Cựu nhà giáo với hơn 4000 bức tranh và các trang viết về Bác Hồ

Mặc dầu đã rời bục giảng trở về với đời thường nhưng ngọn lửa đam mê nghề nghiệp và sáng tạo vẫn luôn cháy trong trái tim cựu giáo chức Trần Mỹ Trâm (thường trú tại Khối 5 Nam Sơn, Thị trấn Nghèn, Can Lộc). Hơn 4000 bức tranh và các trang tư liệu được cẩn trọng sưu tầm, cất giữ là những gì ông chuẩn bị cho ý định mở một triển lãm nhỏ về Bác Hồ nơi địa bàn ông đang sống - một ý định được người giáo viên già ấp ủ từ lâu.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, trên quê hương Can Lộc "địa linh, nhân kiệt" và trầm tích văn hóa, nhà giáo Trần Mỹ Trâm mang trong mình niềm đam mê văn chương nói riêng và văn hóa văn nghệ nói chung. Tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp Hà Tĩnh hệ Khoa học xã hội năm 1962, ông làm giáo viên dạy Văn tại trường Cấp II Thị xã HàTĩnh. Đến năm 1965, vì chiến tranh nên trương phải giải tán, ông về quê hương và dạy ở trường Cấp II Thanh Lộc và Thuận Lộc.

Ông Trâm giới thiệu tư liệu của mình cho cán bộ khối
Ông Trâm giới thiệu tư liệu của mình cho cán bộ khối

Năm 1980, ông được điều về Phòng GD – ĐT Can Lộc làm thanh tra tại Phòng đến khi nghỉ hưu. Trong những năm ấy, ông là một giáo viên giỏi, là một cán bộ cốt cán của ngành giáo dục huyện nhà. Từ 1990 – 1998, ông làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Huyện Can Lộc và học thêm Đại học Hàm Thụ (tại chức) – ĐH Sư phạm Vinh. Thời gian này ông được nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” liên tục mấy năm liền và là một cán bộ quản lý giỏi của ngành.

Đến bây giờ, khi tuổi đời đã gần 80 và gần 40 năm tuổi Đảng, ông Trần Mỹ Trâm vẫn hăng say làm việc, hăng say cống hiến cho đời. Hằng ngày ông vẫn đọc sách báo thường xuyên, tham gia các cuộc nói chuyện về Văn học – Nghệ thuật và các vấn đề thời sự trong các Câu lạc bộ của địa phương. Ví như các bài nói chuyện về “Đời người và đời thơ Tố Hữu” hay các bài nghiên cứu về cuộc đời và tài năng quân sự của các vị tướng qua các thời đại như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ, Trần Quốc Tuấn và gần đây nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Trước và sau khi nghỉ hưu, ông Trâm nung nấu trong mình ý tưởng tìm hiểu, sưu tầm những tư liệu về con người và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, ông tích cực sưu tầm các tấm ảnh, các bức tranh và các tư liệu, bài viết liên quan về Bác từ mọi nguồn thông tin. Trong suốt hơn 10 năm miệt mài tìm hiểu, ông đã sưu tầm được hơn 4000 bức tranh và tư liệu về Bác giai đoạn 1911 – 1969. Ông đã và đang tích cực chuẩn bị cho ý định tổ chức một chương trình triển lãm nhỏ giới thiệu về Bác cho toàn thể nhân dân trên địa bàn Huyện Can Lộc và những người quan tâm đến đề tài này.

Không chỉ là một nhà giáo giỏi, một nhà hoạt động văn hóa tiêu biểu, trong gia đình ông còn là một người cha, một người ông mẫu mực. Các con cháu ông bây giờ đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực và nhất là trong nghề giáo. Với họ, ông không chỉ là một người cha mà còn là một người thầy dạy họ không chỉ kiến thức văn hóa mà còn dạy những kĩ năng làm người. Đối với xóm làng, ông luôn là một Đảng viên gương mẫu, tích cực tham gia những hoạt động và thực hiên các chủ trương của khối phố và của cấp trên.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng lòng yêu nghề và ý tưởng cống hiến của ông vẫn luôn trẻ mãi. Một mùa hiến chương nhà giáo nữa sắp tới, mong sao ông có thể thực hiện được những ý tưởng lớn lao của mình để làm tấm gương soi cho các thế hệ nhà giáo hôm nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast