Đổi mới giáo dục phổ thông: Đề án nhiều "sạn," lộ trình chậm

Là một đề án lớn nhưng vẫn thiếu nhiều nội dung quan trọng, thiên lệch về phương pháp giải quyết và cần phải bàn lại kỹ hơn nữa… Đó là những ý kiến phản hồi về Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về đề án này.

Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng 8/3, tại Hà Nội.

Thiếu nội dung

Nhận định chung của các đại biểu là đề án mới chỉ nêu được phần nội dung chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khi đó lại thiếu đi rất nhiều yếu tố để đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất tương ứng, đội ngũ giáo viên, mức đầu tư tài chính…

Thực tế đội ngũ giáo viên thời gian qua không được đào tạo lại khiến đề án đổi mới gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: TTXVN)

Thực tế đội ngũ giáo viên thời gian qua không được đào tạo lại khiến đề án đổi mới gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: TTXVN)

Theo phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đề án đã nêu rõ việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa thử nghiệm, tổ chức thử nghiệm, xây dựng và ban hành chương trình sách giáo khoa mới, triển khai trong phạm vi toàn quốc nhưng mới chỉ đề cập đến những nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ.

“Đề án có đề cập đến yêu cầu và điều kiện thực hiện là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhưng lại không có phương án giải quyết. Giáo viên và cơ sở vật chất là hai yếu tố cấu thành chất lượng nhưng thực trạng cơ sở vật chất nhà trường hiện nay không đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện và đội ngũ giáo viên trong thời gian qua cũng không được đào tạo lại, phương pháp giáo dục lạc hậu,” phó giáo sư Trần Thị Tâm Đan nói.

Cũng cùng nhận định này, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, chỉ ra nguyên nhân của những thiếu sót trên là do toàn bộ 5 giải pháp nêu trong dự thảo không tương ứng với các nguyên nhân đã được chỉ ra.

Cụ thể, các nguyên nhân của thực trạng chương trình, sách giáo khoa hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới được đề án chỉ ra là do thiếu nghiên cứu lý luận về phát triển chương trình, sách giáo khoa, thiếu đội ngũ chuyên gia, thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên đạt chất lượng, thiếu cơ chế.

Tuy nhiên, giải pháp lại là các nội dung: chuẩn bị điều kiện để xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa; xây dựng chương trình, sách giáo khoa thử nghiệm; biên soạn tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ dạy và học; triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới; tuyên truyền về đổi mới chương trình và sách giáo khoa.

“Theo lý luận về phân tích chính sách, giải pháp cho một vấn đề được xây dựng trên cơ sở phân tích nguyên nhân của bất cập, hạn chế trong vấn đề đó. Ví dụ thiếu những nghiên cứu về lý luận thì phải cử người đi học, thiếu giáo viên thì phải đổi mới công tác đào tạo của trường sư phạm và đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới thì giải pháp chắc chắn là phải chuẩn hóa cơ sở trường lớp. Ở mỗi giải pháp, tùy vào điều kiện tài chính và thời gian để có biện pháp cụ thể,” ông Thuyết phân tích.

Băn khoăn lộ trình

Lộ trình của Đề án cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Theo dự kiến, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được lần lượt triển khai bắt đầu ở lớp 1, 6 và lớp 10 từ năm học 2016-2017. Đến năm học 2021-2022, các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

Như vậy, cần mất đến 8 năm mới hoàn thiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở toàn bộ các bậc học, trong khi đề án cũng nêu rõ “tuổi thọ” của một chương trình phổ thông chỉ khoảng 5, 6 năm và có thể ngày càng rút ngắn hơn do sự biến đổi mau lẹ của đời sống.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng một đề án được chuẩn bị với rất nhiều công sức và chi phí nhưng chỉ tồn tại 5, 6 năm là rất lãng phí.

“Một nước còn nghèo như nước ta khó có thể liên tục thay đổi chương trình, sách giáo khoa như vậy. Theo tôi, đề án cần đưa ra được giải pháp để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng này, có thể có phần cứng, phần mềm, độ mở linh hoạt, cho phép tiếp nhận những yếu tố mới mà không cần phải thay đổi nhiều,” ông Thuyết đề xuất.

Cùng quan điểm này, phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng cần đến 8 năm để làm một sự thay đổi là quá dài.

“Thời gian đó có thể có đến 2, thậm chí là 3 vị bộ trưởng khác nhau của ngành giáo dục, có nghĩa là phải thay tổng chỉ huy đến mấy lần. Ngay cả các vị lãnh đạo cấp cao hơn cũng đã thay đổi… Và trong thời gian đó có lẽ cũng đã xảy ra những thay đổi lớn lao trong ngành giáo dục trên thế giới. Bởi vậy tôi đề nghị nên đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới, không thể làm ăn kiểu rề rà, đến đâu hay đó. Xã hội không thể chờ đợi như thế,” ông Cương phát biểu.

Theo đó, giáo sư Cương đề xuất nên tập trung lực lượng để viết sách giáo khoa trong thời gian ngắn, thực hiện thay sách đồng loạt cho tất cả các lớp học thay vì theo hình thức cuốn chiếu (thay sách bắt đầu từ các lớp đầu cấp 1, 6 và lớp 10, năm sau thay sách các lớp tiếp theo).

Bên cạnh các ý kiến trên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều nội dung đề án cần làm rõ như những khái niệm liên quan về phát triển năng lực học sinh; những đánh giá chưa chuẩn xác về chương trình và sách giáo khoa hiện hành; đề xuất bổ sung một số nội dung trong giáo dục như kinh tế, giáo dục gia đình, lao động sản xuất…

Trước những phản hồi trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ sẽ lắng nghe và trên cơ sở đó có những cân nhắc, nghiên cứu để hoàn thiện hơn nữa cho Đề án./.

Phạm Mai

Nguồn: vietnamplus.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast