Những tấm lòng nhiệt huyết với học trò

(Baohatinh.vn) - Dạy học là một nghề cao quý trong những nghề cao quý, được xã hội coi là “kỹ sư tâm hồn”. Tuy nhiên, để có thể làm tròn sứ mệnh cao cả đó, đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức và tri thức, say mê, mẫu mực, không ngừng học hỏi và sáng tạo. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chúng tôi xin giới thiệu một số tấm gương tiêu biểu và tâm sự của họ về nghề...

Nhà giáo nhân dân Bùi Thân: "Dành cho học sinh cả tấm lòng"

Trong suốt 40 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng; 23 năm tiếp tục góp sức mình vào sự phát triển chung của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà khi tham gia các tổ chức hội như: khuyến học, cựu giáo chức… Nhà giáo nhân dân Bùi Thân đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy. Với ông, đức tính đáng quý nhất của người thầy chính là dành cho học sinh (HS) bằng tất cả tấm lòng.

Những tấm lòng nhiệt huyết với học trò ảnh 1

Nhà giáo nhân dân Bùi Thân

Ông tâm sự: “Tôi đã từng đến nhiều miền quê trên địa bàn để dạy học. Sống trong hoàn cảnh khó khăn, tôi càng cảm phục những tấm lòng của người dân. Họ thà đói cơm nhưng không để con đói chữ. Chính vì thế, chúng tôi luôn được các bậc phụ huynh quý trọng, được sống trong sự bao bọc của nhân dân. Kính phục sự hy sinh của những người làm cha, làm mẹ; yêu mến sự hiếu học của học trò nên tôi rất thương HS, đến với các em bằng cả tấm lòng”.

Trong câu chuyện về quãng đời dạy học của mình thời chiến tranh, ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm khó quên về lớp học ở Trường cấp I Thạch Tân (Thạch Hà) với những HS có độ tuổi bằng thầy giáo, về tấm gương một cậu học trò vì hoàn cảnh phải bỏ học nhưng đã được thầy vận động trở lại lớp để viết tiếp ước mơ của mình… Cũng vì tình thương dành cho HS nên suốt 40 năm đứng trên bục giảng, Nhà giáo nhân dân Bùi Thân vẫn luôn trăn trở về trách nhiệm của người thầy.

Ông cho rằng, trình độ của bản thân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học hỏi của HS, vì thế, trong suốt cuộc đời mình, với thầy giáo Bùi Thân là những chuỗi ngày tự học, rèn luyện, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 77 tuổi, khi tham gia Hội Cựu giáo chức tỉnh, ông vẫn quyết tâm theo học lớp tin học tại Nghệ An để có thể tự mình cập nhật tin tức, những vấn đề thời sự nóng hổi trên các trang thông tin điện tử.

Gần 84 mùa xuân, với Nhà giáo nhân dân Bùi Thân, hành trang trong cuộc đời nhà giáo không chỉ là sự trưởng thành của các thế hệ học trò, niềm vui còn được nhân lên khi những ngày lễ tết, căn nhà nhỏ trong vườn cây xanh mát của thầy ở xóm La Xá, Thạch Lâm (Thạch Hà) luôn rộn ràng tiếng cười nói của HS cũ - những người vẫn luôn nhớ đến tình cảm, tấm lòng ấm áp và sự quan tâm của thầy.

Nhà giáo lão thành Phan Tử Bạt: “Thế sự xoay vần, lòng vẫn sáng”

86 tuổi đời, 65 tuổi Đảng, từng kinh qua nhiều chức vụ trong ngành giáo dục, về hưu vẫn say sưa giảng dạy và phiên dịch tiếng Pháp, sáng tác thơ, sinh hoạt văn nghệ, thầy giáo Phan Tử Bạt được nhiều người biết đến là một nhà giáo mẫu mực, say mê và tài hoa. Dù tóc bạc, da mồi, chân bước run run, trí nhớ có phần giảm sút, nhưng khi nhắc đến những ngày đứng trên bục giảng, một sinh lực mới như ùa về trong đôi mắt còn tinh anh của thầy.

Những tấm lòng nhiệt huyết với học trò ảnh 2

Nhà báo Bùi Minh Huệ - Phó TBT Báo Hà Tĩnh trò chuyện cùng thầy Bạt

“Năm 1950, tôi dạy tiểu học ở xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh), đến năm 1952 thì được cử đi học Khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Năm 1959, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công dạy học ở Trường Sư phạm Cấp 2 Thái Bình, sau 1 năm thì chuyển về dạy ở Trường Sư phạm Hà Tĩnh, rồi làm Hiệu trưởng Trường Cấp 2 Thanh Việt. Từ năm 1963-1965, tôi làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp 2 thị xã Hà Tĩnh, sau đó làm việc ở Phòng Giáo dục thị xã, rồi giữ chức Trưởng phòng Giáo dục thị xã cho đến ngày nghỉ hưu.

Sau khi nghỉ hưu, tôi có điều kiện ôn lại vốn tiếng Pháp của mình. Năm 1994, Hội Huynh đệ Việt Pháp do Việt kiều Pháp và tỉnh Côt-đa-mo tài trợ có nhiều hoạt động tại Hà Tĩnh như hỗ trợ nuôi bò và chế biến sữa tươi, đào tạo kỹ sư cho Hà Tĩnh, dạy tiếng Pháp… Nhờ vốn tiếng Pháp, tôi đã làm phiên dịch cho các đoàn Pháp sang Hà Tĩnh và đoàn Hà Tĩnh đi Pháp. Trung tâm Sa-tô-bri-ăng do tôi phụ trách đã tổ chức nhiều lớp giảng dạy tiếng Pháp miễn phí.

Yêu nghề nên tôi tham gia lên lớp chứ khi đó phụ cấp rất ít ỏi. Nhiều học viên đến nhà tôi học thêm, tôi nhiệt tình bày vẽ cho họ. Theo tôi, yêu nghề là yếu tố quan trọng hàng đầu của người giáo viên. Nhờ tình yêu với nghề giáo mà tôi vượt qua khó khăn đời thường, hướng các con vào ngành sư phạm. Muốn giảng dạy tốt thì phải không ngừng trau dồi kiến thức, nếu không sẽ bị mai một”.

Bước qua tuổi bát tuần, thầy giáo Phan Tử Bạt vẫn sôi nổi tham gia hoạt động của Hội Cựu giáo chức và sáng tác rất nhiều thơ. Thầy đã được Hội Cựu giáo chức tỉnh suy tôn danh hiệu Nhà giáo vẻ vang. Bốn câu thơ sau đây của thầy có thể coi là phương châm cho lớp trẻ hôm nay: Mênh mông biển học đâu bờ bến/ Lai láng tình thơ mãi tràn đầy/ Thế sự xoay vần, lòng vẫn sáng/ Lời ca muôn thuở vọng về đây.

Cô Nguyễn Thị Kim Cúc - GV Trường MN xã Sơn Thọ: Quan trọng nhất là phải yêu nghề, yêu trẻ

Là một giáo viên (GV) mang sứ mệnh trồng người, bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ thật tốt thì quan trọng là tình yêu nghề, yêu trẻ. Nếu không có cái tâm và lòng nhiệt huyết với nghề thì chắc chắn mỗi giờ lên lớp chỉ là trách nhiệm chứ không phải là niềm vinh dự của một GV. Đó là tâm niệm và là phương châm luôn được cô Nguyễn Thị Kim Cúc áp dụng trong những năm tháng gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Cô Nguyễn Thị Kim Cúc trong một giờ dạy vẽ với các trò

Cô Nguyễn Thị Kim Cúc trong một giờ dạy vẽ với các trò

Khác với các cấp học khác, cấp học mầm non là giai đoạn bắt đầu hình thành nhân cách của trẻ, mọi lời nói, cử chỉ của GV sẽ ăn sâu vào tâm hồn, tiềm thức các em. Đặc biệt, hiện nay, khi những GV mầm non phải đi sớm, về muộn, buổi trưa lại không được về nhà nên việc chăm sóc gia đình càng trở nên khó khăn, áp lực hơn. Nếu GV không có tình yêu nghề, yêu trẻ, không có khả năng vượt qua áp lực thì thật khó để hoàn thành vai trò một người cô, người mẹ của các em.

“Tôi may mắn khi được sống trong một tập thể sư phạm giàu tính sáng tạo và được giảng dạy với những người đầy tâm huyết cùng sự cảm thông, chia sẻ và ủng hộ của gia đình, niềm tin yêu của phụ huynh. Chính những điều đó đã thúc giục tôi phải không ngừng học tập, sáng tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng giáo dục thế hệ trẻ - tương lai của đất nước” - cô Cúc tâm sự.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast