Nâng cao chất lượng giáo dục từ Cuộc vận động “hai không”

Tinh thần chỉ thị số 33 ngày 8/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” của Bộ GD-ĐT thực sự là luồng gió mới mang lại khí thế thi đua sôi nổi dưới những mái trường từ miền ngược đến miền xuôi của vùng đất học Hà Tĩnh.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Hào – Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Ngay khi Bộ có chủ trương về cuộc vận động "2 không", chúng tôi cũng đã có những nhìn nhận cần thay đổi. Đặc biệt là việc phối hợp với cấp uỷ chính quyền và các ban ngành liên quan lập lại kỷ cương phòng thi, sự nghiêm túc phải được thực hiện ngay từ bên trong, cán bộ coi thi phải thực sự gương mẫu. Đối với công tác thi đua khen thưởng cần chú trọng nhưng không nặng về hình thức, quan điểm của ngành là khen kịp thời, thưởng đúng đối tượng theo từng tiêu chí cụ thể”.

Cô trò Trường tiểu học Nguyễn Du trong ngày khai trường
Cô trò Trường tiểu học Nguyễn Du trong ngày khai trường

Để Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và tinh thần của cuộc vận động sớm đi vào thực tế, ngay tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của từng năm học, Sở GD-ĐT đã tổ chức ký cam kết giữa các cấp lãnh đạo, các trường học và các cơ sở giáo dục... Cùng với Chỉ thị của UBND tỉnh, UBND các huyện thị cũng đã có chỉ thị về hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động.

Xác định tầm quan trọng của cuộc vận động trong việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nên việc nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục đã được các cấp uỷ đảng chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các bậc phụ huynh đồng tình ủng hộ tuyệt đối. Sự ủng hộ về mặt tinh thần ấy đã tiếp thêm sức mạnh, khí thế quyết tâm cho tập thể giáo viên và học sinh trong mỗi nhà trường. Từ đó, tinh thần của cuộc vận động đã được cụ thể bằng các hoạt động nâng cao chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp với từng đối tượng học sinh, tổ chức phân loại sớm để kịp thời bồi dưỡng cho cho đội ngũ học sinh khá, giỏi, phụ đạo, kềm cặp học sinh yếu kém...

Hoạt động nâng cao chất lượng còn được thể hiện qua cách ra đề trong mỗi bài kiểm tra với những yêu cầu như: tránh tình trạng đánh đố; vừa phải bám chương trình nhưng đồng thời cũng phải phát huy tính sáng tạo cho học sinh. Đối với các kỳ thi lớn, công tác chuẩn bị ôn thi càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Đó là tài liệu ôn thi cho các em được Sở GD-ĐT chuẩn bị công phu, phát hành với giá cả hợp lý góp phần giúp các em chủ động trong việc ôn luyện. Ngoài thực hiện nghiêm túc quy chế phòng thi, Sở còn chú trọng trong việc tạo tâm lý thoải mái, giúp các em bình tĩnh, tự tin để tập trung làm bài...

Thủ khoa ĐHQG Hà Nội Lê Tùng Ngân
Thủ khoa ĐHQG Hà Nội Lê Tùng Ngân

Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, hoạt động giảng dạy và học tập trong mỗi nhà trường ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng cũng từng bước được cải thiện. Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh ngày càng đi vào thực chất, phản ánh đúng mức độ cố gắng phấn đấu của từng học sinh. Sự quan tâm của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cũng đã góp phần giúp các em học sinh có ý thức tự giác hơn trong việc rèn luyện và học tập. Vì thế, hiện tượng ngồi nhầm lớp đã không còn, những tai tệ nạn xã hội trong nhà trường từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi, kỷ cương nhà trường luôn được giữ vững.

Cũng từ việc nâng cao chất lượng giáo dục, siết chặt kỷ cương phòng thi, đặc biệt là việc nêu cao tinh thần nghiêm túc, công bằng, gương mẫu trong đội ngũ cán bộ giáo viên coi thi, sự phối hợp và đồng nhất quan điểm giữa các ngành chức năng trong những kỳ thi lớn đã tạo dựng lòng tin tuyệt đối trong nhân dân. Đó cũng là lý do để chấm dứt tình trạng hỗn loạn, mất an ninh trật tự tại các điểm thi khi nhà nhà đi thi người người đi thi...

Những chuyển biến từ cuộc vận động "hai không" ở ngành giáo dục Hà Tĩnh được thể hiện rõ nét ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT và BTTHPT cũng như tuyển sinh vào lớp 10 được đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT, giám sát của các trường đại học đánh giá cao về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, sự chỉ đạo sâu sát của BCĐ kỳ thi của tỉnh. Vì thế, các kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc; tất cả các hội đồng thi đều đảm bảo đúng quy chế, thực hiện nghiêm túc nội quy, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và BTTHPT năm 2006 - 2007, năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động đã phản ánh khá trung thực về chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh với tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 73,7%, BTTHPT 38%; năm học 2007 - 2008 là 89%, năm học 2009-2010 là 98,2% và năm học 2010-2011 đạt 99,1%. Điều đáng tự hào là thành tích học sinh giỏi quốc gia của Hà Tĩnh luôn phát triển theo từng năm và giữ vững là 1 trong 10 tỉnh thành thuộc tốp đầu cả nước.

Với những nỗ lực đáng ghi nhận trong 5 năm thực hiện cuộc vận động, ngành giáo dục Hà Tĩnh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast