Đổi mới căn bản giáo dục nhìn từ những nhân tố điển hình

(Baohatinh.vn) - Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là luồng gió mới tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các nhà trường. Với vùng đất học Hà Tĩnh, quyết tâm đổi mới giáo dục không chỉ được thể hiện bằng sự chỉ đạo quyết liệt của ngành, mà còn ở vai trò tiên phong của các thầy, cô giáo – những điển hình tiêu biểu đưa tinh thần nghị quyết vào thực tiễn.

Thầy Nguyễn Văn Quang - Bí thư Đảng bộ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức, tư duy trong cán bộ, giáo viên (GV), cấp ủy, chính quyền địa phương và mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của nghị quyết. Sự đồng thuận ấy là chỗ dựa để chúng tôi đưa nghị quyết vào thực tiễn một cách hiệu quả”.

Ban Giám hiệu Trường THPT Cẩm Bình thực hiện việc đổi mới phương pháp quản lý, đánh giá, giảng dạy bằng cách tăng cường cho GV tham quan học hỏi kinh nghiệm, khuyến khích GV bộ môn đăng ký dạy thực nghiệm; chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông… Nhờ đó, đơn vị có sự bứt phá về chất lượng giáo dục, ghi danh vào top dẫn đầu bậc THPT. Cẩm Bình cũng là trường đầu tiên bậc THPT thực hiện thí điểm tiếp cận mô hình trường học mới.

Đổi mới căn bản giáo dục nhìn từ những nhân tố điển hình ảnh 1

Việc tiếp cận mô hình trường học mới tạo nên sự hứng thú cho học sinh Trường THPT Cẩm Bình.

Tinh thần đổi mới, sự năng động, dám nghĩ, dám làm của ban giám hiệu, đặc biệt là vai trò của Hiệu trưởng Phan Thị Quỳnh Trang là yếu tố quan trọng giúp Trường Tiểu học Xuân Viên (Nghi Xuân) rút ngắn khoảng cách vùng miền, nâng cao chất lượng dạy và học. Cô Trang chia sẻ: “Tôi đã đưa sáng kiến kinh nghiệm “hiệu trưởng phối hợp với gia đình và ban đại diện phụ huynh” áp dụng vào thực tế. Từ sự kết nối ấy, việc phối hợp giáo dục học sinh (HS) giữa gia đình, nhà trường ngày càng chặt chẽ, phụ huynh quan tâm chăm sóc, giáo dục con tốt hơn và tạo điều kiện cho nhà trường trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại”.

Với mục đích hướng tới giáo dục toàn diện trên cơ sở đảm bảo chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học, vận dụng mô hình dạy học mới VNEN và Thông tư 30, việc giảng dạy ở Trường Tiểu học Xuân Viên được thực hiện dưới hình thức các sân chơi, theo lĩnh vực môn học, khối lớp... Sự đổi mới này mang lại hiệu quả cao trong việc khắc sâu kiến thức và rèn luyện kỹ năng, tạo điều kiện cho HS có năng khiếu phát huy năng lực, sở trường; đồng thời, các em học lực hạn chế được phụ đạo, bồi dưỡng với sự hỗ trợ của thầy cô và bạn bè, giáo dục kỹ năng sống thông qua việc trải nghiệm các tình huống thực tế, các sân chơi bổ ích.

Cùng với sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ quản lý, việc phát huy tinh thần đổi mới căn bản giáo dục còn được hàng trăm ngàn GV hưởng ứng nhiệt tình, thể hiện tâm huyết, tài năng và trí tuệ. Điển hình là thầy Phan Công Hùng - GV Trường THCS Phan Huy Chú (Thạch Hà). Liên tục nhiều năm liền, đội tuyển HS giỏi toán của trường do thầy bồi dưỡng đều đạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi huyện, tỉnh. Năm học vừa qua, với sự tham gia bồi dưỡng của thầy, đội tuyển HS giỏi môn giải toán trên máy tính cầm tay lớp 9 của huyện Thạch Hà xếp thứ nhất toàn tỉnh; đội tuyển HS giỏi Toán của Trường THCS Phan Huy Chú cũng đứng vị trí thứ 2 tỉnh với 1 HS giỏi quốc gia và 10 HS giỏi tỉnh.

Thầy Hùng cho hay: “Ngoài việc thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức, quan tâm, gần gũi HS, tôi luôn tìm tòi, học hỏi, trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, khơi gợi sự say mê học tập, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, tạo cho các em sự hứng thú, yêu thích môn học, giúp các em nỗ lực phấn đấu chăm ngoan, học giỏi”.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast