Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2: Kết quả đáng mừng!

(Baohatinh.vn) - Những ngày cuối cùng của năm cũ, ngành Giáo dục Hà Tĩnh lại có thêm niềm vui mới. Qua đợt kiểm tra của Bộ GD&ĐT, Hà Tĩnh là tỉnh thứ 12 của cả nước và là tỉnh đầu tiên của khu vực miền Trung và miền Nam hoàn thành chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.

Việc đổi mới phương pháp dạy học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc đổi mới phương pháp dạy học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy Nguyễn Hồng Tư - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết: “Công tác phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 ở Hà Tĩnh được sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc thực sự của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của lòng dân. Đó cũng chính là sức mạnh để ngành quyết tâm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục”.

Việc triển khai đại trà dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục, tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới VNEN, đề án “phương pháp bàn tay nặn bột”, dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch; xây dựng các mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh… đã góp phần đổi mới cách dạy, học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dạy, người học, tạo môi trường thân thiện, thoải mái trong các nhà trường, góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Song song với sự đổi mới ấy, ngành cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đảm bảo số lượng và đồng bộ về cơ cấu. Từ các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần tự học trong mỗi giáo viên, đến nay, 100% giáo viên tiểu học trên địa bàn có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn với tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Với việc điều chuyển giáo viên dôi dư từ bậc THCS, bậc tiểu học đã có đủ giáo viên chuyên biệt dạy các môn: âm nhạc, mỹ thuật, tin học, ngoại ngữ…

Mô hình VNEN, Tiếng Việt công nghệ lớp 1 tạo tâm lý thoải mái, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.

Mô hình VNEN, Tiếng Việt công nghệ lớp 1 tạo tâm lý thoải mái, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.

Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học… được coi là giải pháp mang tính quyết định trong công tác phổ cập. Thầy Đào Duy Sỹ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn cho biết: “Là huyện miền núi, địa bàn rộng nên việc thực hiện các tiêu chí phổ cập giáo dục hết sức khó khăn. Tuy nhiên, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng trường chuẩn chính là tiền đề để Hương Sơn đạt kết quả cao, vững chắc trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học”.

Quyết tâm, sự đồng thuận của người dân vùng đất học Hà Tĩnh còn được thể hiện qua việc huy động nguồn lực làm thay đổi diện mạo những mái trường. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, ngành đã huy động gần 212 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa, ngân sách, các dự án để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đến nay, toàn tỉnh có 205/260 trường tiểu học chỉ có 1 điểm trường, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 74,6%, trong đó, tỷ lệ chuẩn mức độ 2 đạt 42,3%. Không chỉ trường lớp, việc xây dựng các công trình nhà ăn bán trú, nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà giáo dục thể chất, nhà tập đa năng… cũng được quan tâm đầu tư. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, đến nay, 13/13 đơn vị huyện, thị, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, tỷ lệ 100%.

Năm cũ khép lại, ngành Giáo dục Hà Tĩnh thêm một lần khẳng định vị trí của mình trong nền giáo dục nước nhà. Đó không chỉ đơn thuần là thành tích mà quan trọng hơn, việc phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi gắn với công tác xóa mù chữ đã góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, chất lượng giáo dục, tạo cơ sở vững chắc cho phổ cập giáo dục THCS.

Chủ đề MỪNG ĐẢNG - MỪNG XUÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast