Hai dòng họ sáng danh trên đất học Gôi Mỹ

(Baohatinh.vn) - Làng Gôi Mỹ trước đây có tên Gôi Vỹ, thuộc tổng Yên Ấp, nay là xã Sơn Hòa (Hương Sơn), nằm ven tả ngạn sông Ngàn Phố. Thuở trước, Gôi Mỹ nổi danh là đất học vì có nhiều người học rộng, đỗ đạt cao. Trong đó, Đinh Nho và Nguyễn Khắc là 2 dòng họ một thời nổi tiếng cả Xứ Nghệ.

Khi nói về ngôi làng nằm mé triền sông Phố, quanh năm bên lở, bên bồi này, điều người ta nhớ tới đầu tiên đây là vùng đất học. Dưới 2 triều đại Lê và Nguyễn, cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Gôi Mỹ mang danh là làng học xuất sắc, làng văn vật của đất Hương Sơn. Thuở Nho học thịnh đạt, Hương Sơn có 12 vị đại khoa từ tiến sĩ đến phó bảng, trong đó có 3 người con của đất Gôi Mỹ. Đó là một so sánh nho nhỏ để chứng minh rằng, tinh thần hiếu học đã được Gôi Mỹ nuôi dưỡng từ nhiều thế kỷ trước. Và Đinh Nho là dòng họ tiêu biểu cho truyền thống văn hóa tốt đẹp đó của làng.

Nhà tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm.

Nhà tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm.

Đinh Nho là một dòng họ vọng tộc đất Hoan Châu. Theo gia phả, thủy tổ họ này là Đinh Phúc Diên vốn là di duệ của Đinh Tiên Hoàng từ Gia Viễn (Ninh Bình) dời về Hương Sơn lập nghiệp năm 1530 (tức năm Minh Đức thứ tư Canh Dần dưới triều Mạc Đăng Dung). Đinh Phúc Diên vốn là thuộc tướng của Lê Tuấn Mậu thuộc phe phù Lê, chống Mạc. Sau khi người chỉ huy - Lê Tuấn Mậu bị sát hại, Đinh Phúc Diên phải chạy trốn vào Hoan Diễn. Về Hương Sơn, Đinh Phúc Diên vẫn giữ vững lòng trung thành của bậc vua tôi và tiếp tục tham gia các hoạt động “phù Lê, diệt Mạc”. Về sau, khi nhà Lê trung hưng, ông được phong chức Tả hiệu điểm cống tây Hầu. Hiện vẫn còn bia ghi công trạng ông ở rú Áng Phần thuộc xã Sơn Hòa.

Đến nay, con cháu trong dòng họ Đinh Nho vẫn lưu truyền một câu chuyện xưa. Đời thứ 6, Ngô Tịnh, một thầy địa lý gốc Tàu trả ơn dòng họ bằng cách lấy huyệt cải táng cho ông tổ thứ 2 chôn ở đất Điểu Lĩnh cùng với mộ Nguyễn Dư (thủy tổ của họ Nguyễn ở làng Hữu Bằng). Từ đó, hầu như đời nào họ Đinh Nho cũng phát khoa danh. Người khai khoa là Đinh Nho Công, đỗ Tiến sỹ năm 1670 rồi đến con ông là Đinh Nho Hoàn đỗ Nhị giáp Tiến sỹ năm 1700.

Đinh Nho Hoàn từ nhỏ đã thông minh, hiếu học, lại được cha kèm cặp, dạy dỗ nên càng tiến bộ. Lớn lên, ông có điều kiện về kinh thụ giáo với nhiều bậc danh sư. Năm 30 tuổi, Đinh Nho Hoàn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Canh Thìn hiệu Chính Hòa thứ 21 (năm 1700). Theo cuốn “Các nhà khoa bảng Việt Nam” thì sau khi thi đỗ Hoàng giáp, ông được bổ nhiệm làm Bổ Hàn lâm viện khoảng 2 năm rồi tiếp tục được bổ chức Tham xứ chính Sơn Tây. Hai năm sau, triều đình điều ông làm Đốc trấn Cao Bằng. Trong thời gian đó, Đinh Nho Hoàn rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế và cho thực thi nhiều biện pháp cụ thể để giúp ích cho dân chúng như sửa đường, phá ghềnh đá trên sông Bằng Giang để thuyền bè giao thương dễ dàng... Thời kỳ đó, thuyền buôn của người Trung Quốc theo sông Bằng Giang sang nước ta buôn bán nhiều. Đinh Nho Hoàn đã cho mở đường thông luồng lạch đến tận biên giới và lệnh cho việc khám hàng phải nhanh chóng để khách thương dễ dàng lưu thông. Nhờ đó, thương gia người Hoa ở Cao Bằng và khách buôn bán ngày càng phát đạt, đời sống nhân dân trong vùng đỡ khó khăn, vất vả.

Năm 1715, Đinh Nho Hoàn được triều đình cử đi sứ nhà Thanh. Phần nhiều những người đi sứ đều có một tập thơ. Tuy bị mất mát nhiều nhưng đó được xem là kho tàng văn học lớn trong di sản văn hiến nước ta. Trong số đó, “Mặc ông sứ tập” của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn được xem là đóng góp lớn của ông với văn học cổ nước ta. Hơn 120 bài được lưu giữ, dịch ra và công bố, phần lớn đều được xếp vào bậc danh thi. Chính bởi tài năng và đức độ của Đinh Nho Hoàn mà hàng thế kỷ sau, con cháu Đinh Nho vẫn luôn tự hào nhắc nhớ về ông.

Không chỉ Đinh Nho mà Nguyễn Khắc cũng được xem là dòng họ trâm anh thế phiệt ở làng Gôi Mỹ. Dòng họ Nguyễn Khắc tự hào về Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm là một trong số rất ít người đậu đại khoa thời phong kiến khi tuổi còn rất trẻ. Năm 18 tuổi, ông đỗ Hoàng giáp (tức Đệ nhị giáp Tiến sỹ). Dân gian vẫn truyền tai nhau nhiều giai thoại kể về tài văn chương của ông được phát tiết từ tấm bé. Nhân lễ tế thần, Nguyễn Khắc Niêm cùng đám trẻ con trong làng vào đình Trung xin xôi. Một viên chức sắc đặt điều kiện, nếu lũ trẻ đối được câu đối ông ta ra thì mới cho xôi thịt. Vế đối như sau: “Trước cúng thần, sau mần thánh”. Không chút đắn đo, cậu Nguyễn đáp lại: “Nhất hay chữ, nhì dữ ăn”. Vị Hoàng giáp trẻ tuổi này đã đệ trình lên vua Thành Thái 4 câu về kế sách phục hưng đất nước như sau:

Tôn tộc đại quy (Tôn trọng họ hàng tất hòa hợp lớn)

Tôn lộc đại nguy (Ham bổng lộc tất nguy hại to)

Tôn tài đại thịnh (Tôn trọng tài năng tất phồn thịnh nhiều)

Tôn nịnh đại suy (Thích nịnh thì suy bại)

16 chữ vàng của Nguyễn Khắc Niêm đã đúc rút những chân lý về việc xây dựng một quốc gia phát triển bền vững và giàu mạnh. Con trai cả của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm - bác sỹ Nguyễn Khắc Viện là một học giả tài năng và nhân cách đáng kính trọng. Tiến sỹ Nguyễn Khắc Dương và nhiều người con khác của ông đều có học vị cao, hiểu biết rộng.

Làng Gôi Mỹ hôm nay đông đúc, trù phú và ngày càng hiển đạt. Công lao xây dựng nên cơ nghiệp Gôi Mỹ không chỉ dòng họ Đinh Nho và Nguyễn Khắc mà còn của tất cả các dòng họ khác trong làng, của từng thành viên, từng cá thể cố công xây đắp. Sự tiếp nối truyền thống của đất học Gôi Mỹ đã và đang được giữ gìn và phát huy đến tận hôm nay. Chất trí tuệ, chất nhân văn vốn có như là một di sản nội tại để con em trong làng tự hào và cố gắng vươn lên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast