Dạy thêm, học thêm - áp lực lớn với học sinh

Đã từ lâu, dạy thêm, học thêm luôn đồng hành trong các nhà trường và trở thành một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Bởi thực tế hoạt động dạy thêm, học thêm là để góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức dạy thêm, học thêm tràn lan, gây không ít băn khoăn cho một số phụ huynh và tạo áp lực học tập đối với học sinh (HS)...

Tràn lan việc học thêm dưới nhiều hình thức

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học mới tại một số trường ở TP Hà Tĩnh, giáo viên (GV) chủ nhiệm của từng lớp khối 9 đã thông báo cho bố mẹ HS việc học phụ đạo tự nguyện - số lượng 3 buổi/tuần với chi phí 15 nghìn đồng/buổi/em. Và tất nhiên, 100% phụ huynh đều phải gật đầu đồng ý. Thực tế, việc dạy thêm, học thêm dưới hình thức tự nguyện ở các nhà trường hoàn toàn phù hợp với quy định của UBND tỉnh. Nhưng điều các bậc phụ huynh HS băn khoăn là chất lượng và số tiền học thêm. Một phụ huynh chia sẻ: “Nói là học 1 buổi nhưng thực tế chỉ có 2 tiếng đồng hồ thôi, mà lớp học có 40 HS, trung bình mỗi em 15 ngàn đồng, tổng cộng kinh phí cho mỗi buổi học thêm là 600 ngàn đồng. Vẫn biết số tiền này ngoài trả thù lao cho các GV trực tiếp giảng dạy còn được chi cho các khoản: quản lý dạy thêm, học thêm, tiền điện, nước, sửa chữa cơ sở vật chất... nhưng theo tôi, mức thu như thế vẫn còn cao”.

Mô hình tự học của học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng ( Thạch Hà)

Mô hình tự học của học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng ( Thạch Hà)

Cùng với hình thức học thêm tự nguyện tại trường, vấn đề cho con đi học thêm tại nhà hay tại các cơ sở dạy thêm của các thầy, cô giáo cũng đã trở thành một cuộc chạy đua ngầm của các bậc phụ huynh. Hiện tại, chúng tôi không thể thống kê được số cơ sở dạy thêm, học thêm của các GV, HS trên địa bàn thành phố. Chỉ biết rằng, các cơ sở dạy thêm xuất hiện ngày càng nhiều và tồn tại dưới những hình thức như GV tự đứng ra tổ chức theo yêu cầu của phụ huynh hay một số nhóm phụ huynh đứng ra tổ chức lớp rồi mời GV giảng dạy... Cháu tôi năm nay lên lớp 9 tâm sự: “Trung bình mỗi tuần, cháu học thêm tới 10 buổi cả ở trường và ở nhà. Riêng môn Anh văn, cháu học tới 3 cô và mỗi tuần lên đến 6 buổi (dạy kèm ở nhà, học thêm ở trường và ở nơi khác nữa) - mệt lắm cô ạ, nhưng biết làm sao được, phải cố gắng thôi!”. Xung quanh vấn đề học thêm của cháu, trong gia đình đã có nhiều tranh luận nhưng chị tôi vẫn một mực cho rằng: Bây giờ nhà nhà đều cho con đi học thêm, nếu không cho con đi, lỡ nó thua kém bạn bè thì tội lắm. Hơn nữa, năm nay, chị đã hướng cho cháu thi vào trường THPT Chuyên Hà Tĩnh nên việc học thêm lại càng phải chú trọng.

Cũng tâm lý sợ con không đi học thêm sẽ thua kém bạn bè nên nhiều phụ huynh có điều kiện đã tự đứng ra tổ chức lớp, mời thầy, cô giáo về dạy cho con với kinh phí mỗi buổi từ 30-50 ngàn đồng, thậm chí còn nhiều hơn thế. Và để đáp ứng nhu cầu học thêm tự nguyện ngoài giờ học chính khóa, một số GV còn mượn địa điểm của nhà văn hóa phường. Nhiều GV đã dành hẳn tầng 2 trong căn nhà của mình để làm nơi dạy thêm, học thêm. Được biết, việc các GV có những lớp học thêm tại nhà trên địa bàn thành phố không phải là chuyện hiếm, liệu các cơ sở này của các thầy, cô giáo đã thực hiện đúng quy định của UBND tỉnh? Điều 4 quy định về việc dạy thêm, học thêm của UBND tỉnh đã nêu rõ: “Đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó”.

Việc học thêm, dạy thêm của HS bậc tiểu học trong dịp hè cũng rộn ràng không kém. Một phụ huynh HS lớp 3 - trường Tiểu học Văn Yên cho biết: “Ngay từ giữa hè, cô giáo đã tổ chức cho các cháu học thêm với lý do là định hướng những phần kiến thức của năm học tới. Và với lý do “chính đáng” như thế, tôi phải cho cháu đi học bởi nếu không con mình chắc chắn sẽ không theo kịp bạn bè”...

Nên khuyến khích các mô hình tự học

Để giảm tải việc dạy thêm, học thêm tràn lan, khắc phục tình trạng dạy bằng cách đọc bài giảng, đồng thời khơi dậy thái độ, ý thức tự giác trong học tập của HS không phải là vấn đề không thể giải quyết. Ngoài tinh thần trách nhiệm của mỗi thầy, cô giáo trong việc trang bị kiến thức, định hướng cho các em, trách nhiệm của phụ huynh trong việc góp phần rèn luyện ý thức tự học của con cái, thời gian qua, mô hình tự học cũng đã bắt đầu xuất hiện ở một số nhà trường.

Thầy Đặng Quốc Duy – Hiệu trưởng trường THPT Lý Tự Trọng cho biết: “Cũng từ thực tế của việc dạy thêm và học thêm đang ngày càng tràn lan, nên vừa qua, trường đã tổ chức hội thảo về vấn đề tự học để góp phần định hướng cho HS và GV. Tại hội thảo, chúng tôi cũng đã nêu ra một số vấn đề để GV, HS cùng thảo luận, từ đó tìm ra cách giải quyết: đó là tình hình tự học của HS trong thời gian qua như thế nào? Trách nhiệm của GV bộ môn và GV chủ nhiệm trong vấn đề hướng dẫn HS tự học và thái độ của các em đối với vấn đề tự học, cách thức tự học...”.

Cũng theo các thầy, cô giáo ở trường THPT Lý Tự Trọng, đối với việc giảng dạy, muốn hiệu quả phải có phương pháp luận, thầy cô chỉ trang bị kiến thức, định hướng cho HS. Và việc học thêm tại nhà trường cũng được tổ chức bài bản, ngay từ đầu năm học, các tổ bộ môn phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể. Việc học thêm của HS được nhà trường triển khai ngay từ khi các em bước vào lớp 10, nhưng lịch học được bố trí hợp lý và chủ yếu vẫn ưu tiên cho khối 12. Cùng với việc chú trọng phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú, ý thức học tập cho HS, vấn đề về kinh phí cũng được nhà trường cân nhắc kỹ lưỡng. Thầy Duy cho biết thêm: “Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, chúng tôi rất hiểu nỗi lo của các bậc cha mẹ trước biết bao khoản đóng đậu cho con nên nhà trường thu mỗi buổi học thêm để thi vào đại học 13.000 đồng, ôn thi tốt nghiệp 12.000 đồng. Cũng từ hội thảo, từ thực tế kết quả tự học của các thế hệ đi trước đã tác động sâu sắc đến ý thức tự giác học tập của HS, chính vì thế, số lượng HS trường THPT Lý Tự Trọng vào thành phố học thêm giảm so với trước”.

Dạy thêm, học thêm là hoạt động cần thiết trong việc góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho HS. Nhưng thực tế hiện nay vẫn còn một số em có thái độ, ý thức tự học chưa tốt, đi học thêm chủ yếu là để ghi bài giảng của các thầy, cô giáo, tình trạng lười tư duy, phụ thuộc vào sách giải bài tập, vào các dạng bài đã học thêm vẫn còn tồn tại. Vì thế, các nhà trường, các bậc phụ huynh cần phải có định hướng tốt cho các em, tránh tình trạng học thêm tràn lan, tạo áp lực học tập lớn cho con em và cũng giảm gánh nặng cho các bậc phụ huynh trong việc đóng đậu. Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm, các nhà trường cần thực hiện nghiêm quy định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast