Không nên bỏ thi môn Ngữ văn vào các trường văn hóa – nghệ thuật

Vừa qua, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị về công tác thi và tuyển sinh năm 2013, công bố một số điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay. Một trong số các điểm mới gây không ít băn khoăn trong dư luận là việc thí sinh thi vào các trường đại học, cao đẳng thuộc khối văn hóa – nghệ thuật không phải thi môn Ngữ văn, chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT hoặc dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT.

Năm nay sẽ có nhiều thay đổi về việc thi tuyển của các trường năng khiếu nên thí sinh cần phải lưu ý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch (Nguồn: Thanh Niên Online)
Năm nay sẽ có nhiều thay đổi về việc thi tuyển của các trường năng khiếu nên thí sinh cần phải lưu ý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch (Nguồn: Thanh Niên Online)

Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT: các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối văn hóa (khối C) không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dựa vào kết quả theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT; các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối nghệ thuật (khối H, N, S), chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu, xét tuyển môn Ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT. Trước những quy định mới này, một số người đồng tình cho rằng: Ngữ văn là môn thi điều kiện, không quan trọng, điều quan trọng đối với những thí sinh thi vào các trường mang tính đặc thù này là phải có năng khiếu tốt. Tuy nhiên, thực tế từ trước đến nay, trong quan niệm của nhiều người, Ngữ văn vẫn là môn thi quan trọng và cần thiết, nhất là với các ngành thuộc khối văn hóa – nghệ thuật. Thông qua các bài thi môn Ngữ văn, người ta có thể đánh giá được phần nào “phông” văn hóa của những nghệ sỹ tương lai qua kỹ năng hành văn, diễn đạt, suy nghĩ, cảm xúc, cách ứng xử trước các vấn đề xã hội có liên quan được đặt ra qua các tác phẩm văn học.

Trong những mùa tuyển sinh gần đây, hầu như năm nào dư luận cũng than phiền về tình trạng ngày càng có nhiều học sinh học kém Ngữ văn. Số bài thi có điểm thấp dưới mức trung bình cũng tỷ lệ thuận với sự xuất hiện ngày càng nhiều những bài văn “cười ra nước mắt” bởi lối diễn đạt, cách dùng từ ngây ngô, vô hồn, sáo rỗng. Thực tế đáng buồn trên bắt nguồn từ sự nhận thức phiến diện, chưa đầy đủ về tầm quan trọng của môn học có tính chất đặc thù này. Ngoài bồi đắp tâm hồn, hình thành nhân cách học sinh, trang bị những cảm xúc nhân văn, giúp con người hướng tới chân – thiện – mỹ, môn Ngữ văn còn có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt, cách tạo lập các loại văn bản phục vụ cho quá trình giao tiếp trên mọi lĩnh vực của mỗi người trong cuộc sống.

Việc coi nhẹ các môn khoa học xã hội nói chung, môn Ngữ văn nói riêng đang là một thực tế đáng buồn và chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn. Các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, những vụ hành xử theo kiểu “xã hội đen” mà thủ phạm đang dần “trẻ hóa” có chiều hướng gia tăng; hiện tượng một số văn nghệ sỹ có những phát ngôn gây sốc, cố tình tạo ra những vụ “xì-căng-đan” đình đám nhằm đánh bóng tên tuổi thời gian qua… phải chăng ít nhiều có liên quan đến việc xa rời, hời hợt đối với các giá trị đạo đức, nhân văn trong các môn khoa học xã hội được học trong nhà trường. Nếu không có những cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp, trong sáng thì những sinh viên ngành văn hóa - nghệ thuật liệu có thể trở thành những nghệ sĩ thực thụ trong tương lai?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast