"Quang Trung-Nguyễn Huệ là.. anh em": Học sinh quay lưng với Lịch sử?

Vì sao học sinh không thích học môn lịch sử? Câu trả lời sẽ là: nhàn chán, khó nhớ và môn không phải để thi.

"Quang Trung – Nguyễn Huệ là... anh em". Câu trả lời của học sinh khiến nhiều người vừa “buồn” vừa “cười”. Buồn vì “dân ta” lại không biết sử ta. Cười vì cách trả lời tự tin và ngây ngô của các em học sinh. Điều này cũng có nghĩa giáo dục nước nhà đang thất bại với chính con em của mình.

Vì sao học sinh không thích môn Lịch sử? Câu trả lời chung có lẽ là nhàm chán, khó nhớ và học chả phải để thi. Làm gì để học sinh yêu môn lịch sử, đó là trăn trở của những người yêu lịch sử nước nhà nhiều năm qua nhưng mãi không tìm được lối thoát.

Phải “mềm hóa” các sự kiện lịch sử

Tôi học cấp 3 cách nay đã 20 năm. Khi ấy trường tôi thiếu giáo viên Lịch sử nên đã để một cô giáo dạy môn Giáo dục Công dân dạy môn này. Mỗi giờ học Lịch sử với chúng tôi là cả một sự tra tấn, ngáp ngắn, ngáp dài và chỉ mong hết giờ học thật nhanh.

Thế nhưng thật may mắn cho lớp tôi, khi cô giáo Giáo dục Công dân có quá nhiều tiết học trong tuần nên không thể “kham” thêm môn Lịch sử. Hai tuần sau đó, một thày giáo dạy môn Lịch sử tên là An được huy động từ một huyện ra thị xã dạy môn Lịch sử cho khối của tôi trong thời gian còn lại của học kỳ 1.

"Quang Trung-Nguyễn Huệ là.. anh em": Học sinh quay lưng với Lịch sử? ảnh 1

Vấn đề cốt lõi là phương pháp dạy Lịch sử chưa cuốn hút học sinh!

Tiết học đầu tiên với chúng tôi là cả một sự mới mẻ, hứng khởi. Bởi thầy dạy rất hay, rất sôi nổi. Giọng Nghệ An của thầy lên bổng, xuống trầm khiến chúng tôi không còn buồn ngủ. Tôi nhớ như in, hôm ấy là giờ học về Nguyễn Trãi. Thầy không bắt chúng tôi phải nhớ ngày, tháng, năm sinh – năm mất của Nguyễn Trãi mà kể những nét rất cơ bản về cuộc đời của ông, như kể một câu chuyện về một người mà tất cả chúng tôi đều biết nhưng không quen.

Rất khéo léo, thầy dẫn dắt chúng tôi tới câu chuyện về tình yêu của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ với bài thơ tình rất nổi tiếng về cô gái bán chiếu gon. “Em ở Tây Hồ bán chiếu gon /chẳng hay chiếu đã hết hay còn / xuân xanh chừng độ baonhiêu tuổi / đã có chồng chưa, được mấy con? Và màn đối đáp của bà Nguyễn Thị Lộ cũng rất sắc sảo, ấn tượng: “Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon/Cớ chi ông hỏi hết hay còn?/Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ/Chồng còn chưa có, hỏi chi con!”. Và thầy đã phân tích sự “ghê gớm” của bà Nguyễn Thị Lộ trong màn đối đáp khiến Nguyễn Trãi phải siêu lòng và kính phục.

Rồi rất nhiều câu chuyện lịch sử nữa được thầy An đưa vào bài giảng của mình khiến chúng tôi cứ mắt chữ A, miệng chữ O nghe thầy giảng, nhiều hôm trống ra chơi rồi mà thầy trò vẫn hàn huyên những câu chuyện lịch sử.

Để “chạy” kịp chương trình, có tuần 3 ngày liền thầy An dạy môn Lịch sử vào 3 tiết cuối nhưng chúng tôi rất hào hứng học. Chỉ hơn 3 tháng học thầy An, cả lớp tôi đều thấy yêu môn học này vô cùng. Hôm chia tay để thầy về lại trường cũ, cả lớp tôi ai cũng bịn rịn vì nhớ thầy. Ấn tượng về cách giảng dạy môn Lịch sử của thầy An thật sự đi theo suốt cuộc đời chúng tôi. Bây giờ, khi đã trưởng thành, khi có dịp tụ họp, lớp tôi vẫn nhắc tới thầy với tình cảm thật trìu mến.

Không phải học sinh không yêu môn Sử

Con gái tôi học lớp 4 ở một trường Tiểu học của quận Thanh Xuân. Bây giờ, ai hỏi con thích học môn gì nhất thì con trả lời: “Con thích học môn Sử và Địa lý”. Câu trả lời của con khiến nhiều người ngạc nhiên vì bây giờ có ai học hai môn ấy đâu.

Thế nhưng, trong lớp không phải chỉ có con tôi thích học môn Sử, Địa lý (giờ gọi là môn Khoa, Sử, Địa) mà rất nhiều bạn khác yêu môn học này. Lý do rất đơn giản vì cô giáo có cách dạy rất hay, kích thích các con say mê với môn học này.

Cách thức cô dạy môn học này là khuyến khích các con sưu tầm các câu chuyện lịch sử, có thể từ sách, báo, Internet… Mỗi lần các con sưu tầm như vậy đều phải đọc lại tư liệu của mình và chia sẻ với các bạn trong lớp học. Bài sưu tầm hay nhất, độc đáo nhất sẽ được đọc cho cả lớp nghe.

Buổi họp phụ huynh cuối năm học 2013-2014, cô giáo vui mừng đánh giá, ý thức học tập của các con rất tốt. Nhiều bạn rất say mê sưu tầm các bài Khoa Sử Địa. Điểm thi môn học này của các con đều rất cao.

Ngoài ra, cô giáo còn gợi ý những đầu sách hay liên quan đến lịch sử mà các con nên đọc.

Cần thay đổi tư duy “giỏi Toán mới là học giỏi”

Đúng là khi con trả lời thích học môn Lịch sử, tôi cũng đã từng không vui và nhiều cha mẹ đã rất ngạc nhiên vì câu trả lời của con. Bởi theo quan niệm chung, chỉ có học giỏi Toán mới là học giỏi thực sự. Cuối năm, khi cô khen, phụ huynh nào có con học giỏi Toán – Văn thì được các bậc phụ huynh khác trầm trồ, thán phục. Còn các bạn học giỏi các môn phụ chỉ nhận được những lời khen qua quýt, động viên cho có.

Câu chuyện của bạn tôi khi có con thi đỗ chuyên Sử của trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) đã nói lên cách nhìn không mặn mà của phụ huynh với môn Sử. Một nhóm phụ huynh đứng nói chuyện với nhau, một chị hỏi: “Cháu nhà chị học gì? “Cháu học Sử”, Sao lại học Sử, con trai mà lại đi học Sử à, Học môn ý thì sau làm cái gì?”.

Cách tư duy này của các bậc cha mẹ đã thực sự ảnh hưởng đến các con. Cha mẹ không coi trọng môn học đó thì sẽ “tiêm nhiễm” con em mình, môn không quan trọng thì không cần học khiến các con không có tình yêu với môn Sử.

Ngoài ra, chính những người xây dựng, biên soạn khung chương trình giáo dục đã tạo ra những lỗ hổng khó lấp đầy về tình yêu với môn Lịch sử. Với việc Sử - Địa là môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến các môn học này ngày càng bị xem thường. Cùng với đó,đề thi sử, địa lâu nay về cơ bản vẫn là trình bày lại diễn biến này, sự kiện kia trong đó yêu cầu thí sinh phải nhớ rât nhiều chi tiết, con số tỷ mỷ. Điều này không chỉ khiến học trò sợ mà ngay cả giáo viên dạy những môn này cũng thấy nhàm chán.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast