Nỗi lòng… cô nuôi

(Baohatinh.vn) - Mỗi ngày làm việc hơn 10 tiếng, bắt đầu từ 6h30’ và kết thúc khi các cháu đã được đón về nhà, nhưng với nguồn thu nhập bình quân chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng (được trích từ nguồn thu của các bậc phụ huynh là chính) nên đời sống của cô nuôi tại các trường mầm non trên địa bàn toàn tỉnh hết sức khó khăn.

Nỗi buồn… thu nhập

Cô giáo Nguyễn Thị Luyện - Hiệu trưởng Trường Mầm non Gia Hanh (Can Lộc) dẫn chúng tôi ra vườn hoa, vườn rau xanh và cho biết: “Những công trình màu xanh này đều do bàn tay, công sức của các cô nuôi chăm sóc. Những vườn hoa, cây cảnh không chỉ tạo cảnh quan thân thiện trong trường học mà còn là môi trường lý tưởng cho các cháu trong những giờ học ngoài trời. Còn vườn rau xanh tốt kia cũng góp phần không nhỏ bổ sung vitamin trong mỗi bữa ăn cho các cháu”.

Để phục vụ nhu cầu ăn bán trú cho 336 học sinh học ở 2 phân hiệu, Trường Mầm non xã Gia Hanh mới được UBND xã đồng ý cho hợp đồng lên 6 cô nuôi - trước đây chỉ có 3 cô. Mỗi ngày làm việc của các cô tính ra hơn 10 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 6h30’ sáng đến khi các cháu đã được các bậc phụ huynh đón về nhà.

Giờ vui chơi của các cháu trường Mầm non xã Sơn Trường (Hương Sơn)
Giờ vui chơi của các cháu trường Mầm non xã Sơn Trường (Hương Sơn)

Cô nuôi Phạm Thị Tuyến cho biết: “Gắn bó với nhà trường đã được 2 năm nay, với thu nhập mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 1.150.000 đồng nên đời sống của chúng em rất vất vả. Mặc dù vậy, tất cả đều vì lòng yêu trẻ, yêu công việc nên mọi người đều động viên nhau cố gắng hết mình để các cháu có được những bữa ăn ngon, nóng ấm, đủ dinh dưỡng và đảm bảo VSATTP. Chúng em chỉ mong được cấp trên quan tâm tạo điều kiện được đóng bảo hiểm để yên tâm công tác”.

Cũng bắt đầu một ngày làm việc từ tờ mờ sáng, các cô nuôi ở Trường Mầm non xã Thạch Bằng (Lộc Hà) có mặt ở trường với công việc vệ sinh trường lớp, nhận thực phẩm, đi chợ rồi chế biến các món ăn trong ngày cho trẻ. Để có được bữa ăn đảm bảo VSATTP, đủ dinh dưỡng, phù hợp với số tiền quy định, thực đơn trong tuần không trùng nhau với tập thể các cô nuôi, đó là một nỗ lực lớn. Thế nhưng, với mức thu nhập khiêm tốn hơn 1 triệu đồng/tháng, cuộc sống thường nhật của các cô nuôi đang còn nhiều thiếu thốn.

Trong số 8 cô nuôi, có những cô gắn bó với nhà trường từ năm 1997 nhưng khó khăn nhất có lẽ là hoàn cảnh của cô Nguyễn Thị Thúy, năm nay đã 55 tuổi, từng là cô giáo đứng lớp trông trẻ. Được biết, nhiều năm liền, cô Thúy đạt giáo viên giỏi huyện, tỉnh, nhưng đến tuổi nghỉ hưu thì không đủ năm đóng bảo hiểm, bởi thế, cô đã xin nhà trường cho làm hợp đồng thêm 2 năm nữa để có tiền trang trải các khoản.

Cô Thúy tâm sự: “Khi làm cô nuôi mới thấy công việc này không hề đơn giản và rất cực nhọc. Để có được một bữa ăn cho các cháu, các cô nuôi phải tất bật với biết bao công việc không tên. Nhất là những bữa trưa - sau khi nấu cơm xong, chúng tôi còn phải phụ giúp các cô đứng lớp cho trẻ ăn, sau đó rửa chén bát, lau dọn nhà bếp sạch sẽ rồi lại chuẩn bị cho bận ăn phụ vào nửa buổi chiều. Có những ngày đến 1h chiều, chúng tôi mới được ăn bữa trưa. Lúc ấy, thức ăn đã nguội ngắt, có cô phải ăn mì tôm qua bữa”.

Tại Trường Mầm non xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên), mỗi ngày làm việc của cô nuôi Nguyễn Thị Yến cũng bắt đầu từ hơn 6h sáng. Do kinh phí hạn hẹp, trường chỉ mới hợp đồng được 1 cô nuôi nên với Yến trách nhiệm càng nặng nề hơn. Cô chia sẻ: “Niềm vui của em là được sự hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường và các cô đứng lớp trong việc chuẩn bị bữa ăn cho các cháu, chứ mình em dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể làm hết việc. Nguồn thu 1,2 triệu đồng/ tháng không đủ để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày như xăng xe, điện thoại và các việc hiếu hỉ. Cũng may là em đang ăn cơm nhờ bố mẹ nên còn đỡ đôi phần. Nhưng về lâu dài, khi có gia đình thì không biết lấy gì để đảm bảo cuộc sống”.

Cần sự quan tâm từ nhiều phía

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 208 trường mầm non công lập và 54 trường bán công (chưa kể 3 trường tư thục) với tổng số 66.718 trẻ. Nếu theo quy định 50 trẻ/cô nuôi thì toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 cô nuôi. Các cô khi được nhận vào hợp đồng tại các trường mầm non đều có bằng cấp đạt chuẩn theo quy định (trung cấp nuôi dưỡng, hoặc sư phạm mầm non kèm theo chứng chỉ cô nuôi) và có sức khỏe đảm bảo. Có bằng cấp, tâm huyết, hết mình vì công việc, nhưng đời sống của các cô nuôi vẫn còn muôn vàn thiếu thốn.

Vai trò của cô nuôi trong các trường mầm non hết sức quan trọng
Vai trò của cô nuôi trong các trường mầm non hết sức quan trọng

Về vấn đề này, cô Lưu Thị Hằng Phương - Phó trưởng phòng Mầm non (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) chia sẻ: “Vai trò của cô nuôi trong các trường mầm non hết sức quan trọng, chúng tôi cũng chia sẻ và luôn trăn trở với những khó khăn trong đời sống của các cô. Thế nhưng, đây là tình trạng chung của cả nước nên cũng chỉ biết động viên các cô”.

Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã có rất nhiều chính sách quan tâm đến giáo dục, trong đó có cả vấn đề đời sống cho giáo viên mầm non, nhưng đời sống cô nuôi vẫn chưa được đề cập. Hiệu trưởng Trường Mầm non Gia Hanh cho biết: “Chúng tôi thương lắm nhưng chẳng biết làm sao. Với khả năng của mình, chúng tôi chỉ biết chia sẻ những phần quà ít ỏi trong các ngày lễ tết. Chỉ mong sao cấp trên có chính sách quan tâm để đời sống của các cô nuôi bớt phần khó khăn”.

Ở Trường Mầm non Thạch Bằng, cứ đến mỗi kỳ nhận lương, Ban giám hiệu nhà trường lại trích ra mỗi người một ít để các cô thêm vào mua sữa cho con. Cô Nguyễn Thị Hằng - Phó hiệu trưởng nhà trường xúc động: “Thương nhất là cô Nguyễn Thị Thúy, mỗi lần nhận lương là cô lại rưng rưng nước mắt, bởi sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm chỉ còn lại 200.000 đồng. Mỗi lần như thế, Ban giám hiệu chúng tôi cũng trích thêm một ít để cô thêm vào trang trải, chi tiêu”.

Trong lúc giá cả ngày một tăng, cuộc sống với biết bao khoản chi thường trực nhưng với nguồn thu ít ỏi, đời sống của các cô nuôi trẻ tại các trường mầm non hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài những tình cảm ấm áp, sự động viên, chia sẻ của đồng nghiệp, của các nhà trường, điều mong muốn nhất của những người gắn bó với bậc học mầm non là nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội trong việc tạo điều kiện cho các cô nuôi được đóng bảo hiểm, được cải thiện đời sống để họ có thêm động lực, làm tốt hơn nữa công việc của mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast