Đại học không là con đường duy nhất!

Tháng 3 lại về trong nỗi xốn xang của mỗi cô cậu học trò khi mùa thi đang đến gần. Ngoài việc chuẩn bị kiến thức cho các kỳ thi, với hầu hết các em, việc lựa chọn ngành, nghề và trở thành sinh viên (SV) của một trường đại học (ĐH) nào đó luôn là khát khao bỏng cháy. Nhưng với xu thế phát triển hiện nay, ĐH không còn là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp...

Gian nan tìm kiếm việc làm

Việc C. đậu vào trường ĐH Thương mại đã trở thành sự kiện trọng đại của gia đình ông T. (Can Lộc) bởi trong 3 người con, C. được ông bà kỳ vọng nhiều nhất. Tích cóp lương hưu của 2 vợ chồng không đủ cho con ăn học, ông đã phải “bươn” trên những công trường xây dựng để tìm kiếm việc làm, có thêm thu nhập. 4 năm học rồi cũng qua mau, thấm thoắt đã đến ngày C. tốt nghiệp. Thế nhưng, niềm vui của cậu cử nhân nhanh chóng trôi qua, thay vào đó những ưu tư trĩu nặng sau mỗi lần gõ cửa các công ty, xí nghiệp để tìm kiếm việc làm. Để giải quyết thời gian nhàn rỗi, đồng thời cũng kiếm kế mưu sinh, hơn 1 năm sau ngày tốt nghiệp, C. đành phải xin làm tiếp thị cho một công ty nước giải khát.

Với S., con đường vào ĐH đầy chông gai và trắc trở khi cả 2 lần dùi mài kinh sử vẫn không thành hiện thực. Dù vậy, ĐH vẫn luôn là niềm khao khát nên S. đã nộp hồ sơ vào học khoa Kinh tế (ĐH Phương Đông). Ra trường, cũng như bao cử nhân khác, S. bám trụ lại thủ đô và làm việc tại một số công ty trách nhiệm hữu hạn. Thế nhưng, thời buổi kinh tế suy thoái, công việc cũng được chăng hay chớ, thu nhập thấp trong khi mặt bằng giá cả ở thủ đô đắt đỏ, S. đành khăn gói về quê bám vào ruộng đồng để mưu sinh sau 4 năm đèn sách.

Giờ thực hành của SV Trường Cao đẳng nghề Việt Đức

Giờ thực hành của SV Trường Cao đẳng nghề Việt Đức

Cũng trong một chuyến công tác tại một cơ quan, tôi được chứng kiến cảnh người đàn ông tất tả đạp xe đến nộp hồ sơ xin việc cho con. Không giấu được nỗi thất vọng trên gương mặt khắc khổ khi được cán bộ tổ chức của cơ quan thông báo không thể nhận thêm hồ sơ, ông cho biết: “Con tôi học ĐH Huế, ra trường đã gần 1 năm nay. Tôi đã đạp xe đi khắp nơi để xin việc làm cho con nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Gia đình đã thắt lưng buộc bụng đầu tư cho con cái học ĐH những mong tìm kiếm được việc làm để đỡ đần bố mẹ nhưng xem ra thật khó”.

Dẫu chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng mỗi năm, ước tính Hà Tĩnh có hàng trăm SV tốt nghiệp ĐH, trong đó có cả những trường thuộc “tốp đầu” nhưng số em tìm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ, sở trường còn ít. Xu thế phát triển của xã hội và thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” chính là nguyên nhân khiến cho vấn đề việc làm luôn là nỗi trăn trở của SV sau tốt nghiệp ĐH.

ĐH không là con đường duy nhất

Về vấn đề này, thầy Lê Sỹ Võ - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GD&ĐT cho biết: “Trước thực trạng thừa thầy, thiếu thợ, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các nhà trường đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh (HS)”. Cụ thể: đối với HS tốt nghiệp lớp 9 nếu có học lực trung bình hoặc yếu, các nhà trường định hướng, tư vấn cho các em nên học các trường trung cấp nghề hoặc các trung tâm dạy nghề hướng nghiệp giáo dục thường xuyên; đối với bậc THPT, các em nên lựa chọn những ngành nghề phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình và điều quan trọng hơn cả là đáp ứng yêu cầu thực tiễn".

Việc quán triệt tinh thần chỉ đạo ấy còn được các nhà trường triển khai thực hiện ngay từ đầu mỗi năm học, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc họp phụ huynh... đặc biệt tập trung cao điểm vào tháng 3 – khi các em bắt đầu làm hồ sơ. Ngoài ra, các nhà trường cũng đã cung cấp thêm cho HS thông tin về một số lĩnh vực nghề nghiệp mà xã hội đang có nhu cầu và tỉnh nhà cũng đang cần để cung cấp nguồn nhân lực cho các khu kinh tế như: kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng, cơ khí - hàn, công nghệ thông tin.

Mùa thi đang đến gần, giảng đường ĐH vẫn luôn là ước mơ cháy bỏng của các sỹ tử nhưng đó không phải là con đường lập thân, lập nghiệp duy nhất. Học để ra trường có việc làm, đảm bảo cuộc sống, đó là mong muốn chính đáng của bất kỳ phụ huynh, HS nào. Trong bối cảnh hiện nay, các bậc phụ huynh và HS cũng cần thay đổi quan niệm trong việc chọn trường, chọn nghề. Tốt hơn hết, các em hãy tìm cho mình một trường học, một ngành học thực sự phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu của xã hội để khi ra trường có thể phát huy được kiến thức và có việc làm, đảm bảo cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast