Giáo dục học sinh cá biệt bằng cái tâm

(Baohatinh.vn) - Từ xưa, ông cha ta đã dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn” - trước hết hãy học cách làm người rồi mới học văn hóa, tức học chữ. Giờ đây, khẩu hiệu ấy luôn được treo trang trọng trong mỗi mái trường…

Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Linh - Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Can Lộc đã 45 năm gắn bó với ngành GD&ĐT, tâm sự: Bất cứ người thầy nào cũng mong muốn được dạy những học sinh (HS) ngoan ngoãn, giỏi giang. Thế nhưng, trên thực tế, bên cạnh những em chăm ngoan, học giỏi thì vẫn còn không ít HS cá biệt mà người thầy phải giáo dục bằng chính cái tâm của mình. Chỉ có bằng tình yêu thương, bao dung, sự kiên nhẫn... mới giúp những HS ngỗ nghịch, quậy phá trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

Giáo dục học sinh cá biệt bằng cái tâm ảnh 1

Phong trào dạy tốt, học tốt ở Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện luôn được chú trọng và trở thành một trong những điển hình của huyện Hương Sơn.

Thông thường, “đầu vào” của các trường dân lập ở Hà Tĩnh HS có lực học thấp hơn các trường công lập, trong đó, có những em đã kém về học lực lại không ngoan, thậm chí là cá biệt được chuyển từ trường khác đến. Trường THPT Dân lập Can Lộc cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, thầy Linh nghĩ rằng: nếu trường nào cũng chỉ tiếp nhận HS ngoan, học giỏi thì những HS chưa ngoan, học yếu sẽ học tập ở đâu? Làm thế nào để các em trưởng thành?

Từ suy nghĩ đó, những năm qua, nhà trường tiếp nhận không ít HS cá biệt và giáo dục các em trở thành người tốt. Trường hợp em Nguyễn Văn D. là một điển hình. D. học yếu, lại rất hiếu động, không tuân thủ nội quy, khuôn khổ của lớp, của trường, nên thời kỳ đầu thường nghịch phá, trêu chọc bạn trong giờ học... Thế nhưng, bằng tình cảm, sự chân thành, thầy Hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm nhẹ nhàng trao đổi, cùng phân tích và để D. tự nhận thức. “Mưa dầm thấm lâu”, khi em nhận ra lỗi của mình, các thầy, cô giáo sẵn sàng tha thứ, động viên em cố gắng vươn lên. Nhờ đó, D. dần tiến bộ, trở thành đoàn viên, tốt nghiệp lớp 12, đi học nghề và đến nay đã giúp đỡ được gia đình. Nguyễn Văn D. là một trong rất nhiều trường hợp cá biệt mà Trường THPT Dân lập Can Lộc giáo dục trở thành người tốt.

Thực tế hiện nay, để tránh đối mặt với tiêu cực trong học đường, một số giáo viên lựa chọn cách ứng xử “khôn ngoan” là chỉ tập trung vào dạy chữ, còn HS có những biểu hiện vô lễ, vi phạm kỷ cương học đường cũng “nhắm mắt cho qua” và coi đó là trách nhiệm của gia đình, đoàn thể, xã hội.

Trao đổi vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Lê Đắc, người nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Nguyễn Khắc Viện (Hương Sơn), khẳng định: HS dù hư nhất thì vẫn có tính hướng thiện. Vì vậy, điều quan trọng là nhà giáo có khơi gợi và phát huy được mặt tốt của các em hay không? Nếu bằng tình yêu thương, sự kiên nhẫn, thực hiện đúng phương pháp thì việc giáo dục, giúp đỡ để HS tiến bộ không khó. Khi các em vi phạm kỷ luật, cần hết sức kiềm chế nóng giận, giữ bình tĩnh, tránh xúc phạm học trò. Giáo dục đạo đức cho HS đòi hỏi sự kiên nhẫn, bao dung. Với HS cá biệt, ngay cả khi các em sai lầm trong lời nói và hành động nhưng nếu biết sửa chữa thì thầy, cô cũng cần bỏ qua, không nên qua hiện tượng để đánh giá bản chất, cố gắng phát hiện và phát huy ưu điểm của mỗi HS.

Cũng theo thầy Nguyễn Lê Đắc, muốn làm được điều đó, trước hết, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về công việc dạy học, đây không chỉ là một nghề đơn thuần mà còn là trách nhiệm với xã hội. Nghĩa là mục đích của giáo dục không chỉ dạy chữ mà còn xây dựng, bồi dưỡng nhân cách cho HS, vì vậy, đòi hỏi người thầy phải thực sự có trách nhiệm. Giáo dục HS cá biệt phải bằng chính cái tâm với người, với nghề của người thầy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast