Hãy để con được trải nghiệm cuộc sống!

(Baohatinh.vn) - Các bậc làm cha, làm mẹ luôn có ý thức đưa con cái vào khuôn khổ nhất định, nhưng tiếc rằng, trẻ em luôn sống và tồn tại trong thế giới đầy màu sắc của nó.

Có một nhà giáo dục đã nói: “Khuôn khổ của sự giáo dục trong gia đình và nhà trường hiện nay giống như một chiếc áo quá chật, trong khi thể chất, ý thức trong lòng con trẻ lại lớn hơn ta tưởng”.

Trong khi tri thức khoa học kỹ thuật ở người lớn không theo kịp trào lưu mới của xã hội, thì trẻ em lại tỏ ra cực kỳ nhanh nhạy trong việc tiếp cận với công nghệ thông tin. Vì thế, việc dạy dỗ con cái càng khó hơn, có lúc tưởng chừng như sáo rỗng. Mặc cho người ta ra sức kiểm soát, ngăn cản thì trẻ em vẫn tiếp xúc với mạng internet.

Hãy để con được trải nghiệm cuộc sống! ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Ở thành phố, nhiều trẻ em 7 tuổi đã thành thạo trò chơi điện tử, trong khi bố mẹ của chúng viết một tờ công văn hay một bài thơ, bài báo vẫn còn dùng bút bi cày trên trang giấy. Điều này cho thấy, đã có một khoảng cách khá lớn trong hiểu biết khoa học giữa con cái và cha mẹ. Đây cũng là một trong những lý do vì sao ngày nay trẻ em ít chịu nghe những lời giáo huấn theo kiểu nhào nặn rập khuôn.

Các bậc cha mẹ thường cho rằng, mình sẽ tạo nên sự ảnh hưởng rất nhiều cho con cái. Chẳng hạn, họ quan niệm, sự nghiêm khắc, quy củ của gia đình sẽ tạo điều kiện cho con mình trưởng thành hơn.

Ngày nay, trẻ em không chỉ sống trong môi trường gia đình khép kín, không chỉ chịu ảnh hưởng họ hàng mà còn chịu sự tác động mạnh mẽ bởi những thay đổi lớn lao của cộng đồng. Nhóm bạn sẽ dạy cho trẻ thái độ sống trong xã hội nhiều hơn. Chúng tiếp nhận ở nhóm trẻ của mình từ thái độ, cử chỉ, cách ăn mặc đến ngôn ngữ một cách rất nhanh chóng mà không cần ai cổ xúy, động viên. Đây cũng là khuynh hướng đồng hóa theo nhóm. Như vậy, rõ ràng cha mẹ không phải là tất cả. Vậy cha mẹ phải làm gì?

Cái mà cha mẹ ngày nay có thể giúp con cái là hãy tạo ra một lối sống lành mạnh trong xã hội để con noi theo. Người lớn phải tạo ra một môi trường trong lành để trẻ phát triển tư chất. Đó là liều thuốc đề kháng. Mọi biện pháp giáo dục mà các bậc cha mẹ áp dụng không được cực đoan, cứng nhắc mà phải đặt trong mối tương quan thống nhất với sự phát triển của xã hội và môi trường.

Ngoài ăn học, chúng còn có nhu cầu hội nhập đời sống, thông qua sự vui chơi, giao tiếp với bạn bè, qua đó, tích lũy kinh nghiệm sống, tập dượt trải nghiệm bài học làm người. Nhưng trẻ thời nay bị học nhiều mà chơi ít. Điều đáng nói là, học thì bị quản lý chặt chẽ, học chạy trước đề cương, học lệch, còn sân chơi lành mạnh lại vô cùng thiếu.

Nhiều trẻ tỏ ra ngu ngơ, khờ khạo hoặc tinh ranh mà không khôn hoặc “khôn vặt” mà không ngoan; nhiều em bước vào tuổi 18 mà cha mẹ vẫn đèo bòng. Trong con mắt của một số bậc cha mẹ và thầy cô, trẻ em luôn bị đánh giá thấp, luôn cần sự kiểm soát và che chắn. Trẻ được học nhiều nhưng giữa tri thức sách vở với hiểu biết thực tế, giữa bằng cấp với văn hóa và nhân cách của trẻ đang có khoảng cách ngày càng lớn.

Tóm lại, thừa lý thuyết mà thiếu kỹ năng sống, thiếu yếu tố thực hành. Hậu quả này bắt nguồn từ những nhận thức, định hướng của cha mẹ từ khi con đang tuổi chập chững đến trường. Vì vậy, để con mình phát triển toàn diện, cần cho trẻ được học tập đi đôi với trải nghiệm sống và tạo môi trường sống lành mạnh cho các em.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast