làm việc.

Cô Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Các cô nuôi luôn chú trọng thay đổi thực đơn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng theo từng ngày. Ngoài ra, còn tham gia xây dựng quang cảnh trường học xanh, sạch, đẹp. Tấm lòng ấy đã được phụ huynh ghi nhận. Thế nên, ở một số cụm trường, các bậc phụ huynh xin được đóng góp thêm nhưng chúng tôi chỉ thu phù hợp theo nguyên tắc thu đảm bảo chi”.

Sự chia sẻ của ngành, sự vào cuộc trong công tác xã hội hóa của các địa phương và phụ huynh là động lực để các cô nuôi vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ; xây dựng những bếp ăn bán trú đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm và góp phần giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast