Hiểu đúng mình, chọn đúng nghề

(Baohatinh.vn) - Kỳ thi đại học đang đến gần cũng là lúc học sinh (HS) lớp 12 đứng trước nhiều lựa chọn cho bước ngoặt tương lai nhưng hầu hết đều hướng mục tiêu vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, việc lựa chọn thi trường nào, học ngành gì trước nhiều luồng thông tin khác nhau đã khiến các bạn trẻ gặp không ít khó khăn. Việc hiểu đúng mình, chọn đúng nghề thực sự là điều quan trọng giúp các em tự tin, sáng suốt khi đưa ra quyết định.

Nhiều học sinh lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Thúy Ngọc
Nhiều học sinh lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Thúy Ngọc

Thầy Lê Sỹ Võ - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GD&ĐT cho biết: Thời gian này, ngoài việc gấp rút chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, các trường cũng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho HS thông qua nhiều kênh thông tin. Thế nhưng, tâm lý phải vào bằng được bất kỳ một trường đại học nào đó vẫn đang đè nặng trong suy nghĩ của HS và các bậc phụ huynh khiến họ ít nghĩ đến nhu cầu việc làm của xã hội và thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Chính vì thế, việc nộp hồ sơ với vài ba nguyện vọng tại các trường đại học đối với một số HS có học lực trung bình, thậm chí yếu kém dường như chỉ để giải quyết khâu “oai”. Đó chính là lý do số lượng hồ sơ ảo gia tăng, gây tốn kém cho gia đình và xã hội, gia tăng áp lực thi cử.

Với một số gia đình khá giả, vấn đề kinh phí để đưa con đi thi đại học chỉ là thứ yếu. Nhưng với hầu hết các bậc phụ huynh vùng nông thôn thì đây là một “sự kiện” lớn lao. Để có dăm ba triệu đồng đưa con ra thành phố lớn, lo cho con bữa ăn, giấc ngủ để có sức làm bài, nhiều bậc phụ huynh chỉ biết nhìn vào lứa lợn, đàn gà, hạt lúa, thậm chí bán cả trâu bò hay tất bật vay mượn. Thế nhưng, đáp lại sự kỳ vọng, hy sinh của mẹ cha, nhiều em chỉ xem chuyện đi thi là một chuyến... “đổi gió”.

Chị Nguyễn Thị Ngân (Vũ Quang) cho biết: “Là huyện miền núi, con em chúng tôi có chế độ ưu tiên khi vào đại học. Cụ thể là từ năm trước, HS đã được tuyển thẳng vào Đại học Hà Tĩnh. Vì thế, con tôi dẫu học lực trung bình nhưng cháu cứ nhất quyết phải vào đại học cho bằng bạn bằng bè. Chúng tôi khuyên can thế nào cũng không được. Thôi thì trời không nghe đất, đất đành phải nghe trời vậy”.

Cùng tâm trạng với chị Ngân, chị Lê Thị Cúc (Thạch Hà) cho biết: “Cháu nhà tôi học lực tàm tạm nhưng nhất quyết làm hồ sơ thi vào đại học kinh tế. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua tham khảo ý kiến của người thân và các thầy, cô giáo, tôi được biết, những năm gần đây, sinh viên ngành kinh tế ra trường thất nghiệp rất nhiều. Chúng tôi đã khuyên cháu nên xem lại quyết định của mình nhưng cháu nói đó là ước mơ, phải thực hiện bằng được”.

Thực tế, với số lượng trường đại học trung ương và địa phương trên cả nước như hiện nay, ước mơ trở thành sinh viên đại học đối với các em không phải quá xa xôi. Học để tích lũy cho mình những kiến thức, hiểu biết là điều quan trọng, nhưng học để làm gì cũng là một vấn đề mà các em cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn hướng đi tương lai.

Thêm một điểm mới trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay, đó là vấn đề bỏ điểm sàn. Như thế, đồng nghĩa với việc thí sinh không còn phải hồi hộp chờ đợi công bố điểm sàn để biết mình đậu hay trượt. Thay vào đó, Bộ GD&ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào đại học, cao đẳng đối với từng khối và từng ngành đào tạo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa ra được các tiêu chí khung đảm bảo chất lượng. Vì thế, các thí sinh cần phải đặc biệt lưu ý khi chọn trường, ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu của xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast