Những cô nuôi “4 trong 1”...

(Baohatinh.vn) - Có một nghề dạy học mà giáo viên không đứng trên bục giảng. Họ là những người đi dạy nhưng chưa bao giờ có khái niệm nghỉ hè; họ dạy cho học trò của mình những kỹ năng đơn giản nhất mà lẽ ra đứa trẻ bình thường nào cũng biết... Đó là nghề của người dạy trẻ tự kỷ.

Những cô nuôi “4 trong 1”... ảnh 1

Từ khi bước chân vào “môi trường sư phạm” này, các cô đã coi đó là tấm lòng, sự sẻ chia

Từ tháng 4/2014, Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh trở thành “trường học” duy nhất cho hàng chục em nhỏ mắc chứng tự kỷ trên địa bàn toàn tỉnh. “Nếu với trẻ bình thường, một hoạt động hướng dẫn trong vài lần là các em có thể làm theo được ngay, thì với những trẻ mắc chứng tự kỷ, các cô phải hướng dẫn đến hàng trăm lần, thậm chí, hướng dẫn cả tháng trời cũng chỉ mới biết những cử chỉ, bài học đơn giản” - chị Nguyễn Thị Diễm Hương, một “giáo viên” tại Khoa Vật lý trị liệu cho biết.

Không như những giáo viên bình thường khác, mỗi tiết dạy 45 phút cho một lớp hàng chục học sinh, thì ở đây, mỗi “tiết dạy” của các cô kéo dài 40 phút cho 1 em duy nhất, mỗi ngày tối đa các cô dạy 11 em. Và để “lên lớp”, các cô phải đóng vai trò “4 trong 1”: vừa là mẹ, là cô giáo mầm non, lại vừa là người bạn, là bác sỹ chữa bệnh không dùng thuốc.

Không chỉ thế, mỗi trẻ tự kỷ có một biểu hiện riêng biệt, có hành vi và nhận thức khác nhau, bởi vậy, không thể soạn chung một “giáo án” cho tất cả các em mà với mỗi em, các cô lại có một bài giảng, kế hoạch riêng, với các bài tập từ đơn giản đến phức tạp: nhận biết màu sắc, chơi đồ vật phối hợp nói, dạy chào - hỏi…

Khi được hỏi về những vất vả, khó khăn trong dạy trẻ tự kỷ, các “cô giáo” ở Khoa Vật lý trị liệu đều cười thay cho câu trả lời. Cười vì không biết nói như thế nào cho người khác hiểu được công việc các cô đang làm hàng ngày. Cười vì những tình huống, công việc mà không một giáo án nào có thể lường trước được để hướng dẫn. Cười vì họ đã quen với những vất vả và từ khi bước chân vào “môi trường sư phạm” này, các cô đã coi đó là tấm lòng, sự sẻ chia và cả tâm huyết.

Chị V.T.H (quê Nghi Xuân), có con theo học tại đây chia sẻ: “Dù cố gắng nhưng nhiều lúc tôi vẫn không thể kiên nhẫn bên con, tập cho con từng động tác một. Từ khi đến đây, được các cô ân cần giúp đỡ, kiên nhẫn chỉ bảo, con tôi tiến bộ từng ngày. Nay, cháu đã biết chào bố mẹ, ông bà và không còn tự chơi một mình nữa…”.

Về công tác tại Khoa Vật lý trị liệu, phòng chăm sóc trẻ tự kỷ từ những ngày đầu thành lập, cô Phan Thị Thủy chia sẻ: “Việc dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã khó, với trẻ tự kỷ khó gấp nhiều lần vì các bé không hiểu những điều người khác nói. Vì vậy, bên cạnh những phương pháp khoa học, chúng tôi tâm niệm “cần có nhiều hơn một tấm lòng với trẻ”. Để việc dạy được hiệu quả hơn, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Qua hàng tháng trời ròng rã chỉ bảo, chỉ cần các em có một sự chuyển biến tốt dù rất nhỏ như biết gọi tên cô, biết giơ tay chào… đã là món quà lớn, tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến với nghề đặc biệt này”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Diện - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: “Ban đầu, chúng tôi thành lập 2 phòng chăm sóc trẻ tự kỷ với 2 cô giáo, đến nay, đã phát triển lên 4 phòng với 4 cô giáo, luôn đảm bảo điều kiện tốt nhất trong chăm sóc trẻ. Sắp tới, bệnh viện tiếp tục đầu tư về con người; dự kiến tuyển dụng chuyên sâu về ngôn ngữ trị liệu, mua sắm trang thiết bị cần thiết, xây dựng khu chuyên biệt với các phòng học theo đúng chuẩn…, hướng phát triển theo mảng chăm sóc phục hồi chức năng nhi để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast