Ngành giáo Hà Tĩnh đẩy mạnh Ứng dụng CNTT vào giảng dạy

Năm học này, Ngành giáo dục Hà Tĩnh lại có thêm niềm vinh dự mới khi tiêu chí về ứng dựng công nghệ thông tin đã được Bộ GD&ĐT đánh giá cao và được tặng bằng khen. Nhưng với các thầy cô giáo cùng các em học sinh trên miền đất học này, niềm vui càng được nhân lên khi việc ứng dụng CNTT đã mang lại những giờ học lý thú, hấp dẫn và bổ ích. Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần đổi mới phương pháp dạy học, là một trong những mục tiêu quan trọng trong cải cách giáo dục hiện nay.

Chứng kiến một giờ địa lý được giảng dạy bằng máy chiếu của cô và trò trường THSC Hoàng Xuân Hãn - Đức Thọ mới có thể cảm nhận hết được sự hào hứng của các em học sinh.

Em Phan Thị Bích Ngọc – Học sinh lớp 8A – trường THCS Hoàng Xuân Hãn cho biết: “Chiếc máy chiếu với những hình ảnh minh họa sinh động, hấp dẫn không chỉ giúp chúng em tránh sự nhàm chán trong môn học vốn được xem là khô khan mà còn giúp chúng em tiếp thu kiến thức bài giảng nhanh hơn, nhớ lâu hơn và thêm yêu quê hương, đất nước qua từng hình ảnh”.

Giờ kể chuyện cho các cháu trường mần non trở nên hấp dẫn hơn nhờ hình ảnh trên máy chiếu

Giờ kể chuyện cho các cháu trường mần non trở nên hấp dẫn hơn nhờ hình ảnh trên máy chiếu

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đã khơi dậy sự tìm tòi, suy nghĩ cho học sinh, giúp các em tiếp cận nhanh hơn với thế giới công nghệ thông tin. Đây là bước tiến lớn trong việc cải tiến phương pháp dạy học, tạo tính chủ động, sáng tạo nâng cao chất lượng học tập, đồng thời kích thích tư duy sáng tạo, bồi dưỡng năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề và khả năng thực hành cho học sinh.

Hiện nay, công nghệ thông tin với các phần mềm trên máy tính đã trở thành người bạn đồng hành giúp giáo viên lồng ghép những hình ảnh, âm thanh sống động vào bài giảng, vừa thu hút học sinh vừa cụ thể hóa sự vật, hiện tượng. Nhờ có thiết bị máy tính mà việc thiết kế giáo án và giảng dạy trên máy tính trởnên sinh động, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn so với cách dạy theo phương pháp truyền thống. Chỉ cần “bấm chuột”, vài giây sau trên màn hình hiện ra ngay nội dung của bài giảng với những hình ảnh, những mô phỏng, âm thanh, tạo sự chú ý của học sinh. Thông qua bài giảng điện tử, giáo viên có nhiều thời gian đặt các câu hỏi gợi mở, tạo điều kiện cho học sinh hoạt động nhiều hơn trong giờ học. Các tiết học ở trường cũng trở nên nhẹ nhàng, tự nhiên, đa số học sinh dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức ngay tại lớp.

Thầy Trần Xuân Bình – Cán bộ phụ trách CNTT - Sở GD&ĐT cho biết: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của CNTT nên mặc dù điều kiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, Ngành giáo dục cũng đã kịp thời triển khai việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy và quản lý giáo dục. Với sự chỉ đạo sát sao, đôn đốc thường xuyên của lãnh đạo Sở nên các đơn vị cơ sở, trường học đã triển khai thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong trong ứng dụng CNTT ở nhiều lĩnh vực. Đó là điện tử hóa công tác văn phòng, xây dựng hệ thống tra cứu điểm thi, xây dựng hệ thống quản lý trường học online, hội họp trực tuyến giữa Bộ GD và ngành, giữa Sở và các đơn vị cơ sở...”.

Cũng từ mong muốn ứng dụng CNTT nên các đơn vị, trường học cũng đã đầu tư xây dựng được sơ sở hạ tầng khang trang để đáp ứng việc ứng dụng và phát triển CNTT... Nhờ thế, đến nay, việc triển khai kết nối Internet băng thông rộng đã được triển khai ở 865 đơn vị, gồm các trường ở các bậc học MN, Tiểu học, THCS, THPT, Trung cấp, cao đẳng, đại học, các phòng, TTGDTX, Sở.

Cũng theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm học vừa qua các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã có 349 phòng với gần 7.000 máy tính, 597 máy chiếu đa năng; hơn 16.000 bài giảng được áp dụng chương trình công nghệ giáo dục và e-learning.

Ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích sự sáng tạo của thầy và trò, của cán bộ quản lý đã góp phần quan trọng giúp ngành Giáo dục và Ðào tạo Hà Tĩnh tạo chuyển biến mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast