Niềm vui mái trường tuổi lên mười

Trường Trung học Phổ thông Mai Thúc Loan khai giảng năm học đầu tiên đúng dịp kỷ niệm 71 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12.9.2001) với 9 lớp, 450 học sinh. Có 22 giáo viên, trong đó 6 giáo viên điều chuyển các trường đến, số còn lại là sinh viên mới ra trường. Đến nay, sau mười năm thành lập, trường có 36 lớp, 1.724 học sinh, có tập thể sư phạm 86 cán bộ quản lý và giáo viên, là một trong những trường có quy mô lớn của tỉnh.

Một góc Trường Mai Thúc Loan. Ảnh Thanh Bình
Một góc Trường Mai Thúc Loan. Ảnh Thanh Bình

Các phong trào thi đua trong trường ngày càng thực chất và có chiều sâu. Cấp uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường rất chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, từ yêu cầu chuẩn hoá về kiến thức và đổi mới phương pháp giảng dạy, tình yêu nghề nghiệp và trách nhiệm đối với sự nghiệp trồng người.

Tuy tuổi đời và tuổi nghề của tập thể sư phạm nhà trường còn rất trẻ (tuổi đời bình quân là 30, chỉ có 6/86 giáo viên tuổi trên 45, tuổi nghề bình quân 7-8 năm, nhưng 100% giáo viên đã đạt chuẩn về trình độ, trong đó có 7 giáo viên đạt trên chuẩn. Đội ngũ được phân bổ khá đồng bộ về cơ cấu, vững về chuyên môn. Số giáo viên từng trải không nhiều nhưng là những hạt giống để bồi đắp kinh nghiệm và trí tuệ cho lớp trẻ.

Đội ngũ giáo viên trẻ thực sự cầu thị, yêu nghề, ham học hỏi, tự giác xây dựng các chuyên đề và phát huy sáng kiến trong giảng dạy. Mỗi tổ tối thiểu có 8 chuyên đề trong một năm học, có nhiều sáng kiến được xếp bậc cao trong ngành. Nhiều thầy cô giáo trẻ trưởng thành khá nhanh như Thầy Lê Phong, Cô Lê Thị Tịnh ...

Cơ sở vật chất trường học không ngừng được tăng cường, trước hết là công tác quy hoạch và lộ trình bước đi xây dựng cơ sở vật chất được bàn bạc dân chủ, tranh thủ được sự chỉ đạo, góp ý của cấp uỷ, chính quyền các cấp và được công khai hoá. Phương châm đề ra là công trình nào ít vốn, làm nhanh thì thi công trước, cái khó làm sau đúng theo quy hoạch và định vị đã được bàn bạc. Với cách làm đó, chưa đầy 2 tháng, kể từ ngày HĐND Tỉnh có nghị quyết thành lập trường, ngôi nhà nội trú 10 gian xây tường, lợp ngói đã hoàn thành, được sử dụng làm 5 phòng học cho 9 lớp đầu tiên của trường, tiếp đó làm nhà thư viện thiết bị, xây phòng học.

Hiện nay trường đã có 36 phòng học và 8 phòng thực hành cao tầng với tổng diện tích 2.460m2, được xây dựng trên khuôn viên 32.840m2. Ngoài nguồn vốn của nhà nước, nhà trường thực hiện phương châm xã hội hoá việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị xã hội và phụ huynh học sinh đóng góp bằng tiền và vật liệu, ngày công, cây cảnh, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập ... Việc nâng cấp mặt bằng khuôn viên trường cũng thể hiện sự năng động đó, với phương châm "Kiến tha lâu đầy tổ", trường động viên mỗi em góp 2 xe công nông đất cát, mỗi năm đã có hàng ngàn khối đất, nhờ đó khuôn viên trường được nâng cao, sân trường được lát gạch, trồng cây rất quy cũ, tạo môi trường sư phạm lành mạnh.

Các tổ chức chính trị - xã hội trong trường hoạt động có nề nếp. Chi bộ Đảng có 29 đảng viên, bằng 41% tổng số cán bộ giáo viên của trường. Mỗi năm chi bộ phát triển từ 6-8 đảng viên mới, trong 7 năm đã kết nạp 30 đoàn viên ưu tú, là học sinh lớp 12 vào Đảng. Hai năm gần đây kết nạp 13 đảng viên là học sinh, nhiều em rất chững chạc bước vào đời. Hoạt động của các đoàn thể đã tạo sự gắn kết trách nhiệm giữa đoàn viên với tổ chức, đã tham mưu cho lãnh đạo nhà trường trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý chuyên môn, kết hợp 3 môi trường giáo dục, chăm lo đời sống giáo viên và phong trào thi đua trong trường học.

"Thương hiệu" của một trường học được khẳng định trước hết là chất lượng và hiệu quả của giáo dục. Sản phẩm đó được lớn dần theo năm tháng ở trường THPT Mai Thúc Loan. Từ "mẻ thép" đầu tiên ra là năm học 2003-2004 có 95 % em tốt nghiệp, trong đó có hơn 49 em thi đỗ đại học. Đến nay chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên, tỷ lệ thi đỗ vào đại học cao đẳng năm thấp nhất là 29,2%, năm cao (2008) có 255 em, bằng 40,3% số học sinh khối 12, thường xếp thứ 8-9 trong 46 trường THPT toàn tỉnh. Năm học 2006 có 5 em đỗ vào đại học đạt điểm từ 26-30 điểm, em Phạm Ngọc Thắng đậu thủ khoa trường Kinh Tế Quốc Dân với điểm tuyệt đối 30. Năm học 2010 - 2011, có 65 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, xếp thứ 6 trên tổng số 46 trường, riêng học sinh giỏi khối 10-11 xếp thứ 3 sau trường chuyên của tỉnh và trường Minh Khai (Đức Thọ). Nhiều năm liền chi bộ đạt vững mạnh xuất sắc. Niềm vui đến với thầy, trò nhà trường ở tuổi lên mười là trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia (14 trong tổng số 46 trường THPT toàn tỉnh).

Thầy Nguyễn Công Huyền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thành quả đạt được của trường bắt nguồn từ chủ trương xã hội hoá và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của cấp uỷ huyện, từ sự nổ lực phấn đấu không mệt mỏi và đầy sáng tạo của tập thể sư phạm nhà trường, nhưng có một yếu tố không thể không nói đến như , đó là nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân trong vùng về yêu cầu nâng cao dân trí. Sáu xã có 4,5 vạn dân, là vùng đất học nhưng không có trường THPT, con em phải đi học các trường ngoài huyện, tỷ lệ học sinh được vào THPT trên dưới 50%, số còn lại không được đến trường là nỗi lo của bao gia đình và xã hội. Do đó mọi người đồng tâm nhất trí chủ trương xây dựng trường.

Xã Thạch Châu không những đã cắt hơn 6 ha đất vùng trung tâm để xây dựng 2 trường huyện mà còn động viên Nhân dân huy động mọi nguồn lực giúp sức xây dựng trường. Anh Nguyễn Tiến Tám - Bí Thư, kiêm Chủ Tịch Xã Thạch Châu tâm sự "Xã nghèo thật và còn nhiều việc phải đầu tư trong lộ trình xây dựng điểm nông thôn mới, nhưng vì sự học của con em, chúng tôi không tiếc công sức, tiền của".

Kỷ niệm 10 năm thành lập trường với niềm vui, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt các thầy cô giáo và các thế hệ học sinh của trường. Họ mừng vui và trân trọng với những kết quả đã đạt được, họ mừng vì những viên ngọc được rèn dũa từ mái trường này sẽ được đơm hoa, kết trái, sẽ đem lại hạnh phúc cho đời và cho đất nước./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast