Dạy học qua trải nghiệm lịch sử

(Baohatinh.vn) - Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học là một trong những con đường giúp hình thành và nâng cao ý thức về di sản văn hóa dân tộc; tăng cường tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục...

Dựa trên những thuận lợi của việc dạy học qua di sản văn hóa, Tổ Văn – Sử của Trường THCS Hoàng Xuân Hãn (Đức Thọ) đã lên kế hoạch, rà soát chương trình và lựa chọn hình thức dạy học. Nội dung được ưu tiên thực hiện trước hết thuộc về môn Lịch sử.

Trải nghiệm thực tế là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học.

Trải nghiệm thực tế là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo đó, trong chương trình Lịch sử lớp 9, bài 18, các em được học nội dung “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời”. Tìm hiểu về sự ra đời và phát triển của Đảng, Đức Thọ luôn tự hào khi được là quê hương của vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Vì thế, trước khi lên lớp bài giảng này, nhóm giáo viên Lịch sử - trực tiếp là cô giáo Phan Thị Quỳnh Giang đã liên hệ với Ban quản lý Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú để phối hợp, bố trí thời gian, tạo điều kiện cho học sinh (HS) thực hành trải nghiệm các nội dung học tập. Buổi dạy học trải nghiệm trải qua 2 hoạt động chính. Hoạt động 1: cô và trò cùng trao đổi - tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Trần Phú; tìm hiểu về những nội dung chính của Luận cương Chính trị tháng 10/1930 do đồng chí Trần Phú soạn thảo; về những đóng góp của đồng chí Trần Phú cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Thông qua không gian khu lưu niệm, đặc biệt là qua những hình ảnh, hiện vật được trưng bày, giáo viên đã dẫn dắt các em trở về với hành trình gian khổ của những nhà ái quốc tìm đường cứu nước và gây dựng phong trào cách mạng từ giai đoạn đầu thế kỷ XX đến những năm 1930, 1931. Những hiện vật, hình ảnh được lưu giữ như làm sống lại ký ức của dân tộc.

Hoạt động 2: tham quan tự do. Sau khi dẫn dắt để các em hiểu rõ các nội dung lịch sử đã học trong mối liên hệ với những tư liệu, hiện vật - hình ảnh lịch sử, giáo viên cho các em tham quan tự do. Các HS tự ghi chép, quan sát, chụp ảnh…, để tìm hiểu sâu hơn những vấn đề lịch sử văn hóa mình quan tâm. Kết thúc buổi học, qua trao đổi với HS, cô giáo Phan Thị Quỳnh Giang đánh giá cao tính tích cực, tự giác của các em; nhận thấy các em đã có những trải nghiệm thực tiễn rất ý nghĩa về một giai đoạn lịch sử không thể nào quên; các em hiểu đầy đủ hơn về những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú cho sự nghiệp cách mạng - người cộng sản trung kiên, mẫu mực, suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Cũng qua tiếp xúc với những tư liệu, hiện vật, tranh ảnh, các em cũng phần nào hiểu hơn về lịch sử 86 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam; các em cảm nhận rõ hơn về những vấn đề - sự kiện trọng đại của dân tộc đã và đang diễn ra…

Buổi trải nghiệm lịch sử trên quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú đã cho thấy những ưu thế của việc dạy học gắn với di sản. Đây là hoạt động góp phần giáo dục toàn diện HS, đồng thời, giúp gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp vì lợi ích của toàn xã hội.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast