Đóng nộp đầu năm học ở Hà Tĩnh: Để thu mà không “lạm”

(Baohatinh.vn) - Xã hội hóa giáo dục là một hướng đi hợp lý, góp phần củng cố cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị để dạy, học tốt hơn. Tuy nhiên, làm sao không để lạm thu núp bóng xã hội hóa, làm sao thu mà không “lạm” đang là bài toán nan giải cho các cấp quản lý và ngay cả các nhà trường...

>> “Nóng” chuyện đóng nộp đầu năm học

Quản lý, giám sát chưa tốt

Như đã đề cập ở bài trước, tình trạng lạm thu đầu năm học đã thành thông lệ và gây nhiều bức xúc trong xã hội. Để góp phần hạn chế tình trạng lạm thu thì vai trò giám sát của phụ huynh và cơ quan quản lý là hết sức quan trọng. Thế nhưng, hiện nay, cả phụ huynh và cơ quan quản lý các cấp vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình trong “cuộc chiến” chống lạm thu.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) Đoàn Đình Anh cho rằng: “Lâu nay, có tình trạng chủ yếu diễn ra ở TP Hà Tĩnh là khi học sinh (HS) vào lớp 1 hoặc lớp 6, nhà trường thường giao cho phụ huynh một phòng học trống không, không quạt, không đèn, không bàn ghế… rồi yêu cầu phụ huynh góp tiền mua sắm toàn bộ. Vào đầu năm học, trước khi lập danh sách khoản thu, nhà trường phải rà soát cơ sở vật chất để có kế hoạch mua sắm bổ sung, sửa chữa. Cái nào còn dùng được, sửa được thì nên tận dụng, cái nào nên thay thì thay, chứ không phải thay hết như vậy. Với vai trò giám sát của mình, HĐND các cấp xã, phường, thị trấn nên rà soát, xem việc đề xuất thu các khoản của trường đã đúng chưa? Tuy nhiên, trên thực tế, HĐND nhiều địa phương chưa phát huy hết trách nhiệm!”.

Đóng nộp đầu năm học ở Hà Tĩnh: Để thu mà không “lạm” ảnh 1

Để thu mà không “lạm” quan trọng nhất vẫn là cách xử lý của ban giám hiệu nhà trường. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Đồng tình với quan điểm của ông Đoàn Đình Anh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Anh khẳng định: “Mọi khoản thu mang tính tự nguyện, xã hội hóa của các trường học trên địa bàn đều phải được phép của cấp có thẩm quyền, hiệu trưởng không thể tự nghĩ, tự làm. Để nghiêm cấm việc lạm thu, sắp tới, sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra xuống tận các địa phương, các trường để đánh giá và có hình thức xử lý đối với các trường vi phạm”.

Có một thực tế là vào đầu năm học, nhà trường trình lên bản dự toán thu chi như thế nào thì hầu hết chính quyền địa phương đều đồng ý ký duyệt như vậy. Còn việc kiểm tra, giám sát xem các khoản thu đó có đúng, có phù hợp, có nhận được sự đồng tình của phụ huynh hay không thì còn rất hạn chế.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu trách nhiệm trên là do ngân sách địa phương dành cho các trường trong việc xây dựng, tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất hàng năm là rất ít, thậm chí, nhiều địa phương không có hỗ trợ nên đành để các trường tiến hành thu trên đầu HS.

Bên cạnh đó, một thực tế đang tồn tại là, vì muôn vàn lý do nhạy cảm, hầu hết phụ huynh dù có bức xúc cũng không dám lên tiếng “chống lạm thu”. Từ thực tế này, nhiều người đặt câu hỏi, nên chăng có một “địa chỉ đỏ” thực sự tin cậy để phụ huynh gửi gắm những nỗi niềm?

Cần cái tâm và tầm của ban giám hiệu nhà trường

Hiện nay, chi phí hoạt động của các trường không đến nỗi khó khăn, bởi ngân sách cấp cho nhà trường, ngoài đảm bảo chi lương còn có khoản chi thường xuyên. Thế nhưng, ở thành phố, thị xã, thị trấn, nhiều gia đình có điều kiện sẵn sàng đề nghị được đóng góp thêm để mua sắm cho lớp học của con mình những trang thiết bị mới, hiện đại, tiện nghi. Và chính nhờ đó, lớp học ngày một khang trang, lãnh đạo nhà trường, giáo viên rạng rỡ, phụ huynh cũng thoải mái, hài lòng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế như nhau, do đó, dẫn tới nhiều bất cập trong vấn đề này.

Đóng nộp đầu năm học ở Hà Tĩnh: Để thu mà không “lạm” ảnh 2

Mọi khoản thu mang tính tự nguyện, xã hội hóa của các trường học trên địa bàn đều phải được phép của cấp có thẩm quyền, hiệu trưởng không thể tự nghĩ, tự làm. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Ví dụ: trong 1 lớp có tới 70% phụ huynh có điều kiện khá giả thì việc đóng thêm cho nhà trường sẽ không vấn đề gì, tuy nhiên, 30% phụ huynh còn lại, thậm chí, có một số hộ khó khăn thì việc đóng thêm khoản tiền đó là cả một vấn đề lớn. Do đó, để thu mà không “lạm”, quan trọng nhất vẫn là cách xử lý của ban giám hiệu nhà trường.

Câu chuyện về thu - chi tại Trường Tiểu học Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) là một điển hình cho sự khéo léo, sáng tạo của ban giám hiệu. Cô Trần Thị Kim Phượng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Do cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nên nhà trường hết sức hạn chế việc đóng nộp. Ngay như các em lớp 1 phải học công nghệ mới, yêu cầu phải có bảng kẻ ô. Nếu mua bảng mới hoàn toàn phải mất 2,8-3 triệu đồng/bảng, phụ huynh đóng không nổi. Trường đành thuê thợ về kẻ ô, với giá chỉ 300.000 đồng/bảng. Ngoài ra, cái gì trong phòng học còn dùng được thì dùng, cần thiết lắm mới thay”.

Hay như tại Trường Tiểu học Hồng Lộc (Lộc Hà), năm học này áp dụng mô hình học VNEN. Thay vì phụ huynh HS phải đóng khoảng 800-850.000 đồng/em để mua bàn ghế mới thì trường lại tận dụng các bàn ghế cũ ghép lại để học. Thầy Nguyễn Ngọc Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường làm như vậy, trước mắt vừa không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, cũng là để không phải huy động sự đóng góp quá nhiều từ phụ huynh. Cơ sở vật chất không phải sắm ngày một,ngày hai mà phải có lộ trình”.

Có thể thấy rằng, vai trò của ban giám hiệu, đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường hết sức quan trọng trong việc huy động các khoản đóng nộp của HS. Nếu hiệu trưởng thực sự có “tâm” và có “tầm”, không thu theo kiểu bình quân, không thu 100% đầu HS và thu chi hợp lý, công khai, minh bạch… thì chắc chắn tình trạng lạm thu sẽ không còn là câu chuyện nhức nhối vào đầu mỗi năm học.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast