Những điểm thí sinh cần lưu ý trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT

Đây là kỳ thi quan trọng nhất của thí sinh khi kết quả thi không chỉ dùng để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông mà còn để xét tuyển Đại học, Cao đẳng.

Những điểm thí sinh cần lưu ý trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT

Thí sinh được đo thân nhiệt khi vào điểm thi trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: TTXVN.

Ngày mai, 7/7, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) đợt 1 năm học 2020-2021. Đây là kỳ thi cuối cùng của thí sinh sau 12 năm đèn sách ở bậc phổ thông, cũng là kỳ thi quan trọng nhất khi kết quả thi không chỉ dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà còn để xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Dưới đây là một số điểm thí sinh cần lưu ý để đảm bảo kỳ thi an toàn, hiệu quả:

1. Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch

Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì thế, Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia, mục tiêu quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho thí sinh và cán bộ coi thi cũng như đảm bảo kỳ nghiêm túc, công bằng.

Theo đó, thí sinh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh như thực hiện khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào điểm thi. Nếu có biểu hiện sức khỏe bất thường, thí sinh cần báo ngay cho cán bộ coi thi biết để được hướng dẫn kịp thời.

Những điểm thí sinh cần lưu ý trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT

Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: TTXVN.

2. Các vật dụng được mang vào phòng thi

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, thước kẻ, thước tính, tẩy, máy tính bỏ túi , Atlat địa lý Việt Nam (trong buổi thi có môn Địa lý), máy ghi âm, máy ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không truyền phát hoặc nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp.

Thí sinh không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền thông tin hoặc chứa thông tin.

Những điểm thí sinh cần lưu ý trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT

3. Các loại máy tính bỏ túi được phép sử dụng

Theo hướng dẫn danh sách một số máy tính bỏ túi mà thí sinh được mang vào phòng thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về nguyên tắc chung, máy tính phải không có chức năng soạn thảo văn bản; không có thẻ nhớ để lưu trữ dữ liệu và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp.

Cụ thể, một số máy tính bỏ túi thông dụng được phép mang vào phòng thi gồm: Casio FX-500 MS, FX-570 MS, FX-570ES Plus, FX-570VN Plus, FX- 580VN X; VinaCal 500MS, 570MS, 570ES Plus, 570ES Plus II, 570EX Plus, 680EX Plus; Catel NT CAVIET NT-570ES Plus II, NT-570ES Plus, NT-500MS, NT- 570VN Plus, NT-580EX, NT-570NS, NT-690VE X; Thiên Long FX590VN Flexio, FX680VN Flexio; Deli W1710, WD991ES; Eras E370, E371, E372, E380; Vinaplus FX-580VNX PLUS II, FX-580 X; các máy tính bỏ túi tương đương đáp ứng theo quy định.

4. Đặc biệt lưu ý với điện thoại di động

Một trong các nguyên nhân khiến thí sinh bị đình chỉ thi nhiều nhất trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua là việc mang điện thoại vào phòng thi. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh không được mang thiết bị có khả năng truyền tin, chứa dữ liệu vào phòng thi, kể cả khi thiết bị đó không hoạt động.

Theo đó, kể cả khi điện thoại đã tắt nguồn, nếu thí sinh mang vào phòng thi sẽ vẫn bị xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất là đình chỉ thi.

5. Giữ tâm lý bình tĩnh

Do tính chất quan trọng của kỳ thi nên theo các chuyên gia tâm lý, việc thí sinh cảm thấy hồi hộp, lo lắng là tâm lý thường thấy. Điều này dễ ảnh hưởng tiêu cực đến bài làm của thí sinh, nhất là khi gặp một câu hỏi khó.

Vì thế, thí sinh cần giữ bình tĩnh để có thể làm tốt bài thi. Các giải pháp giảm thiểu căng thẳng đơn giản nhưng hiệu quả được nhiều chuyên gia chỉ ra là hít thở sâu và chậm, giữ tinh thần lạc quan.

Khi nhận được đề thi, thí sinh phải cẩn trọng kiểm tra số tờ, số câu hỏi để đảm bảo đề thi đúng môn thi và đủ số tờ, ghi họ và tên, số báo danh lên đề thi.

6. Không bỏ trống đáp án

Đề thi được sắp xếp câu hỏi theo thứ tự từ dễ đến khó nên thí sinh có thể làm bài theo trình tự câu hỏi của đề thi. Nếu gặp câu hỏi khó, thí sinh có thể đánh dấu ra giấy nháp để tạm thời làm các câu hỏi tiếp theo. Trong trường hợp không giải được câu hỏi khó, thí sinh có thể dùng phương án loại trừ. Nếu không thể tìm ra đáp án đúng trong bài thi trắc nghiệm, thí sinh có thể đánh dấu đáp án “cầu may” để tận dụng tối đa cơ hội gỡ điểm, không nên bỏ trống câu trả lời.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT bao gồm 5 bài thi với 9 môn, trong đó chỉ duy nhất môn Ngữ văn theo hình thức tự luận, tất cả các bài thi, môn thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm.

Những điểm thí sinh cần lưu ý trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT

Cẩn thận... "lệch tủ"

Các giáo viên cho rẳng thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cận kề, tại một số địa phương dịch bệnh lại diễn biến khó lường nên các thí sinh rất dễ có tâm lý căng thắng, lo âu. Phụ huynh nên động viên, nhắc nhở con em mình thực hiện đúng khuyến cáo của ngành y tế về các biện pháp phòng bệnh, ở nhà nghỉ ngơi, ôn bài kết hợp thư giãn để tự tin bước vào kỳ thi.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, lưu ý các thí sinh trên địa bàn đang là “điểm nóng” của dịch COVID-19: Sau khi đươc xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 thì các thí sinh nên hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra ngoài, luôn ở nhà để giữ gìn sức khỏe và chuẩn bị chu đáo cho ngày thi.

Còn theo Tiến sỹ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, tại một số nơi dịch bệnh còn phức tạp, các thí sinh thay vì lo lắng thì nên yên tâm vì ngành giáo dục, y tế đang nỗ lực và chuẩn bị những điều kiện chu đáo nhất để đảm bảo an toàn cho thí sinh trong kỳ thi. Các em nên tập trung cao nhất cho sự chuẩn bị về sức khỏe, tinh thần, tạo tâm thế thoải mái khi bước vào kỳ thi. Sự cổ vũ, động viên của phụ huynh và thầy cô trong lúc này cũng sẽ tiếp thêm năng lượng tích cực cho mỗi thí sinh trong kỳ thi ở thời điểm có phần đặc biệt này.

Cũng theo Tiến sỹ Đào Lê Hòa An, trong thời đại công nghệ thông tin, một số thí sinh trước kỳ thi đã tiếp cận và tin theo những thông tin “nhiễu”, không chính xác, những lời đồn đại trên mạng xã hội liên quan đến nội dung đề thi. Sau đó, các em lo âu và đến sát ngày thi vẫn dồn hết tâm trí để ôn bài theo... lời đồn, dẫn đến hậu quả là khi bước vào phòng thi thì mệt mỏi do thiếu ngủ hay có tâm lý chán nản do ôn “lệch tủ” khi làm bài.

Ôn bài một cách khoa học và nghỉ ngơi hợp lý trước ngày diễn ra kỳ thi, tỉnh táo, bình tĩnh trong tiếp nhận thông tin là điều cần thiết để các thí sinh tự tin, thoải mái tâm lý bước vào kỳ thi.

Theo VTV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast