Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Phải làm sao cho học sinh muốn đi học, không sợ đi học, không sợ thầy cô!

Trong 2 ngày 18, 19-8, tại Hà Tĩnh, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì hội nghị. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được Bộ GD-ĐT phát động vào tháng 7-2008. Qua 2 năm thực hiện, phong trào đã nhận được sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia của các trường phổ thông, mầm non trên toàn quốc; tạo cơ chế để huy động các lực lượng xã hội cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh.

Phó Thủ tướng trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc

trong phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Để triển khai phong trào trong thời gian qua, các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ. Hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã lồng ghép, tích hợp các nội dung của phong trào với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động "2 không", "mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo".

Về phong trào thi đua trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn, hầu hết các trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xã hội hóa, quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành để có được khuôn viên khang trang, sạch đẹp, an toàn. Các công trình vệ sinh, đường vào, khuôn viên đã được chỉnh trang; không khí thân thiện được tăng lên rõ rệt trong mỗi thành viên của nhà trường, giữa nhà trường và gia đình, học sinh đã có điều kiện tốt hơn trong học tập, rèn luyện và vui chơi. Đến nay, trong cả nước đã 15.364 trường có công trình vệ sinh xây mới, 18.277 cây mới được trồng, 38.350 trường đảm bảo "3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở)...

Về phong trào dạy học hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, lứa tuổi của học sinh giúp các em tự tin trong học tập, đã có 31.486 trường học trong cả nước ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp dạy học; số giáo viên giỏi ở cấp huyện trở lên và 131.017 giáo viên. Giải pháp tăng cường dạy tốt tiếng Việt ở trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh các lớp đầu cấp tiểu học cũng được các trường hưởng ứng tích cực. Đến nay, cũng đã có 38.484 trường xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa. Quy tắc này đã có tác dụng trực tiếp đến các học sinh trong việc rèn luyện lối sống, đạo đức, tác phong. Nhiều nhà trường đã tổ chức các CLB, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nội dung giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích .Các trường học cũng đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh gắn với các trò dân gian. Học sinh được tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy các giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương. Đã có 1.842 di tích cấp quốc gia được các em tích cực tham gia tìm hiểu, chăm sóc; 20.460 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình TB-LS được nhận chăm sóc…

Tại hội nghị, các tham luận đã đưa ra một số kinh nghiệm, sáng kiến trong quá trình thực hiện phong trào như: cần có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương trong việc triển khai thực hiện. Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố phải xây dựng cụ thể hóa tiêu chí đánh giá trường học thân thiện, học sinh tích cực cho phù hợp với điều kiện ở những vùng khác nhau của tỉnh, thành phố; chú ý xây dựng quy định về ứng xử văn hóa của các thành viên trong nhà trường. Các sở, trường chủ động sưu tập và đưa trò chơi dân gian, tiếng hát dân ca, giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động của nhà trường, tạo ra nét văn hóa riêng ở địa phương. Thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình, cơ quan, đoàn thể để xử lý các việc có liên quan, tạo điều kiện cho các em hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi lành mạnh, hạn chế bỏ học.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành tích mà ngành giáo dục đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Phó Thủ tướng cho rằng, ngành giáo dục phải làm sao cho học sinh muốn đi học, không sợ đi học, không sợ thầy cô… Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đã trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Trong thời gian tới, ngành Giáo dục phải đưa tiêu chuẩn "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" vào một trong những chỉ tiêu đánh giá trường chuẩn; phối hợp với ngành VH-TT-DL đưa văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử vào trong nhà trường một cách bền vững; những cơ quan thường trực hàng năm cần đánh giá và xây dựng mục tiêu cụ thể cho phong trào và nâng cao số lượng các trường tham gia vào phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Trước đó, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo xây dựng "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"… Tại hội thảo, các đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước đã cùng nhau thảo luận về quá trình "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” như, cán bộ quản lý giáo dục với việc xây dựng văn hóa nhà trường, sứ mệnh và vai trò của giáo viên chủ nhiệm, giáo dục truyền thống qua chỉ đạo triển khai nội dung, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast