Nhiều trường học “rớt” chuẩn do cơ sở vật chất xuống cấp

Nhiều năm qua, phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia ở tỉnh ta không chỉ cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp mà còn nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, sau 5 năm đạt chuẩn, toàn tỉnh đã có 45 trường “rớt” chuẩn, trong đó có 15 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 7 trường THCS “rớt” chuẩn vì cơ sở vật chất xuống cấp.

Nỗi niềm… “rớt” chuẩn

Là một trong những trường thuộc vùng sâu, vùng xa, nhưng được sự quan tâm của ngành Giáo dục và các cấp chính quyền địa phương nên Trường Tiểu học Hương Vĩnh (Hương Khê) sớm được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Thế nhưng, sau thời gian đạt chuẩn, do không được tiếp tục đầu tư CSVC, trong lúc các phòng học cấp 4 đang ngày càng xuống cấp nên đến cuối năm học 2012-2013, sau khi kiểm tra lại, Trường Tiểu học Hương Vĩnh đã không giữ được danh hiệu chuẩn mức 2.

Thiên tai, lũ lụt đã tác động không nhỏ đến sự xuống cấp của nhiều trường học ở Hương Khê. Ảnh tư liệu
Thiên tai, lũ lụt đã tác động không nhỏ đến sự xuống cấp của nhiều trường học ở Hương Khê. Ảnh tư liệu

Thầy Lê Công Thảo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong đợt kiểm tra, đánh giá vừa qua, hầu hết các tiêu chuẩn của trường như: cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên (GV) vẫn đạt chuẩn 2... Về chất lượng giáo dục toàn diện: học sinh (HS) giỏi, GV giỏi, xếp loại thi đua..., trường vẫn tiếp tục giữ vững danh hiệu là một trong 3 đơn vị dẫn đầu của huyện. Thế nhưng, điều đáng buồn là việc rớt chuẩn của chúng tôi chủ yếu là lý do CSVC”.

Tương tự, Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên “rớt” chuẩn cũng chỉ vì lý do CSVC, trong khi chất lượng giáo dục vẫn không ngừng được củng cố với 7 GV giỏi tỉnh, 22 GV giỏi huyện; 28 HS giỏi tỉnh và 239 HS giỏi huyện; trường được công nhận là tập thể lao động xuất sắc. Thầy Hoàng Văn Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện tại, trường lớp vẫn đáp ứng nhu cầu dạy và học nhưng do đầu tư manh mún lại có số lượng phòng học cấp 4 nhiều, trong khi yêu cầu mới đòi hỏi CSVC phải được xây dựng kiên cố. Đây cũng là cái khó cho chúng tôi bởi từ 3 năm nay, sau khi bỏ thu tiền xây dựng của HS, việc huy động nguồn lực của nhà trường gặp nhiều khó khăn, các khoản thu thường niên chỉ đủ chi cho những hoạt động sửa chữa nhỏ. Đối với vấn đề CSVC, nhà trường không thể quyết định mà chỉ có vai trò tham mưu”.

Cần một lộ trình bền vững!

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã huy động được trên 500 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng CSVC, nhờ thế, diện mạo các trường học trên địa bàn toàn tỉnh có sự thay đổi, CSVC trường lớp khang trang, chất lượng dạy và học ngày càng chuyển biến. Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh vẫn là một trong số ít tỉnh, thành có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao, cụ thể ở bậc THPT đạt 51,3%; THCS 59,7%, tiểu học hơn 88%, mầm non 48,7%. Thế nhưng, hiện tại, qua kiểm tra lại sau 5 năm, đã có một số trường mất chuẩn do không đạt tiêu chí về CSVC và còn có rất nhiều trường đang đứng trước nguy cơ “rớt” chuẩn.

Trường Tiểu học Cẩm Trung “rớt” chuẩn do cơ sở vật chất xuống cấp. Ảnh tư liệu
Trường Tiểu học Cẩm Trung “rớt” chuẩn do cơ sở vật chất xuống cấp. Ảnh tư liệu

Về vấn đề này, thầy Nguyễn Hồng Tư - Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT cho biết: “Lý do chủ yếu vẫn là một số trường sau khi đạt chuẩn quốc gia đã không được tiếp tục đầu tư về CSVC và củng cố chất lượng đội ngũ, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa. Và hiện tại, một số trường vẫn giữ được danh hiệu chuẩn nhưng vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ mất chuẩn bởi thực tế CSVC dẫu được công nhận nhưng đang ở mức tối thiểu, thiếu tính bền vững. Thêm một thực tế đáng quan tâm là hiện tại, một bộ phận GV tuy đạt chuẩn đào tạo cao nhưng chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo sách giáo khoa. Vì thế, việc thường xuyên bồi dưỡng, học tập, nghiên cứu để có thể chuyển tải được kiến thức trong sách giáo khoa đến HS có hiệu quả cũng là một đòi hỏi cấp bách”.

Thực tế cho thấy, đối với vấn đề xây dựng trường chuẩn, ngoài sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương thì các nhà trường cũng cần tham mưu và xây dựng cho mình kế hoạch bền vững, nếu không, nguy cơ mất chuẩn sẽ cận kề. Đơn cử như Hương Khê, trước đây là một trong những điểm sáng của toàn tỉnh trong phong trào xây dựng trường chuẩn. Tuy nhiên, do đầu tư thiếu vững chắc, chủ yếu các phòng học, phòng chức năng được xây dựng bổ sung là phòng cấp 4, bên cạnh đó, quy mô trường manh mún, nhỏ lẻ, nội thất mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của chuẩn. Sau khi đạt chuẩn, việc huy động nguồn lực, đầu tư CSVC cho các nhà trường trên địa bàn ngày càng hạn chế nên theo thời gian, CSVC trường lớp ngày càng xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Năm học vừa qua, Hương Khê có 4 trường tiểu học (2 trường chuẩn mức độ 1 và 2 trường chuẩn mức độ 2), 1 trường mầm non không giữ được danh hiệu chuẩn.

Thầy Nguyễn Ngọc Lạc – Trưởng phòng THPT Sở GD-ĐT cho biết thêm: “Trong năm học mới này, quy chế đánh giá trường chuẩn sẽ áp dụng theo tinh thần Thông tư 47 của Bộ GD-ĐT nên yêu cầu đòi hỏi cao hơn. Thực tế trên địa bàn tỉnh ta, các tiêu chuẩn về quy mô trường lớp, các tổ chuyên môn; chất lượng đội ngũ; công tác xã hội hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu. Chỉ có 2 tiêu chuẩn CSVC (các khối công trình, phòng học, phòng chức năng, bộ môn, thiết bị dạy học, thư viện...) và chất lượng giáo dục (tỷ lệ HS giỏi...) khó thực hiện. Vì thế, để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, đồng thời để “giữ” chuẩn, ngoài việc tăng cường tham mưu cho chính quyền địa phương đầu tư CSVC, các nhà trường cũng cần đổi mới trong công tác giảng dạy”.

Việc đầu tư CSVC, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu dạy và học ngày càng cao tại các trường chuẩn quốc gia ở một số địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân một phần do ngân sách hạn hẹp, cấp ủy, chính quyền sở tại còn thiếu sự quan tâm và các nhà trường chưa chủ động trong công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch củng cố CSVC cho từng năm học. Trước yêu cầu ngày càng cao, nhất là các tiêu chí đánh giá chất lượng trường chuẩn sẽ được áp dụng trong năm học này, thì các nhà trường, các địa phương cần tăng cường đầu tư CSVC để tránh nguy cơ “rớt” chuẩn, đồng thời không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, củng cố đội ngũ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast