“ Mẹ của em ở trường”

Làm chủ nhiệm lớp học sinh MN, Tiểu học , THCS vất vả như nuôi con mọn. Nhưng nếu là chủ nhiệm HS đồng bào dân tộc Chứt nỗi vất vả đó lại gấp đôi, gấp ba và gấp lên nhiều lần nếu lại là lớp ghép…Thế nhưng câu chuyện chủ nhiệm lớp ghép học sinh dân tộc Chứt của cô giáo Phạm Thị Thành ở Trường PTDT nội trú Hương Khê không chỉ gợi mở một hướng đi, một cách làm sáng tạo (vừa khoa học, vừa nghệ thuật) mà còn gợi lên niềm cảm phục về một tấm lòng cao cả tràn đầy tính nhân văn…

Chủ nhiệm lớp ghép: HS lớp trên kèm cặp HS lớp dưới

Lớp ghép là hình thức lớp học(do không đủ sỹ số) phải ghép hai hay ba lớp vào một lớp. Đây là loại hình lớp ở vùng sâu, vùng xa mà tôi đã từng chứng kiến như lớp 1,3; 2,4 tại điểm trường Cây Trồ, Cổ Nu (Hương Khê, Hà Tĩnh). Còn tại Trường PTDT Nội trú Hương Khê, hình thức lớp ghép xuất hiện khi UBND huyện Hương Khê giao thêm nhiệm vụ cho nhà trường tiếp nhận HS đồng bào dân tộc Chứt từ bản Rào Tre và HS đồng bào các dân tộc khác như Cọi, Mường, Lào, Mán, Hmông, Sách, Tày trên địa bàn huyện.

Một góc bản Rào Tre (người Chứt) dưới chân núi Giăng Màn

Sáu năm ( từ 1986 đến 1992), bộ đội biên phòng 575 phối kết hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thu gom, cứu vãn tộc Chứt (sống du canh, du cư) trên dãy núi Giăng Màn (phía tây, Hương Khê) đứng trên bờ tuyệt chủng về định cư tại bản Rào Tre. Đây là người Chứt thuộc tộc người Mã Liềng, định cư tại Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Bản Rào Tre có 34 nóc nhà với 137 nhân khẩu. Trong rất nhiều nhiệm vụ giúp đồng bào DT Chứt có nhiệm vụ dạy chữ cho HS. Bộ đội BP đồn 575 đã truyên truyền, vận động, thành lập lớp và mang các em về đồn dạy học. Từ năm 1992, HS đồng bào DT Chứt được chuyển về Trường PTDT nội trú Hương Khê đóng tại Thị trấn Hương Khê (cách xa bản khoảng 50 km).

“Nói thật là được phân công dạy và chủ nhiệm HS lớp ghép thuộc đồng bào DT Chứt, em đã nhận cảm khó khăn như trái núi đè nặng. Nhưng mình còn trẻ, mới về trường, từ chối , bất tiện. Thế là nhận. Mà lòng thì lo”. Cô Phạm Thị Thành trao đổi.

“Còn nhớ, lúc cô Vân – Hiệu trưởng gọi lên nhận lớp , tiếp xúc với các em , thật lòng đã thấy ngao ngán. Một lớp học lôi thôi, phức tạp. Em thì to đùng, em thì nhỏ xíu. Đen nhẻm. Lại chạy nhí nhố trong lớp. Cô nói tiếng kinh, học sinh nói tiếng dân tộc…Bộ môn Giáo dục học trong đó có chương dạy về công tác chủ nhiệm lớp, ở trường SP không có bài dạy làm chủ nhiệm như lớp HS này?”. Cô Thành giải bày.

Thế là công việc đầu tiên phải học tiếng dân tộc. Thành đã học tiếng dân tộc từ học sinh. Học lúc ra chơi. Học sau khi tan học, Thành xuống phòng ở giúp các em dọn dẹp và chương trình học tiếng đến một cách tự nhiên. Bắt đầu là những từ, những câu giao tiếp đơn giản. Ngày nào cũng cố gắng học được vài câu.

“ Siêng nhặt chặt bị”. Chín năm vốn tiếng dân tộc Chứt của Thành cũng tàm tạm để lắng nghe và thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của học trò. Và điều này, phải kiên nhẫn mới có thể làm được.

Học sinh lớp 1 dân tộc Chứt
Học sinh lớp 1 dân tộc Chứt

Cái khó của lớp ghép là đối tượng khác nhau, lứa tuổi khác nhau, sinh, tâm lý, nhận thức khác nhau. Vì vậy, phải có cách tổ chức đặc thù. Thứ nhất là dùng học sinh lớp trên bày vẽ cho HS lớp dưới bằng cách kèm cặp . Thành đã phân công cụ thể trong lớp em nào kèm cặp em nào? Năm học 2006-2007, có hai em HS dân tộc Chứt ở bản Giàng II nhập học. Thế là lớp 4 Thành chủ nhiệm có 18 HS trong đó 16 HS học lớp 4 và 2 HS mới chuyển về học lớp 1. Cô giáo đã phân công hai em HS khá nhất của lớp là Hồ Văn Kham và Hồ Thị Đình Xuân kèm cặp, giúp đỡ hai HS mới vào này. Chỉ 6 tháng, hai HS lớp một hòa nhập và tiến bộ nhanh chóng. Bản thân em Kham và em Xuân giật giải trong kỳ thi HS giỏi huyện càng khích lệ các em cố gắng vươn lên.

Thứ 2 là trong lớp tìm được người đứng đầu . Điều này, đối với HS dân tộc rất quan trọng. Người đứng đầu lớp có vai trò như già làng, trưởng bản. Có những điều cô khuyên bảo không nghe, nhưng người đứng đầu lớp nói lại răm rắp.

Do nắm được đặc điểm tâm lý này, mà cô Thành đã bồi dưỡng được những học sinh đứng đầu nhóm, đầu lớp như Hồ Văn Khôi và Hồ Thị Đinh Thành. Tiếp đến cô tư vấn, huấn luyện, chuyển tải kế hoạch của mình, gợi ý cách làm để Khôi, Thành triển khai xuống tận từng HS trong lớp.

Đến năm học 2010-2011, cô giáo Phạm Thị Thành lại được Hiệu trưởng phân công chủ nhiệm lớp 4. Lớp có 18 HS trong đó có 10 HS dân tộc Chứt, 3 HS dân tộc Lào, 3 HS dân tộc Sách, 1 HS dân tộc Tày, 1 HS dân tộc Cọi. “ Phức tạp của lớp 4 là đa sắc tộc nên cần phải phát huy được tinh thần đoàn kết, giá trị tinh hoa văn hóa của từng dân tộc. Cái khó nhất là giúp các em tìm hiểu bạn bè ở dân tộc khác, biết phong tục tập quán của nhau để chia sẻ. Vì vậy, trong năm học 2010-2011, được sự giúp đỡ của BGH, Hội đồng nhà trường, GVCN đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu để các em tự giới thiệu về dân tộc mình. Từ đó thông cảm, yêu mến, hòa nhập, thân thiện với nhau hơn”. Cô Thành kể.

Để HS dân Tộc Chứt hòa nhập chứ không hòa tan: Phát huy bản sắc VH dân tộc

Chủ nhiệm HDS dân tộc Chứt, điều đầu tiên cô Thành giúp các em hòa nhập vào một không gian văn hóa mới.

HS dân tộc Chứt lạc hậu. Lối sống hoang dã còn lưu lại rất nhiều trong sinh hoạt. Ở bản Rào Tre các em sống trong không gian hoang dã núi rừng. Về trường PTDT nội trú các em sống trong không gian văn hóa, giao tiếp văn hóa. Ở bản Rào Tre, các em giao tiếp với bố, mẹ. Ở trường, hàng loạt quan hệ mới nảy sinh: Quan hệ với thầy, cô giáo, công nhân viên nhà trường , bạn bè cùng và khác lớp vv…

Các em HS dân tộc Chứt buổi đầu đến trường thích chạy nhảy, leo trèo, bốc đất, ném đá, đánh lộn nhau. Thỉnh thoảng, các em leo lên hái trái bàng ăn, hoặc nhai giấy, bút chì như nhai kẹo. Vào lớp học thì chạy nhảy. Không ngồi yên một chỗ. Trong giờ học nói chuyện bằng tiếng dân tộc. Về khu nội trú thì không ngủ trưa, đùa nghịch, rượt đuổi nhau. Đến nhà ăn, ngồi dưới đất, ăn bốc bằng tay.

Làm thế nào đẻ giúp các em hòa nhập? Cô Thành đã bàn với Cô Vân - Hiệu trưởng, cô Hoa kế toán chuyển đổi một số thức ăn mà HS dân tộc Chứt thích như ngô nướng, khoai nướng, hoa quả tươi vv.. Tuần nào các em cũng được ăn những thức ăn hợp khẩu vị . Từ đó, dần dần việc ăn trái bàng , nhai bút chì, nhai giấy mất dần.

Còn sinh hoạt tập thể, cô Thành đã phối kết hợp với GV, CNV trực hàng ngày, hướng dẫn các em vệ sinh, lau chùi nhà cửa, dọn phòng ngăn nắp.

Nhưng giúp các em hòa nhập vào môi trường văn hóa không khéo lại đánh rơi mất bản sắc văn hóa của dân tộc Chứt. Làm thế nào để vừa có thể giúp HS dân tộc hòa nhập được nhưng vừa giữ được bản sắc dân tộc? Đó là điều trăn trở không chỉ của GV chủ nhiệm mà của cả tập thể sư phạm Trường DT nội trú Hương Khê!

Được biết, nhà trường ngoài xây dựng phòng truyền thống, sưu tập những dụng cụ lao động (nỏ, dao, rựa, gùi, ống nước …), nhạc cụ (đàn môi, sáo, khèn..) trang phục (váy,áo, vòng, chỉ màu, khăn …) của đồng bào DT, còn chủ trương cho GV chủ nhiệm khuyến khích HS giữ gìn bản sắc dân tộc mình. “ Ở lớp HS dân tộc Chứt của em, HS vẫn đeo vòng, buộc chỉ cổ tay khi đén lớp. Nhà trường khuyến khích các em HS mặc trạng phục dân tộc mình. Vào các ngày lễ như lễ lấp lỗ, lễ lấy mật ong, lễ cúng đầu nguồn, đầu rừng hàng năm, chúng em tổ chức cho HS về bản và GV chủ nhiệm cũng tham gia với bà con dân tộc Chứt những ngày lễ trọng này”. Cô Thành trao đổi.

Chưa hết, hàng năm vào dịp tết nhà trường tổ chức đốt lửa trại tại trường. Học sinh đồng bào dân tộc được nhảy múa, hát ca, trình bày những tiết mục đặc sắc của mình.

Trưởng thành từ phong trào văn nghệ của lớp, của trường, em Hồ Văn Kham và Hồ Thị Đình Xuân đã được tuyển vào học lớp dự bị Trường CĐ văn hóa nghệ thuật quân đội.

Nhưng những tập tục lạc hậu của đồng bào dân tộc gây không ít phiền hà. Theo cô Thành, cách đây 5 năm có HS Hồ Tý bị đau bụng do ăn uống không vệ sinh. Ngay trong đêm, CB trực và GV chủ nhiệm đã mang em lên BV đa khoa Hương Khê kịp thời cấp cứu... “ Mặc dầu lúc đó, con em còn nhỏ, nhưng em phải gửi bà ngoại để thức trắng đêm săn sóc em Hồ Tý . Ba ngày sau, bố mẹ em từ bản Rào Tre đến nằng nặc đòi đưa em về nhà để cúng ma vì cho rằng con mình bị ma quấy. Thuyết phục mãi không được, em phải theo gia đình về bản. Sau khi ông Hồ Púc- Thầy cúng của bản cúng ma cho, GVCN lại vận động gia đình đưa Tý về trường, tiếp tục theo dõi điều trị và đến lớp học”. Cô Thành kể.

Còn những tập tục lạc hậu của HS dân tộc Chứt thì phải kiên trì và có cách thuyết phục. Ví như: Học sinh gái của dân tộc Chứt khi có kinh nguyệt theo tập tục của DT thường ngồi bên bếp lửa. Năm 2009, em Hồ Thị K. bỏ học , xuống ngồi ở bếp tập đoàn. Người ủ rũ. Hỏi không nói. Chỉ sau khi cùng ăn, ở, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với các em, cô giáo mới biết tập tục DT Chứt ngày hành kinh thường ngồi bên bếp lửa . Cô giáo đã vận động K. về nhà cô. Cô mua băng , hướng dẫn vệ sinh. Từ hướng dẫn cho em K., cô giáo đã nhờ em K. hướng dẫn lại các bạn nữ trong phòng , trong lớp đến thời kỳ kinh nguyệt biết vệ sinh và chăm sóc bản thân…

Khó nhất là duy trì sỹ số và nâng cao chất lượng học tập.

“Chủ nhiệm lớp HS dồng bào DT Chứt cái gì cũng khó. Khó nhất là duy trì sỹ số và nâng cao chất lượng đào tạo”. Cô Thành trao đổi.

Được biết, HS dân tộc Chứt sống hoang dã, đầy cá tính. Thích thì ở lại học. Không thích là bỏ về bản.

Mỗi HS dân tộc Chứt bỏ học có những lý do khác nhau. Em Hồ Văn Tài (lớp 4). thì “ Học cái chữ nó ê cả trốc. Về đi rú, lấy cái củ mài và măng ná thích hơn”. Lý do của em Hồ S. lại vì : “ Không được ăn cái trấy, cái trăng chua chua chát chát nên thèm. Phải ăn trái bàng thì bị cấm leo trèo. Nên về bản rồi lên núi Cà Đay, tự do hơn”. Trong khi đó, đối với những em HS mới vào lớp một lại nhớ cha mẹ, nhớ nhà nên suốt ngày khóc đòi về , không chịu vào lớp , chạy ra sân ngóng vè phía núi làm cho GV vô cùng khó khăn trong công tác quản lý.

Trai gái DT Chứt yêu nhau rất sớm và thường tảo hôn. Đến trường được ba tháng, em Hồ Thị V. bỏ học thường xuyên. Có hôm , khu nội trú xôn xao vì bỗng dưng hai em học sinh nữ bỏ khỏi phòng nội trú. BGH và GV chủ nhiệm lo sợ đi tìm cả đêm.

Cuối cùng, gia đình tìm được hai em ở Tuyên Hóa (Quảng Bình). Số là thế này: Hai em có bạn trai tộc người Mã Liềng từ Tuyên Hóa ra thăm tại phòng nội trú của trường. Sau khi bạn trai về một tháng, nhớ lời hẹn với bạn trai, hai em bỏ lớp, rủ nhau cắt rừng đi vào Tuyên Hóa.

Có dịp, tôi về bản Rào Tre với cô Vân – Hiệu trưởng và các thầy cô cùng trường. Khi đến nhà em Hồ V., cô giáo hỏi em: “Em bỏ học không thương cô à?”. Em V. trả lời hồn nhiên: “ Em có thương cô. Nhưng em thương bạn trai hơn”.

Phải rất công phu các em bỏ học mới trở lại lớp. “ Thật nhiều khi phát khóc với HS anh ạ!” . Cô Thành nói.

Tôi đã theo BGH và GV chủ nhiệm nhiều lần đến bản Rào Tre để vận động HS trở lại trường. Tất nhiên là nhà trường đưa xe đến đón các em. Trong những lần đi như vậy, các cô phải vượt gần 50 km, qua dốc, qua khe, đường đất đỏ ba dan. Mùa nắng, gió Lào thổi bụi bay mù trời. Mùa mưa, đường nhão nhoét như ruộng nẩy. Chỉ cần vô ý là rơi xuống vực. Ấy vậy mà bất chấp mưa hay nắng, HS bỏ học về bản là GVCN phải tức khắc đến bản vận động. “ Sau này, chúng em phối kết hợp với phụ huynh đặc biệt là bộ đội biên phòng đồn 575. Nhờ điện thoại mà có HS về bản là chúng em thông tin với các anh bộ đội biên phòng để được giúp đỡ nên cũng đỡ lo lắng hơn”. Cô Thành tâm sự.

Sau giờ dạy, cô Thành đến phòng nội trú cùng học với các em
Sau giờ dạy, cô Thành đến phòng nội trú cùng học với các em

“ Cứ làm nề nếp, nhất là nề nếp tự học của học sinh rồi chất lượng sẽ lên. Cách đây 2 tuần đoàn khảo sát chất lượng của Sở về. THCS ngon lành hết. Về tiểu học, chỉ có em Hồ Viết Bảy (HS lớp 4, DT Chứt) vẫn đọc chưa thông, viết chưa thạo, nên xếp loại yếu. Thành khóc mãi. Chúng tôi đã động viên không việc gì vì em Bảy thiểu năng trí tuệ, hoàn cảnh gia đình hết sức éo le. GVCN đã làm hết mình. Đây là trường hợp đặc biệt, nhà trường giữ lại để giúp em hòa nhập với cộng đồng. Mặc dầu động viên rất nhiều, nhưng Thành vẫn buồn”.Cô Vân- Hiệu trưởng bộc bạch.

Cứ mỗi buổi dạy học xong, không chỉ cô Thành mà hầu hết GV trường PTDT nội trú Hương Khê chưa ra về ngay. Hoặc là GV tham gia vui chơi cùng học sinh. Hoặc là xuống phòng nội trú, hướng dẫn các em sắp xếp phòng ở ngăn nắp, sạch, đẹp, hoặc là đến nhà ăn tập thể giúp chị em nhà bếp tổ chức bữa ăn, hoặc là chải tóc, gội đầu, khâu vá cho các em HS.

“Khi công việc ở trường ổn thỏa, mới vội vàng ra về lo cho chồng con mình, trong đó cô Thành hai con còn nhỏ mà tịnh không một tiếng kêu ca phàn nàn. Cô Thành đúng là mẹ của các em HS dân tộc Chứt ở trường”. Cô Vân – Hiệu trưởng nhà trường lấy làm hài lòng và mãn nguyện khẳng định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast