Gập ghềnh đường đến trường

(Baohatinh.vn) - Hơn 10 năm phát núi mở làng, vùng đất hoang vu trong rừng sâu Sơn Kim 2 (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã trở thành nơi an cư lạc nghiệp của hơn 200 gia đình trẻ Làng thanh niên lập nghiệp Tây Sơn. Thế nhưng, địa bàn xa xôi, cách trở khiến sự học của con em nơi đây muôn nỗi khó khăn.

gap ghenh duong den truong

Đường đến trường dài gần 10 km nên phụ huynh phải chung nhau thuê xe đưa đón các em.

Khi những tiếng gà eo óc đầu tiên cất lên trong sương núi Chi Lời, xé tan màn đêm yên tĩnh cũng là lúc những học sinh (HS) ở Làng thanh niên lập nghiệp Tây Sơn bắt đầu một ngày mới với sự vội vàng, tất bật cho kịp giờ tới lớp. Nằm cách trung tâm khoảng 30 km, giao thông cách trở nên việc học tập của hơn 300 HS thuộc các cấp học ở đây hết sức gian nan. Điểm trường mầm non gần nhất ở Sơn Kim 2 cách khu dân cư 4 km; điểm học ở Sơn Thọ (Vũ Quang) cách 6 km, đường núi quanh co, hiểm trở. Bậc tiểu học, THCS cũng cách nhà từ 7 km (nếu học ở thị trấn Tây Sơn), đến 10 km (nếu học ở Sơn Kim 2). Khó khăn nhất là các HS bậc THPT phải vượt chặng đường đến trường hơn 15 km.

Nghĩ đến sự học của con em trong làng, nhiều bậc phụ huynh không khỏi xót xa. Chị Trần Thị Minh cho biết: “Nhà có 3 con, đứa lớn lớp 6, đứa bé nhất bậc mầm non nhưng đường đến trường xa xôi nên buổi sáng vợ chồng tôi luôn tất bật. Không kể lớn hay bé, một ngày mới của các cháu cũng được bắt đầu từ 4h30’ mới có thể kịp chuẩn bị quần áo, sách vở, ăn sáng rồi tới trường. Bậc tiểu học và mầm non được ăn bán trú tại trường còn đỡ, chứ cấp 2 vất vả lắm. Nhiều hôm học thêm buổi chiều, con chỉ kịp về nhà đổi sách vở, lùa vội bát cơm lại đi ngay cho kịp”.

Với bậc mầm non và tiểu học, nhiều gia đình lựa chọn gửi con sang các xã Sơn Thọ hoặc Hương Điền (Vũ Quang). Chặng đường đến trường dài từ 6-8 km, hiểm trở với nhiều khúc cua tay áo chênh vênh trên bờ vực. Anh Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Những ngày mưa dầm, đường trơn như đổ mỡ khiến bố con phải “vồ ếch” không biết bao lần. Trời mưa to, đất đá trên núi lở xuống đường, việc đi lại càng khó khăn hơn. Những lúc ấy, các bậc phụ huynh lại phải gọi nhau tay cuốc, tay xẻng đi mở lại đường”.

Khó khăn nhất là hơn 40 hộ ở phía bên kia khe Chi Lời và khe Gát. Địa hình chia cắt bởi con suối rộng khoảng 5m. Mỗi trận mưa lớn là nước lại ngập tràn con khe, cuốn trôi chiếc cầu tạm bắc qua đây. Mỗi lần cầu bị cuốn trôi, phụ huynh lại phải bồng bế, dắt díu các con vượt qua suối. Anh Đặng Mạnh Linh cho biết: “Trời mưa to là hầu như các con phải nghỉ học. Lúc đó, nhìn những ánh mắt trông mong của các con, tôi thương lắm. Cõng được con qua khe, rồi vượt qua chặng đường xa xôi đến trường, nhiều lúc quần áo, sách vở cũng ướt đẫm”.

Để tiện việc đi lại cho các em học ở tuyến đường Sơn Kim 2, thị trấn Tây Sơn…, một gia đình có xe ô tô ở Làng thanh niên đã làm dịch vụ chuyên chở với mỗi tháng hơn 300 ngàn đồng/em. Gánh nặng của phụ huynh được chia sẻ, nhưng với nhiều gia đình có 3 con đi học, chi phí mỗi tháng gần 1 triệu đồng tiền xe thực không dễ dàng.

Cả làng có khoảng 30 HS bậc THPT nhưng chặng đường đến trường dài hơn 15 km với 2 chặng xe cũng khiến các em nhiều lúc mệt mỏi. Em Trần Thị Thúy Hằng - HS lớp 10, Trường THPT Cao Thắng, cho biết: “ Sáng 5h30’ bắt đầu xuất phát ở nhà bằng xe đạp điện với chặng đường hơn 7 km. Đến thị trấn Tây Sơn, chúng em gửi xe và tiếp tục đi xe buýt hơn 7 km nữa mới đến được trường. Do đường xa lại đi mất hai chặng nên việc chậm học vẫn luôn xảy ra”.

Nhọc nhằn tìm con chữ trên những chặng đường dài hun hút, gập ghềnh nhưng sự học ở Làng thanh niên lập nghiệp Tây Sơn vẫn luôn tỏa sáng. Có được điều đó là nhờ ý chí phấn đấu của lớp trẻ hôm nay, sự tiếp sức của các bậc làm cha mẹ.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast