Nghĩ về sách giáo khoa phổ thông

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói đề nghị chi ngân sách 34 ngàn tỉ cho việc soạn, in và tập huấn giảng dạy, bộ sách giáo khoa mới chỉ là do cấp dưới bị “khớp”.

Tiền, thế là chưa phải chi, nhưng vấn đề sách giáo khoa phổ thông (SGK) thì vẫn còn nằm nguyên đó, như một sự thách đố đối với ngành giáo dục - đào tạo, với toàn xã hội, với công quỹ! Bởi vì, sớm hay muộn, chúng ta vẫn phải cải cách giáo dục, mà đã cải cách giáo dục thì không thể không soạn lại SGK. Có thế, mới “giảm tải” được cho học sinh và mới “nâng cao được chất lượng giáo dục”. Thế là, việc làm SGK - may quá - chưa phải là “việc đã rồi” và ta có thời gian để bàn trước, đỡ gấp gáp khi bắt tay vào việc.

***

SGK xưa nay gồm hai mảng: 1. SGK về các môn khoa học tự nhiên; 2. SGK về các môn khoa học xã hội.

Về mảng thứ nhất, theo thiển ý của tôi, có thể giải quyết một cách khá đơn giản: Hãy mua bản quyền một bộ SGK của một nước tiên tiến nào đó, rồi dịch sang tiếng Việt, tập huấn cho giáo viên ta và đưa vào giảng dạy. Như vậy, ta vừa đỡ phải soạn mà chất lượng SGK lại cao, vì nó đã được “kiểm định” bởi các “thang đo” quốc tế và ngay lập tức, ta vươn lên cùng họ về chất lượng, không phải nghi ngại gì.

Tôi nói thế, vì cách đây ít năm, TS Nguyễn Văn Khải - em ruột Viện sĩ, tiến sĩ toán - lý Nguyễn Văn Hiệu - đã “đếm được” 27 lỗi viết - vẽ trong SGK vật lý lớp 9 của ta (!) và đã làm việc trực tiếp với GS-TS Bùi Thanh Khiết - vốn là người coi sóc việc xuất bản SGK vật lý tại Nhà xuất bản Giáo dục nhiều năm, để góp ý chỉnh sửa. Mặt khác, tôi đã từng được xem - tại Phnôm Pênh, trong chiến tranh - SGK vật lý trung học thời ông Xihanúc, được in (màu) bởi người Pháp, tại Pháp, rồi chở sang tặng cho Campuchia. Nói thật, sách rất tốt!

Với mảng sách thứ hai - tức là những SGK về các môn khoa học xã hội, nhất định ta phải soạn lấy chứ không thể mua bản quyền của ai được.

Về cách làm của ta, chỉ cần đưa ra 1 ví dụ:

Trước thềm năm học 2005-2006, tôi - lúc đó đang là Phó Tổng biên tập thường trực của Báo Tiếng nói Việt Nam, lại là một nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, lại đã từng tham gia ban sơ khảo và chung khảo mấy cuộc thi viết truyện ngắn và ký sự của ngành giáo dục và đào tạo, nên tôi được mời đọc và góp ý cho cuốn SGK ngữ văn lớp 11 (cùng một số nhà văn, nhà giáo khác).

Tôi tự đem thư góp ý của mình sang NXB Giáo dục để trao tận tay cho bộ phận xuất bản sách “Văn học trong nước”.

- Góp ý về nội dung, tôi đã viết lại chương “Đề dẫn” của một giáo sư đầu ngành (xin phép không nêu tên), sao cho nó “ngắn chỉ còn một nửa”, mà “không suy giảm thông tin” trong chương sách ấy của ông. Tôi cũng nói về một chương sách khác, cũng của một giáo sư đầu ngành (và cũng xin phép được giấu tên), ấy là chương về “Văn bản học”, rằng chương này không nên để trong SGK lớp 11, dù nó có thể được in trên một tạp chí khoa học hoặc đọc tại một hội thảo về khoa học văn bản nào đó. Học sinh của chúng ta sẽ đọc nó sau này, nếu thực muốn nghiên cứu khoa học văn bản.

Người phụ trách mảng văn học trong nước của NXB lúc đầu thì im lặng, nhưng sau thì bảo tôi, đại ý, hai giáo sư kia là chuyên gia đầu ngành, đã viết SGK lâu năm, lại là “thầy chúng em”, “chúng em không thể sửa những gì họ viết được!”. Rồi sau ít phút đắn đo, người ấy bảo: “Nói thật với anh, không phải chúng em không biết, nhưng anh tính, SGK mỗi năm in hàng nhiều triệu bản, nhiều tỉ trang, càng viết dài, viết nhiều thì nhuận bút lại càng cao! Chẳng biết làm thế nào!”. Đến đây thì tôi xin phép ra về, vì thật tình, “không còn gì để nói nữa!”.

Sau đó nửa năm hay một năm gì đó, nhân ngồi với Phó Tổng giám đốc - Tổng Biên tập NXB Giáo dục, tôi có hỏi xem anh ấy đã đọc thư góp ý của tôi chưa, anh ấy cười bảo: “Những ngày ấy (dịp tháng 5.2005) tôi đi công tác ở nước ngoài! Vả lại, lúc ấy SGK đã in xong, sắp hoặc đã phát hành, còn đọc làm gì?”. Chao ôi! Thế ra việc “xin ý kiến góp ý” với SGK năm ấy chỉ là việc bày ra cho “đủ lệ” (về hình thức) thôi sao? Và, ý kiến góp ý của tôi của những người khác, thực ra là đã được … “ngậm cười nơi chín suối”, ngay từ khi… chưa ra đời!

Bây giờ, nhắc lại chuyện nực cười ấy, tôi cũng chưa biết nói thế nào để trỏ đúng bản chất của sự việc!

Ở đây, tôi không dám nghĩ rằng, mọi cuốn SGK của ta đều được làm theo cách đó, mọi nhà làm SGK đều đi theo lối đó. Tôi chỉ nói, trường hợp tôi gặp, thực nó là như thế và như thế là không được!

***

Bây giờ, xin được bàn riêng về SGK môn văn (hay ngữ văn - như cách gọi những năm gần đây).

Theo tôi, SGK môn văn ở phổ thông, qua ba cấp học (tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông) phải hướng tới ba mục tiêu:

1. Làm cho học sinh ta có đủ chữ nghĩa (phổ thông) và đủ kỹ năng sử dụng khối chữ nghĩa ấy để dễ dàng hoàn thành những văn bản/văn tự thông thường như là thư tín, đơn từ...

Xưa, các cụ ta, chỉ cần có cái bằng sơ học yếu lược là đã có thể viết hộ/viết thuê, đơn thư thông thường các loại. Các cụ có bằng đíplôm (tương đương bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở) là đã có thể đi làm công chức bậc thấp được rồi, thế mà ở ta bây giờ, ngay đến sinh viên vẫn còn không ít bạn viết sai văn phạm, chính tả và rất khó khăn khi phải thực hiện một văn bản hành chính thông thường nào đó, tức là rất thiếu kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong thực tiễn đời sống hằng ngày!

2. Làm cho học sinh đủ chuẩn thẩm mỹ (phổ thông) để biết yêu những tác phẩm văn nghệ tốt (hướng thượng, hướng thiện, giàu tính nhân văn và tính nghệ thuật; giúp con người có nhiều lòng tốt, có tâm hồn trong trẻo...), cả trong và ngoài nước..

Đừng vì “văn chương thời này nó thế” mà “phải dạy thế”, để vội đưa vào SGK những tác phẩm, dẫu đang “hot”, thậm chí được nhiều người lớn khen là đặc sắc, nhưng văn chương xem chừng quá “chợ búa”, quá “lọc lõi”, cứ “đêu đểu” thế nào ấy! Bởi vì, những sự “sành sỏi”, “sành điệu”, “chợ búa”, “lọc lõi”, “ranh mãnh”... ấy không cần dạy ở trường phổ thông.

Những thứ đó, khi lớn hơn, khi học ở các bậc học sau, các em tiếp xúc cũng chưa muộn. Khi đó, các em đã phát triển khá đủ cả về thể chất và tư duy, tự ứng xử được với chúng mà không sợ bị “ô nhiễm” nặng nữa. Ví dụ, khi tôi học cấp III (1965-1968), SGK văn cho học cả những câu như sau: “Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lớn tần mần như ma/ Hai tay quan lớn gian tà/ Tay xoa cát phẩm, tay sờ hạ chiêu”.

Sách giảng rằng, đó là: “Ca dao chống phong kiến”! Liệu có nên để “cát phẩm” và “hạ chiêu” trong SGK phổ thông hay không? Chắc là không, vì ngay cả cụ Nguyễn Công Trứ - chơi là thế - mà cũng chỉ cho con hát hát, lúc đã về già: “Ban ngày quan lớn như thần/Ban đêm quan lớn tần mần như ma/Ban ngày quan lớn như cha/Ban đêm quan lớn rầy rà như con”.

Công trạng, tài danh là thế, tuổi tác là thế, tự mãn - bất mãn là thế, cụ Nguyễn Công Trứ, cuối đời, chữa ca dao để đùa với “cái đuôi” còn lại của con người - cái phần “con” trong “con người”, mọi thời, thế thôi, sao lại đem ra “chống phong kiến” được? Mà trong thời phong kiến, thiếu gì “quan lớn” là anh hùng dân tộc, là người tử tế. Giảng như thế tức là xúc phạm tiền nhân. Thời nào chả có quan tốt và quan xấu!

Nghĩa là, SGK văn phổ thông, phải góp một phần lớn, trong việc chuẩn bị cho sự trưởng thành của học sinh, chứ không phải là thúc các em gấp gáp thành ngay ra người lớn, với mọi sự “lọc lõi”, “sành sỏi”, “sành điệu”... trong đời thường, vì “lọc lõi”, “sành sỏi”, “sành điệu” chưa phải là thông minh. Chúng ta cần làm cho học sinh ta trong trẻo, cao cả, thông minh trước đã, rồi đời sẽ dạy thêm cho các em sau.

Mặt khác, để học văn tốt, các em còn phải học tốt các môn học khác, đặc biệt là những môn học gắn bó một cách “hữu cơ” với văn học như là lịch sử, địa lý... và do đó, cùng với việc làm lại SGK văn, phải làm lại cả SGK của những môn này. Ví dụ, phải dạy cho học sinh phổ thông biết rằng, văn hóa Việt là sự hỗn dung của ít nhất là ba vùng văn hóa lớn: Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ/Đông Sơn - Sa Huỳnh - Óc Eo, chứ không chỉ là văn hóa Bắc Bộ và điều ấy đã xảy ra như thế nào... Có như thế, học sinh ta mới yêu nước Việt, người Việt, văn hóa - văn chương Việt cả ba vùng chứ không chỉ biết yêu “quê cũ” của mình.

3. Làm cho một số em có thiên hướng văn học càng thêm yêu văn học, giỏi văn và có thể chọn nghiệp văn sau phổ thông. Vì, rõ ràng là với các em này, việc chỉ đạt hai mục tiêu đầu là chưa đủ. Vậy thì SGK cần chỉ định một số tác phẩm/tác giả trong và ngoài nước để các em tự đọc rồi trao đổi với nhau, với thầy/cô trong “câu lạc bộ những người yêu văn học”, không cần bắt mọi học sinh phải làm việc này và cũng không đưa phần “tự đọc” này vào chương trình thi tốt nghiệp.

Mặt khác, nếu soạn SGK môn văn tốt, dạy khéo, chúng ta còn có thể bớt được độ dày của SGK về một số môn khác, thậm chí bỏ hẳn, vì qua SGK văn ta có rất nhiều cơ hội để dạy về lòng yêu nước, về tính công dân, về đạo đức - lễ nghĩa, về lời ăn tiếng nói... một cách sinh động, hấp dẫn hơn hẳn khi dạy thẳng một cách khô khan những môn kia. Có thế, mới mong “giảm tải”; mong làm cho những cái cặp, những chiếc balô trên lưng học sinh ta bớt nặng, do bớt đi được những sáo rỗng, những xảo ngôn kiểu “quan phương” chán chết tự thuở nào! Có thế, các em mới yêu môn văn, không ghét/sợ văn như lâu nay và từ đó mới có thể giỏi văn.

***

Vũ trụ có bao nhiêu tinh tú, có bao nhiêu khí hạo nhiên, mới cho bầu trời một nét “văn” là dải Ngân Hà. Con rồng, con hổ, con báo, con sư tử dũng mãnh, dẻo dang và mềm mại là thế, mới hiện thành những nét “văn” trong dáng vẻ, trong chuyển động, trên vảy/lông như vậy. Dạy cho học sinh đủ Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín; tức là dạy cho học sinh khả năng thành ra “vũ trụ”; thành ra “diệu long”, “mãnh hổ”, “mãnh sư”... thì trong tương lai - khi các em lớn lên - mới có thể hy vọng nhìn thấy những nét “văn” trong sự nghiệp của họ. Nếu quá thực tế, thực dụng; quá say mê việc đưa vào SGK những lối nghĩ, lối nói, lối sống dung tục, dưới danh nghĩa “hiện đại” thì càng ngày học sinh sẽ càng xa cái cao cả.

Mà đã xa cái cao cả, thì “không còn gì để bàn” nữa!

Đổi mới SGK cần có thời gian bàn bạc kỹ lưỡng.

ĐỖ TRUNG LAI

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast