Nghỉ lũ vẫn phải đảm bảo khung chương trình học của Bộ GD&ĐT

Bão số 10 đã làm tốc mái nhiều phòng học và các công trình phụ trợ của hầu hết các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, ước tính tổng thiệt hại hơn 5 tỷ đồng...

Mặc dù trước, trong và sau bão ngành GD đã chủ động công tác phòng chống và khắc phục hậu quả để học sinh sớm ổn định việc học, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn còn có gần 20.000 học sinh ở 63 trường học thuộc các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ và Hương Sơn chưa thể đến trường.

Ngay sau bão, công tác vệ sinh trường lớp và việc khắc phục những hư hỏng nhẹ tại các trường trên địa bàn toàn tỉnh đã sớm được hoàn tất nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cùng các em học sinh. Hầu hết các nhà trường vẫn tiếp tục việc dạy và học bình thường. Tuy nhiên, trận mưa lớn vào đêm 1/10 đã khiến mực nước ở các hồ đập lên nhanh và việc xả tràn để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa đã khiến một số vùng hạ du bị ngập, học sinh không thể đến trường.

Từ ngày 2/10, sau khi xả tràn hồ Kẻ Gỗ, 16.000 học sinh ở 38 trường thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà buộc phải nghỉ học để đảm bảo an toàn
Từ ngày 2/10, sau khi xả tràn hồ Kẻ Gỗ, 16.000 học sinh ở 38 trường thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà buộc phải nghỉ học để đảm bảo an toàn

Tại huyện Hương Khê, do đập thủy điện Hố Hô xả lũ cùng với tuyến đường nối huyện Hương Khê - Thành phố Hà Tĩnh sắp hoàn thành tạo nên một con đê ngăn dòng nên nước lũ rút chậm, gây ngập úng trên diện rộng khiến học sinh ở một số trường không thể đi học. Thầy Trần Đình Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết: “Đến sáng ngày 3/10, đã có 5.298 học sinh ở 21 trường phải nghỉ học. Việc ngập úng xảy ra trên diện rộng và mực nước rút rất chậm nên một số trường ở vùng thấp trũng như: Hương Đô, Hà Linh, Phương Mỹ, Hòa Hải, Hương Thủy, Phúc Đồng... có thể sẽ phải nghỉ dạy – học đến hết tuần sau”.

Ở Cẩm Xuyên và Thạch Hà, ngay từ ngày 2/10, sau khi có công điện về xả tràn hồ Kẻ Gỗ, phòng giáo dục 2 huyện cũng cho phép hơn 16.000 học sinh ở 38 trường nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng cho các em. Trong chuyến đi thực tế vừa qua, chúng tôi được biết mực nước tại một số xã vùng hạ du của Cẩm Xuyên và Thạch Hà đã bắt đầu rút nên trong ngày 4/10, một số trường sẽ tiếp tục việc dạy và học. Riêng ở Cẩm Xuyên, trong ngày 2/10, toàn huyện có 21 trường, 8.802 học sinh phải nghỉ học thì đến ngày 4/10 chỉ còn 1.505 học sinh ở 3 trường vùng rốn lũ đó là: trường mầm non Cẩm Duệ, tiểu học Cẩm Vịnh và THCS Đại Thành chưa thể đến trường.

Học sinh miền núi đến trường bằng thuyền
Học sinh miền núi đến trường bằng thuyền

Ở huyện Đức Thọ, theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện, việc thiệt hại do bão không đáng kể nên hầu hết các nhà trường đã chủ động báo cáo với chính quyền địa phương để khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, lượng mưa từ trận lụt trước bão, nước từ thượng nguồn sông Lam và sông La đổ về khiến một số trường học thuộc các xã vùng ngoài đê như: Trường Sơn, Liên Minh, Đức Tùng, Đức Châu, Đức Quang... phải nghỉ học từ tuần trước. Đợt lũ trước nước chưa kịp xuống hết, đợt lũ sau lại đổ nước về nên từ 3/9, sau 2 ngày đi học trở lại, học sinh ở một số xã như: Đức Tùng, Đức Châu... lại tiếp tục phải nghỉ học. Hiện tại, tình hình nước lũ tại một số xã thuộc huyện Đức Thọ vẫn tiếp tục lên nên khả năng đến ngày 9/10, việc học tập tại một số trường mới có thể trở lại ổn định.

Cô Lê Thị Thanh Minh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Châu (Đức Thọ) cho biết: “Tuần trước học sinh trường tôi chỉ học được 1 ngày. Bão số 10 đi qua cũng đã khiến 1 phòng học bị tốc mái tôn nhưng nhà trường đã được phụ huynh giúp đỡ và khắc phục sửa chữa kịp thời. Cũng trong ngày 1 và 2/10, sau khi bão tan mặc dù một số tuyến đường liên thôn vẫn bị ngập nước nhưng chúng tôi cũng đã vận động phụ huynh cõng con em đến trường. Nhưng đến ngày 3/4, việc dạy và học lại bị gián đoạn bởi nước lũ từ sông dâng lên quá nhanh. Mưa lũ đã khiến việc học của các em gián đoạn gần 2 tuần chúng tôi cũng rất sốt ruột, nhưng quán triệt tinh thần chỉ đạo của Sở và Phòng GD là phải chủ động và đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng cho học sinh nên nhà trường phải đóng cửa cho đến khi nước rút hẳn”.

Sớm ổn định việc học tập cho học sinh tại các trường sau bão lũ là việc làm cần thiết, song đối với vùng lũ vấn đề an toàn tính mạng cho học sinh mới là quan trọng hàng đầu. Dù nghỉ học dài ngày, việc theo kịp chương trình cần có thời gian nhưng để đảm bảo khung chương trình của Bộ GD&ĐT đề ra, các nhà trường, tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tăng, bù tiết, học thêm vào các ngày nghỉ ... để đảm bảo chất lượng, chương trình cho học sinh theo đúng quy định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast