Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT bình luận kết quả xếp hạng học sinh

“Không nên mừng quá về kết quả xếp hạng mà coi nhẹ việc giáo dục đại trà. Vì giáo dục đại trà ở Việt Nam đang kém các nước quá xa”.

Mới đây, trong bảng tổng sắp của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2012 với gần 70 quốc gia tham gia, xếp hạng của học sinh phổ thông của Việt Nam đứng ở vị trí cao với điểm số cao.

Kết quả đánh giá của năm 2012 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), thứ 17 về Toán (511 điểm) và thứ 19 về Đọc hiểu (508 điểm). Khu vực Đông Nam Á có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Singapore; đứng trên Mỹ, Anh về môn Toán.

Bình luận về kết quả này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo cho rằng, đây là một kết quả đánh giá khách quan và là điều đáng mừng đối với Việt Nam.

PV: Theo ông, như vậy kết quả đánh giá của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế đã phản ánh đúng năng lực của người học ở nước ta?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, những tiêu chí đánh giá của Chương trình đánh giá học sinh quốc tếkhông chỉ dùng riêng cho Việt Nam mà cho gần 70 nước tham gia. Trong sân chơi chung đó, Việt Nam đạt thành tích như vậy cũng là một điều đáng mừng. Tôi không bất ngờ về kết quả này. Bởi tôi đã từng theo dõi học sinh thi quốc tế các môn Toán, Hóa, Lý, Sinh học…, học sinh nước ta đều đạt các giải rất cao. Vì thế, khi xếp loại theo lĩnh vực như vậy, đặc biệt trong đó lại có môn Toán, kết quả xếp hạng đối với Việt Nam như đánh giá của Chương trình đánh giá học sinh quốc tếlà đương nhiên.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Tuy nhiên, trong đánh giá, họ chọn lựa ra các mẫu chứ không phải đánh giá tất cả, trong khi nói về chất lượng giáo dục Việt Nam phải là nói đến đại trà. Vì thế, chúng ta không nên mừng quá về điều đó mà coi nhẹ việc giáo dục đại trà. Vì thực tế, giáo dục đại trà ở Việt Nam đang kém các nước quá xa.

PV: Trong khi giáo dục đại trà chưa làm tốt, thì theo ông có nên quá chú trọng vào việc bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi thành tích cao như hiện nay?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi cho rằng, học sinh Việt Nam rất thông minh, từ trước đến nay, bao nhiêu lần thi quốc tế về Toán, Hóa, Lý… thì rất nhiều em đều đạt giải cao. Nhưng bấy lâu nay, ta đang đào tạo các em theo kiểu luyện “gà nòi”. Bản chất của người Việt Nam là thông minh, nếu ta chọn theo kiểu “gà nòi”, chắc chắn sẽ có những người giỏi.

Theo quan điểm của tôi, phải coi trọng như nhau cả giáo dục đại trà và tập trung đội ngũ học sinh giỏi. Bởi nhân tài hiện nay rất cần thiết, phải có những nhân tố dẫn đầu thì mới thúc đẩy được sự phát triển. Ví dụ ở Singapore, cách đây mấy chục năm, họ cũng như Việt Nam, nhưng hiện nay, họ phát triển cách xa ta cũng do họ có những người tài và biết sử dụng người tài.

Vì thế, có người tài, điều quan trọng là phải có cơ chế khuyến khích người tài và phải biết sử dụng họ. Còn nếu có người tài, mà không biết sử dụng thì cũng không đi đến đâu. Như chúng ta hiện nay, có nhiều em học ở nước ngoài rất giỏi, nhưng phải làm như thế nào để thu hút em trở về phục vụ cho đất nước, làm cho đất nước giàu có. Đó mới là điều quan trọng. Cùng với đó, phải phải tìm cách để nâng chất lượng giáo dục của Việt Nam. Khi chất lượng đại trà càng được nâng lên, thì người tài xuất hiện càng nhiều.

Đừng quá say sưa vào thành tích mà quên việc giáo dục toàn diện

PV: Hiện nay có rất nhiều người, thậm chí chính phụ huynh của các em được coi là “gà nòi” không khỏi lo ngại vì con em họ đang bị hổng một lượng kiến thức xã hội khá lớn, khi mà tất cả thời gian các em dồn vào để ôn luyện và thi đấu?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi là người theo dõi nhiều năm về giáo dục, thấy rằng nếu những môn cần thiết để đi thi đấu thì tất nhiên phải ôn luyện. Chỉ có điều, khi luyện những môn đó mà quên việc trau dồi kiến thức xã hội khác thì không nên.

Phải luôn chú ý đến việc giáo dục toàn diện cho các em. Đừng quá say sưa vào thành tích mà quên việc giáo dục những kiến thức khác cần thiết trong cuộc sống đối với các em.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: "Đừng quá say sưa vào thành tích mà quên việc giáo dục toàn diện"

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: "Đừng quá say sưa vào thành tích mà quên việc giáo dục toàn diện"

Điều quan trọng nhất để giáo dục một con người là cùng với việc giáo dục các em về kiến thức, cần phải giáo dục các em về kỹ năng sống. Nếu các em bị giáo dục lệch lạc thì không thể nào hòa nhập tốt vào cuộc sống được.

PV: Thưa ông, cũng liên quan đến việc giáo dục toàn diện cho học sinh, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời mới đây, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ luận cho biết, sắp tới việc giáo dục sẽ theo hướng “tích hợp”, có thể hiểu nôm na như việc dạy các môn Văn, Sử, Địa… sẽ không có sự tách bạch. Ông có cho rằng đây là một hướng giáo dục phù hợp?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi cho rằng, hướng “tích hợp”, lồng ghép, không tách bạch giữa các môn học có liên quan, chẳng hạn như Văn, Sử, Địa là hợp lý.

Tôi theo dõi giáo dục ở Singapore, từ cấp tiểu học họ chỉ chú ý 3 môn: Toán, Tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Họ đánh giá 3 môn đó và qua cả quá trình học của học sinh. Còn các môn khác về Tự nhiên, Sử, Địa… họ lồng ghép với nhau. Nói như vậy, việc lồng ghép không có nghĩa là coi nhẹ môn nào, mà các môn đó có sự liên quan với nhau. Khi nói về địa lý một đất nước, phải gắn nó với các sự kiện, các nhà văn hóa, anh hùng… Ví dụ, sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ, không hoàn toàn là chỉ nói về Lịch sử, cũng không hoàn toàn về Địa lý hay Văn học, mà khi nói về Điện Biên Phủ, có cả kiến thức về Địa lý, Lịch sử và Văn học. Cách dạy lồng ghép các môn Văn, Sử, Địa, tôi rất tán thành.

PV: Thưa ông, mới đây Hội nghị Trung ương 8 bàn nhiều đến việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đã có Nghị quyết về vấn đề này. Theo ông, đâu là mấu chốt để Nghị quyết đi vào cuộc sống?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi cho rằng,các định hướng nêu ra trong đề án đều tốt và là Đề án tốt nhất về đổi mới giáo dục từ trước đến nay mà tôi đã từng biết.

Tôi cho Đề án đã chỉ ra đúng những tồi tại, hạn chế và phương hướng phát triển toàn diện nền giáo dục. Để Nghị quyết Trung ương đi vào thực tế, cần có những chính sách rất cụ thể. Chẳng hạn như nội dung hoàn thành kiến thức phổ thông, phải quy định rõ là hoàn thành vào hết bậc học phổ thông cơ sở. Lên cấp 3, thì nên hướng học sinh vào cả học để thi Đại học và cả về học nghề. Khi đã định hướng thế rồi, phải phân loại các trường như thế nào, thời gian học cấp 3 như thế nào cũng cần phải cụ thể. Hoặc chẳng hạn, vấn đề công lập và ngoài công lập, phải có chính sách như thế nào để hai loại hình giáo dục này phát triển một cách hài hòa…

Tôi cũng như rất nhiều người dân đang theo dõi và kỳ vọng vào việc cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương về đổi mới phát triển toàn diện nền giáo dục.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là chương trình nghiên cứu so sánh, đánh giá chất lượng giáo dục lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay. PISA được triển khai với mục đích kiểm tra, đánh giá và so sánh trình độ học sinh ở độ tuổi 15.

Chương trình này được tổ chức định kỳ 3 năm một lần (bắt đầu từ năm 2000), và chu kỳ năm 2012 là lần đầu tiên Việt Nam tham gia.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, tập trung vào 3 lĩnh vực là Đọc hiểu, Toán và Khoa học của học sinh ở lứa tuổi 15.

Minh Hòa (Thực hiện)

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast