Giáo viên bậc mầm non quá tải giờ làm

“Giáo viên mầm non chúng tôi phải làm việc tới 11 giờ một ngày, chưa kể thời gian chuẩn bị đồ chơi, dụng cụ học tập, soạn giáo án, nhưng vẫn chỉ được tính như làm 8 tiếng, không được hưởng chế độ làm thêm giờ”, bà Phạm Thị Bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định chia sẻ.

Công việc vất vả nhưng chính sách cho giáo viên mầm non chưa thỏa đáng. (Ảnh: Internet).

Công việc vất vả nhưng chính sách cho giáo viên mầm non chưa thỏa đáng. (Ảnh: Internet).

Giờ làm việc quá nhiều, số lượng người được biên chế ít là những vấn đề bức xúc nhất được hơn 80 đại biểu của các tỉnh thành trong cả nước phản ánh tại Hội thảo 2 năm thực hiện Thông tư Liên tịch số 71/2007/TTLT/BGDĐT-BNV về chế độ cho giáo viên mầm non vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 11/11, tại Hà Nội.

Quá tải giờ làm

Quy định ngày dạy 8 tiếng đã khiến cho giáo viên mầm non rơi vào tình trạng quá tải khi phải làm việc tới 11, 12 giờ một ngày.

“Đặc thù của giáo viên mầm non khác với các cấp học khác nên không thể tính thời gian làm việc là thời gian dạy trên lớp như khối phổ thông hay đại học, cao đẳng. Quy định giáo viên mầm non phải dạy 8 giờ một ngày như hiện nay là không hợp lý”, ông Trần Gia Viễn, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam định nói.

Theo đó, ông Viễn đề nghị Bộ nên giảm giờ dạy của giáo viên mầm non xuống 5 giờ một ngày, tương đương với 30 giờ một tuần.

Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Hoài Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đề nghị Bộ nên sửa từ “dạy” thành từ “công tác”. “Nói ''dạy'' có nghĩa là chỉ tính giờ lên lớp của giáo viên. Nhưng trên thực tế, họ còn phải làm rất nhiều công tác khác như soạn giáo án, làm đồ dùng học tập… Chưa kể, giáo viên mầm non phải đến từ sớm để nhận các con và về muộn, khi phụ huynh tới đón cháu cuối cùng về nhà. Vì thế, từ ''dạy'' không phản ánh hết công việc mà một giáo viên mầm non phải làm. Từ ''công tác'' sẽ bao gồm cả dạy, chuẩn bị bài, làm hoạt động chuyên môn, làm đồ dùng, đồ chơi", ông Nam phân tích.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạnh (Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai) lại viện dẫn ra một thực tế khác là địa bàn miền núi, có trường có tới 14 điểm lẻ nên nhiều cô giáo phải dạy 2 điểm lẻ mới đủ 8 giờ/ngày. Điểm trường cách xa nhau, tiền lương không đủ tiền đổ xăng. Chính quy định ngặt nghèo về giờ dạy này mà nhiều giáo viên đã bỏ nghề. Năm 2008, Gia Lai đã có tới 9 giáo viên mầm non bỏ nghề.

Tương tự, bà Phạm Thị Bộ cũng cho biết tại Vân Canh, có điểm trường giáo viên đi bộ cả gần 1 ngày đường mới tới điểm bản dạy học. Nhiều nơi, cô giáo phải đến từng nhà đưa, đón học sinh. Thế nhưng trong thực tế, phần lớn giáo viên không được hưởng chế độ thêm giờ vì quy định “dạy” 8 giờ chứ không phải “làm việc” 8 giờ.

Bên cạnh áp lực giờ làm, các đại biểu cho biết giáo viên mầm non chịu rất nhiều thiệt thòi về chế độ.

Bà Cao Thị Bích Nhuận, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, chia sẻ: Tuyệt đại đa số giáo viên mầm non là nữ nhưng việc hưởng chế độ thai sản còn nhiều thiệt thòi. Trong khi, giáo viên bậc học phổ thông có con dưới 12 tháng tuổi được hưởng quy định giảm trừ tiết dạy thì chưa có quy định nào về điều này đối với giáo viên mầm non. Điều này khiến nhiều cô giáo trẻ rơi vào cảnh "chăm con người, bỏ rơi con mình”.

Không thể cào bằng

Ông Đặng Thanh, Trưởng Phòng Tổ chức, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng bức xúc: “Bộ quy định bình quân mỗi giáo viên nuôi dạy 8 trẻ. Cách làm cào bằng này là không hợp lý vì với trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi thì một cô chỉ trông được 2 cháu, nhóm trẻ 6-12 tháng tuổi một cô trông 4 cháu.

Ông Nguyễn Hải Thập, Cục phó Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) thừa nhận cách tính này của Bộ đã không vận động được các nhà trẻ, các trường mầm non nhận cháu dưới 12 tháng tuổi.

Chính quy định này đã dẫn đến tình trạng, các bà mẹ mặc dù chỉ được nghỉ sinh 4 tháng, nhưng lại không thể gửi con ở độ tuổi này cho các trường mầm non!!!

Quy định về số giáo viên ở lớp mẫu giáo của Bộ cũng có nhiều điểm không hợp lý. Bộ quy định một giáo viên phụ trách một lớp có từ 20 đến 25 trẻ (với lớp không bán trú) và 2 giáo viên phụ trách một lớp từ 25 đến 30 trẻ (với lớp bán trú). Điều này khiến rất nhiều trường rơi vào cảnh thiếu giáo viên, nhất là các trường khu vực miền núi.

Ông Lê Đình Tuyên, Phòng Tổ chức, Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, đưa ra trường hợp cụ thể của tỉnh mình. Vì là miền núi, nhiều bản cách trung tâm xã tới 25 km nên Điện Biên phải chia nhiều điểm trường, trong đó nhiều điểm trường rất ít học sinh. Trung bình toàn tỉnh, mỗi lớp có 18 cháu. Vì quy định là 20 học sinh một giáo viên nên Điện Biên hiện có 564 lớp mẫu giáo nhưng chỉ được 500 giáo viên. Nếu tính 1 giáo viên/lớp thì vẫn còn 64 lớp không có giáo viên.

“Rõ ràng cách tính này của Bộ chưa phù hợp với các trường vùng sâu, vùng xa”, ông Tuyên nói.

Hơn nữa, giáo viên thiếu, nhưng theo quy định, chỉ được 1 giáo viên một lớp nên nếu lỡ cô giáo ốm đau hay thai sản, học sinh phải nghỉ vì không có giáo viên dạy thay cũng là một thực trạng của giáo dục mầm non hiện nay.

Nên có biên chế cho giáo viên dinh dưỡng


Một vấn đề khác cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm kiến nghị là chế độ đối với người phụ trách dinh dưỡng.

“Trong thông tư của Bộ có ghi ''với địa bàn không có cớ ở dịch vụ cung ứng cho việc nấu ăn cho trẻ thì được thuê khoán người nấu ăn''. Tôi cho rằng từ “thuê khoán” ở đây là không hợp lý. Khi đi thuê khoán sẽ không đảm bảo công bằng cho người lao động và không đảm bảo an toàn cho học sinh. Hơn nữa, người nấu ăn cho học sinh mầm non nhất định phải là người có trình độ ít nhất trung cấp về nấu ăn, dinh dưỡng”, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị. Theo ông Nam, nên có biên chế cho cô nuôi dưỡng trong trường mầm non.

Đây cũng là ý kiến của ông Trần Gia Viễn và ông Nguyễn Văn Quý. “Chúng tôi ở Hà Nội là nơi khá phát triển các loại hình dịch vụ nhưng cũng không thuê nổi người nấu ăn cho các cháu ở trường mầm non khi đòi hỏi rằng nấu ăn phải đảm bảo đủ lượng calo cần thiết, đảm bảo an toàn, không gây hóc, không sặc và thường xuyên thay đổi món. Vì thế, phải có giáo viên dinh dưỡng là người có trình độ và có biên chế để họ có trách nhiệm.

Trước những bức xúc của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến này để có chỉnh sửa phù hợp trong quá trình soạn thảo thông tư mới./.

Nguồn: TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast