Đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học - Khẳng định tính ưu việt

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 2 tháng triển khai Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, việc đổi mới cách đánh giá học sinh bậc tiểu học đã bắt đầu đi vào nền nếp.

Học kỳ I năm học 2014-2015, học sinh và giáo viên bậc tiểu học cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi bắt đầu quen dần với sự đổi mới cách đánh giá kết quả học tập. Thay vì cho điểm từng môn học như trước đây, giáo viên ghi nhận xét kết quả học tập của từng em.

Em Đoàn Trọng Đạt - học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Thạch Vĩnh (Thạch Hà) cho biết: “Em rất vui vì sự tiến bộ của mình trong đợt thi học kỳ vừa qua. Cùng với điểm số cao là lời nhận xét của cô giáo rằng, em tiến bộ rất nhiều, nhất là vấn đề chữ viết, cách trình bày bài thi sạch đẹp hơn…”.

Đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học - Khẳng định tính ưu việt ảnh 1

Việc đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học góp phần giúp các em có hứng thú trong học tập và rèn luyện.

Cô Lê Thị Thu Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Thạch Vĩnh cho biết: Tôi rất thích sự thay đổi này vì mỗi lần đánh giá, nhận xét từng em, tôi lại nhớ những nét riêng biệt, ưu, khuyết điểm của học sinh đó. Tôi chắc rằng, tất cả các giáo viên đều có chung niềm vui khi từng ngày chứng kiến các em tiến bộ hơn nhờ lời động viên, khuyến khích chính xác của mình”.

Để triển khai có hiệu quả tinh thần thông tư trong mỗi trường học, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, các phòng giáo dục kiểm tra, tư vấn, giúp đỡ giáo viên các trường. Cô Đặng Thị Tố Vinh - chuyên viên tiểu học, Phòng GD&ĐT Thạch Hà cho biết: “Việc thực hiện Thông tư 30 ở Thạch Hà khá bài bản; phòng đã thành lập tổ tư vấn thường xuyên kiểm tra và tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho giáo viên. Ngoài việc thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT về nhận xét tối thiểu 2 lần/tuần đối với môn Tiếng Việt và 1 tuần/lần đối với môn Toán, các thầy, cô giáo còn thực hiện soát lỗi kèm theo nhận xét thường xuyên và học sinh yếu được ưu tiên đánh giá nhiều hơn”.

Ở Trường Tiểu học Kỳ Sơn (Kỳ Anh), giáo viên theo sát học sinh trong giờ học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa để hiểu rõ về học lực, tính cách từng em, từ đó, có những nhận xét, đánh giá chính xác. Cô Phạm Thị Lý - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Động viên, khích lệ phải đúng với ưu, khuyết điểm của từng em thì việc đánh giá, nhận xét mới thực sự mang lại hiệu quả. Do đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá các nhận xét của giáo viên trong vở học sinh, qua đó cho thấy, giáo viên đã đưa ra nhận xét một cách cụ thể, chính xác. Ngoài sự động viên, khích lệ, các thầy, cô giáo cũng chỉ rõ khuyết điểm để các em từng bước khắc phục nên trong học kỳ I, nhiều học sinh chuyển biến tích cực.

Bước đầu, việc đánh giá học sinh theo tinh thần của Thông tư 30 đã giúp các em tự đánh giá, tự học, tự điều chỉnh cách học, giao tiếp, hợp tác, có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ. Tuy nhiên, một số nhà giáo vẫn còn băn khoăn khi việc đánh giá kết quả học sinh phải dựa trên tinh thần khuyến khích là chính.

Trên thực tế, học lực của học sinh không phải lúc nào cũng ổn định nên một số bài tập các em làm chưa đạt, việc đánh giá theo tinh thần khuyến khích là rất khó. Bên cạnh đó, phần lớn học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh thuộc vùng nông thôn nên việc tham khảo ý kiến của phụ huynh để có biện pháp giúp đỡ kịp thời, hiệu quả đối với từng học sinh còn nhiều hạn chế. Qua tìm hiểu cho thấy, vẫn còn rất nhiều học sinh thích được chấm điểm hơn nhận xét, bởi một số giáo viên nhận xét còn mang tính chung chung, như: “bài làm rất tốt”, hoặc “em cần cố gắng hơn nữa”… mà chưa chỉ ra những nỗ lực và những điểm cần khắc phục của từng em.

Giảm áp lực và tăng cường sự động viên, khuyến khích là một trong những nét ưu việt, nhân văn của Thông tư 30 về đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, ngoài sự tâm huyết của các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian theo dõi, kiểm tra việc học tập và rèn luyện của con lúc ở nhà để có sự phối hợp tốt hơn với nhà trường.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast