Đào tạo đại học, cao đẳng: Nhiều nơi nói không với đào tạo cử tuyển

Việc đào tạo tràn lan không bảo đảm chất lượng, cử tuyển sai đối tượng đã và đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.

Đào tạo đại học, cao đẳng: Nhiều nơi nói không với đào tạo cử tuyển ảnh 1
Công văn của Đại học Bách khoa Đà Nẵng thông báo về tình hình học lực của sinh viên cử tuyển.

Trong một giai đoạn nhất định, chính sách đào tạo cử tuyển thể hiện tính ưu việt về tạo nguồn cán bộ tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, việc đào tạo tràn lan không bảo đảm chất lượng, cử tuyển sai đối tượng đã và đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.

Sinh viên cử tuyển ra trường chưa đáp ứng yêu cầu công việc, tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng do không được bố trí công việc. Mấy năm gần đây, nhiều huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa lần lượt “nói không” với cử tuyển.

Sau 7 năm khổ sở trên giảng đường đại học, Đinh Văn T ở huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cũng tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Với tấm bằng loại Trung bình ngành Sử học, anh được phân công về dạy tại trường THPT Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi theo đúng chuyên ngành đã học.

Với T, học đã khổ, giờ đứng trên bục giảng càng khó khăn hơn. Những kiến thức về lịch sử đọng lại trong anh không nhiều, đôi khi còn nhầm lẫn sự kiện này với sự kiện khác khiến thầy giáo T mất tự tin, lúng túng trước học sinh. Không đáp ứng được công việc giảng dạy môn Lịch sử, Ban Giám hiệu nhà trường đành bố trí anh qua dạy môn Giáo dục thể chất.

Anh T trải lòng, ngay khi mới vào đại học đã không theo kịp chương trình nhưng được cử đi học mà bỏ về giữa chừng sợ gia đình, bạn bè cười chê.

Anh T nói: “Tôi biết khả năng hiểu biết về lịch sử không nhiều. Tôi học đại học dự bị ở Nha Trang. Nói là học đại học nhưng tôi không biết gì cả. Dù có kiến thức, suy nghĩ, ý tưởng nhưng khi diễn đạt thật là khó”.

Thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo cử tuyển ngày càng giảm sút ngoài lý do cử tuyển tràn lan, đào tạo qua loa, hình thức, nguyên nhân chính vẫn là năng lực học tập của sinh viên cử tuyển quá yếu. Thế mới có chuyện, nhiều sinh viên cử tuyển học đến 9, 10 năm vẫn chưa tốt nghiệp đại học?.

Vừa qua, căn cứ vào kết quả học tập, Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã có văn bản gửi 7 Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên thông báo kết quả học tập của học kỳ 1 năm học 2013-2014, kèm theo danh sách sinh viên cử tuyển thuộc diện thôi học.

PGS.TS Lê Cung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng thừa nhận, rất nhiều sinh viên cử tuyển không theo kịp chương trình học, nhà trường đã khuyến cáo không nên tiếp tục học do năng lực quá kém.

“Điểm thi đầu vào quá thấp, các học viên không nỗ lực, lười và ỷ lại. Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo nhưng chẳng ăn thua”, PGS.TS Lê Cung nói.

Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Học sinh - Sinh viên Đại học Huế cho biết: Trước khi có Nghị định 134 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các trường không đào tạo tràn lan mà chỉ tập trung ở một số ngành và có địa chỉ rõ ràng. Cụ thể như Đại học Nông lâm chỉ đào tạo ngành Khuyến nông; Kinh tế đào tạo kinh tế nông nghiệp; Sư phạm chủ yếu đào tạo một số ngành khối C… Trong giai đoạn này, số lượng sinh viên cử tuyển ra trường ít, chất lượng đảm bảo, nhiều người tốt nghiệp cử tuyển thời đó nay đang giữ những vị trí quan trọng tại địa phương. Sinh viên cử tuyển đăng ký ngành học dựa trên nhu cầu thực tế tại địa phương và năng lực của bản thân. Thời gian gần đây, những người được cử tuyển thường đăng ký vào học những ngành tương đối khó như: Y Dược, Tài chính, Ngân hàng, Công nghệ thông tin…, mà không cần biết ngành đó địa phương có nhu cầu tuyển dụng hay không và khả năng của mình đến đâu?.

Đào tạo đại học, cao đẳng: Nhiều nơi nói không với đào tạo cử tuyển ảnh 2
Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam theo học hệ cử tuyển.

Ông Đỗ Văn Phòng khẳng định, nhiều sinh viên cử tuyển vào học những ngành này phần lớn không theo kịp sinh viên hệ chính quy. Ông Phòng nói: “Chất lượng không cao là do các tỉnh đầu tư vào nhiều ngành quá sức của sinh viên. Nhiều em tập trung vào ngành Y quá nhiều, chiếm 2/3. Trường Y nằm ở top cao, tập trung vào đó đương nhiên chất lượng đào tạo sẽ không cao”.

Đã có một thời gian dài, Nhà nước ta quá ưu ái với đối tượng cử tuyển, từ việc xét chọn chỉ tiêu, tuyển sinh đầu vào đến quá trình đào tạo, xét tốt nghiệp ra trường. Chính vì quá dễ dãi nên chất lượng đầu ra ngày càng sa sút.

Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi nêu lên một thực tế đáng báo động rằng: có trường hợp sau khi tốt nghiệp hệ cử tuyển được phân công giảng dạy tại các huyện miền núi nhưng không làm được các phép tính thập phân hay những bài toán đơn giản!?

Ông Trương Công Lập, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi - địa phương có nhiều đối tượng được cử tuyển, cũng thẳng thắn chỉ rõ những “lỗ hổng” trong đào tạo cử tuyển.

Theo ông Lập, đối tượng cử tuyển là học sinh chưa tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi không đỗ Đại học, Cao đẳng mới nộp hồ sơ vào cử tuyển; trình độ đầu vào thấp dẫn đến chất lượng sinh viên ra trường không đạt yêu cầu, gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp việc làm. Và huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã “nói không” với cử tuyển từ 2 năm nay.

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết: tỉnh không nói rõ dừng hay không dừng cử tuyển, nếu địa phương nào có nhu cầu thì tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, trong năm nay tỉnh Quảng Ngãi giao cho 6 huyện miền núi 40 chỉ tiêu cử tuyển nhưng đã có 2 huyện “nói không” với cử tuyển là Ba Tơ và Trà Bồng; 4 huyện còn lại vẫn chưa đăng ký chỉ tiêu. Điều này cho thấy các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Ngãi không còn "mặn mà" với cử tuyển. Trong khi đó, nhiều huyện miền núi các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… cũng đã dừng cử tuyển từ vài năm trước. Mới đây, tỉnh Quảng Nam cũng tuyên bố dừng cử tuyển do nhiều nơi chưa thể bố trí công việc cho sinh viên cử tuyển đã ra trường.

Ông Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, thực tế này có phần trách nhiệm của địa phương: “Khi xuất hiện một số bất cập chúng ta sửa. Khoảng 140 em ra trường vừa qua chưa kịp phân bổ đã cử các em đi học. Như vậy, các đơn vị, ngành, địa phương, đặc biệt các huyện phải bố trí cho các em có việc làm. Chủ trương của tỉnh là giao cho các huyện, các ngành tìm cách bố trí việc làm cho các em”.

Cần thấy rằng, chính sách cử tuyển bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính sách này đang bộc lộ nhiều bất cập. Hệ quả là, các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn lần lượt “nói không” với cử tuyển. Vậy có nên tiếp tục đào tạo cử tuyển nữa hay không?

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast