Một đời gieo chữ

(Baohatinh.vn) - Đã bước qua mùa xuân thứ 75 của cuộc đời, nhưng kỷ niệm về một thời gieo chữ vẫn luôn vẹn nguyên trong trái tim nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu.

Nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu là một trong những người có công đầu sáng lập Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh

Nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu là một trong những người có công đầu sáng lập Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh

Lần giở những kỷ vật của một thời gắn bó với phấn trắng, bảng đen, ông chợt run run xúc động trước cuốn sổ đã nhuốm màu thời gian chi chít những dòng chữ. Ông tâm sự: “Đây là cuốn sổ ghi chép mà tôi vinh dự được Bác Hồ tặng khi lần đầu tiên nhận danh hiệu “Giáo viên giỏi, Bác Hồ khen” vào năm 1964. Phần thưởng vô giá này cùng những lời căn dặn của Bác là hành trang quý giá nhất tiếp sức cho tôi trong hành trình gắn bó với sự nghiệp trồng người. Khi về hưu, tôi vẫn tiếp tục gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài…”.

Sinh ra, lớn lên ở Đức Thủy (Đức Thọ), tuổi thơ khốn khó đã vắt kiệt sức của cậu bé Đinh Lê Báu với đủ mọi nghề, từ gánh nước thuê, phục vụ bàn tại các quán ăn… Nhưng những khó khăn ấy chưa bao giờ làm nản chí cậu học trò ham học. Ước mơ được học tập trở thành động lực thôi thúc để ông không ngừng vươn lên.

Sau nhiều lần gián đoạn, năm 1956, ông tiếp tục trở lại học tại Trường Tư thục Đậu Quang Lĩnh, đến cuối năm 1957, thi đậu Trường Phan Đình Phùng. Tại đây, ông vừa học, vừa đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Khi học hết lớp 9, đúng lúc tỉnh có thông báo tuyển những học sinh giỏi tốt nghiệp cấp III và lớp 9 để dạy cấp II, ông được phân công dạy học tại Trường Cấp II Nguyễn Biểu, huyện Đức Thọ. Nghề giáo bén duyên với ông từ đó.

Trong cuộc đời mình, nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu cho rằng: điều may mắn nhất với ông là được làm việc với những người thầy - những nhân cách lớn như thầy Trần Quốc Nghệ, Lê Yên hay thầy Trần Văn Đệ… Đó chính là những tấm gương nhà giáo mẫu mực, thôi thúc ông bắt đầu một hành trình không mệt mỏi - hành trình tự học.

Những kiến thức đã được lĩnh hội ở trường đại học cùng lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông đã sát cánh cùng các đồng nghiệp vượt qua mọi khó khăn, xây dựng thành công Tổ Lao động XHCN, góp phần xây dựng Trường Cấp II Đức Đồng trở thành một trong những trường học điển hình của Bắc Trung bộ. 4 năm liền (1964-1967), ông được phong tặng danh hiệu “Giáo viên giỏi, Bác Hồ khen”. Đặc biệt, năm 1966, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và Huân chương Lao động hạng Ba - năm ấy ông vừa tròn 27 tuổi.

Tháng 3/1979, ông được Bộ Giáo dục điều sang Campuchia công tác. Tỉnh Stưng-treng nằm bên bờ sông Mê Kông là nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó với ông. Bởi chính tại nơi đó, ông đã giúp nước bạn từng bước xây dựng bộ máy quản lý giáo dục và đào tạo đội ngũ giáo viên. Ngày ấy, đoàn chuyên gia cấp tỉnh được cử sang Campuchia gồm 12 người, song chỉ có nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu là chuyên gia giáo dục. Chính vì thế, nhiệm vụ của ông càng nặng nề hơn khi phải giúp bạn hình thành bộ máy giáo dục cấp tỉnh, điều tra trình độ văn hóa, tập hợp giáo viên để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học đầu tiên vào tháng 11/1979…

Ở Campuchia 4 năm, vừa làm, vừa tự học tiếng Khơ-me, đến năm 1984, ông được Bộ Giáo dục điều về làm công tác nghiên cứu giáo dục và phiên dịch tại bộ. Mặc dù đã về nước làm việc, song với những cống hiến của mình trên đất nước bạn, nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu vinh dự được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Năm 1996-2001, với cương vị Giám đốc Sở GD&ĐT, nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu đã từng bước xây dựng được đội ngũ giáo viên có trình độ, nhiệt huyết, tạo sự đoàn kết, thống nhất, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về giáo dục. Ông cũng là một trong những người có công đầu sáng lập Hội Khuyến học tỉnh, thu hút nhiều người tham gia và kêu gọi được nhiều nguồn tài trợ để góp phần chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo.

Đến nay, các thế hệ học trò của nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu đều đã thành đạt, trong đó, nhiều người đã nối nghiệp ông, trở thành giáo viên yêu nghề, yêu trẻ. Với ông, đó chính là sự tiếp nối của mạch sống được bắt nguồn từ tình yêu với nghề giáo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast