Giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng thực hành cho học sinh

(Baohatinh.vn) - Một trong những mục tiêu quan trọng của nền giáo dục Việt Nam là đào tạo nên những con người có đủ: đức, trí, thể, mỹ. 4 tiêu chuẩn ấy đều phải được đánh giá bằng kết quả cụ thể qua từng học kỳ, từng năm học, cả khóa học và được thể hiện ở kết quả to lớn và lâu dài hơn, đó là khả năng vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống hàng ngày, từ ứng xử với thiên nhiên, con người đến trách nhiệm với công việc, với đất nước và xã hội.

Bác Hồ từng căn dặn ngành Giáo dục cũng như các thế hệ học sinh (HS): “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”. Suốt 7 thập kỷ qua, giáo dục nước nhà đã góp phần to lớn đào tạo nên những lớp người ‘‘vừa hồng, vừa chuyên”, đóng góp sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Điều dễ nhận thấy là qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, nhiều HS, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc, coi đó là ứng xử hợp lý của người thanh niên khi đất nước có giặc, là thực hiện nghĩa vụ của một công dân.

Nhiều thanh niên coi môi trường quân đội và thanh niên xung phong là một trường học lớn, áp dụng tất cả các kiến thức đã học vào thực tiễn và lấy thực tiễn sôi động ở chiến trường để đúc kết bài học cuộc đời, bài học đạo đức. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, nhiều kỹ sư, công nhân, nông dân, doanh nhân, đoàn viên, hội viên... đã hăng say làm việc, có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, chinh phục và chế ngự thiên nhiên, làm chủ khoa học kỹ thuật, góp phần làm giàu cho gia đình và đất nước.

Giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng thực hành cho học sinh ảnh 1

Không gian thư viện xanh góp phần khơi dậy phong trào đọc sách trong các trường học. Ảnh: Thúy Ngọc

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, phương pháp giáo dục của nước ta hiện nay vẫn còn nặng về lý thuyết, kinh viện, chưa thật chú trọng đến kỹ năng thực hành. Tính hàn lâm trong các công trình nghiên cứu vẫn còn nhiều hơn tính ứng dụng. Số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và các công trình khoa học rất nhiều nhưng số lượng các đề tài được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả KT-XH và đời sống dân sinh chưa tương xứng. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, nhất là thợ bậc cao diễn ra ở nhiều địa phương.

Phương pháp đào tạo HS ở bậc phổ thông vẫn còn mất cân đối giữa học các môn văn hóa và các môn thể thao, giữa lý thuyết và thực hành, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Ý thức, kỹ năng lao động của HS còn kém. Nhiều em học rất giỏi ở trường nhưng về nhà không biết tự nấu ăn, giặt giũ, sắp xếp công việc trong gia đình. Nhiều em rất nhanh nhạy về công nghệ thông tin nhưng lại chủ yếu để giải trí, dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi và giao tiếp trên mạng xã hội mà “hổng” các kiến thức về lịch sử, địa lý, xã hội. Đã có nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” khi một HS tiểu học gọi vịt đồng là con thiên nga, ngơ ngác vì lần đầu tiên nhìn thấy con trâu, con lợn.

Có sinh viên tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi khối kinh tế mà không biết cả nước có bao nhiêu tỉnh, thành; cả tỉnh có bao nhiêu huyện, gồm những huyện nào. Nhiều HS tiếng Anh rất giỏi, các bài hát nước ngoài rất sành nhưng Quốc ca nước Việt không thuộc, nhiều địa danh lịch sử trên quê hương, đất nước, những anh hùng quê hương, tên sông, tên núi nơi mình ở cũng không hay. Thế giới mạng với vô vàn trò chơi hấp dẫn đã lôi cuốn các em, cùng với sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhiều em đang trở thành những “con gà công nghiệp”, ngơ ngác với thực tại xung quanh.

Nhiều bậc cha mẹ bây giờ hay so sánh: Ngày xưa, mình một buổi đi học, một buổi ở nhà giúp bố mẹ việc nhà và việc đồng áng, chịu đựng gian khổ nên được rèn luyện, tự lập tốt. Ngày nay, con em mình được chăm sóc đầy đủ, lo lắng mọi việc, việc nhà không phải làm gì nên ngoài học và chơi ra không biết làm gì. Như vậy, bên cạnh nguyên nhân nhà trường ít tổ chức thực hành, lao động, rèn luyện thể thao, tham quan dã ngoại cho HS thì có cả nguyên nhân do bố mẹ quá nuông chiều, bao bọc con, tạo nên thói quen lười lao động, làm việc của con em mình. Thật dễ hiểu khi một đứa trẻ không phải làm gì thì không biết làm gì.

Chính vì vậy, khi bắt gặp các tình huống phải tự xử lý như bị vấp ngã, đi đường gặp mưa to, bố mẹ đột xuất đi vắng..., ý nghĩ đầu tiên nảy sinh trong đầu đứa trẻ là gọi điện hoặc chờ bố mẹ. Những năm gần đây, đoàn thanh niên và bộ CHQS các tỉnh phối hợp tổ chức “Học kỳ quân đội” cho các em, nhưng số lượng rất ít, hơn nữa, các gia đình cũng phải có kinh phí mới cho con tham gia được. Vì vậy, trách nhiệm dạy con kỹ năng sống, kỹ năng thực hành tại gia đình chủ yếu là của bố mẹ.

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ CNH-HĐH, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Muốn có một đội ngũ kỹ sư lành nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao, doanh nhân năng động và tài giỏi phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, ngành GD&ĐT phải đổi mới phương pháp giáo dục, coi trọng kỹ năng thực hành, ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn hơn nữa. Các nhà trường cần phát huy tác dụng của phòng học bộ môn, cho điểm cao phần thực hành để khuyến khích, tổ chức cho các em tham quan thực tế, tìm hiểu lịch sử, địa lý và văn hóa, tìm hiểu thiên nhiên và môi trường, chú trọng chất lượng giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ, tăng cường sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao cho HS. Các đoàn thể, tổ chức xã hội cần có thêm nhiều hoạt động tập thể sôi nổi, vui tươi, lành mạnh để thu hút ĐVTN tham gia.

Về phía gia đình, cần chú trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng lao động, trang bị cho các em những kiến thức cần thiết để bước vào đời tự tin và đầy bản lĩnh, đem những điều đã học được trong sách vở áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, góp phần đào tạo con em mình thành những người phát triển toàn diện.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast