Quy hoạch hệ thống trường học - Hiệu quả từ thực tiễn

Sau 1 năm triển khai thực hiện đề án quy hoạch hệ thống trường mầm non và phổ thông của UBND tỉnh, toàn tỉnh đã sáp nhập, giải thể 105 trường thành 51 trường (trong đó, mầm non từ 22 trường thành 11 trường; tiểu học từ 58 trường thành 28 trường; THCS từ 25 trường thành 12 trường). Điều đáng mừng là chất lượng dạy và học của các trường sau sáp nhập có nhiều chuyển biến tích cực, không có học sinh (HS) bỏ học vì lý do nhập trường.

Cùng với không khí khẩn trương cho các hoạt động chuẩn bị đón chào năm học mới, thầy và trò Trường THCS Thư Thọ (Kỳ Anh) lại có thêm niềm vui bởi những nỗ lực sau 1 năm sáp nhập trường đã đơm hoa kết trái. Chất lượng mũi nhọn có sự đột phá với 30 em được công nhận HS giỏi huyện trong năm học này, chất lượng đại trà có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong kỳ thi tuyển sinh vào THPT. Từ một trường luôn xếp tốp cuối của huyện, năm học 2012-2013, THCS Thư Thọ được xếp thứ 2/26 trường trong huyện và thứ 59/175 trường trong toàn tỉnh.

Khuôn viên Trường THCS Thư - Thọ sau sáp nhập.
Khuôn viên Trường THCS Thư - Thọ sau sáp nhập.

Thầy Lâm Anh Đức – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nắm bắt chủ trương về việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện khá sớm, nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy hết khó khăn. Nhà trường và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp với cán bộ, nhân dân và phụ huynh xã Kỳ Thọ và Kỳ Thư để tuyên truyền, vận động nhưng kết quả vẫn không được như mong muốn. Không ít phụ huynh vẫn còn băn khoăn về hiệu quả của việc nhập trường”.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động đã tạo nên sự đồng thuận của lòng dân. Để xua tan những nghi hoặc của các bậc phụ huynh trước chủ trương lớn, nhà trường đã tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên (GV) không chỉ có trình độ đạt chuẩn mà còn đầy tâm huyết, trăn trở với nghề. Chính vì thế, ngoài các chuyên đề bồi dưỡng GV, tổ chức tốt các cuộc thi, sắp xếp cho HS học theo nhóm để giúp nhau trong học tập, tạo không khí vui vẻ, thân thiện trong mỗi lớp học... thì những hình ảnh GV dạy tăng giờ, thêm buổi để phụ đạo cho HS mà không lấy tiền hay việc GV trích lương để mua vở tặng HS nghèo, đến tận nhà kiểm tra việc học của các em đã trở thành những hoạt động quen thuộc ở Trường THCS Thư Thọ.

Sau 1 năm, những cố gắng của các thầy, cô trong sự nghiệp trồng người đã được đền đáp bằng kết quả học tập của HS, bằng niềm tin của các bậc phụ huynh và cấp ủy, chính quyền.

Với Trường Tiểu học Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên), năm học vừa qua cũng là một năm có nhiều dấu ấn khó quên khi HS bậc tiểu học trên địa bàn bán sơn địa này đã được quy tụ về một mối. Có điều kiện để tập trung cơ sở vật chất, thuận lợi cho việc sinh hoạt chuyên môn và lựa chọn GV trong công tác bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn, nâng cao chất lượng đại trà nên năm học vừa qua, nhà trường có 75 em đạt HS giỏi huyện, 9 HS giỏi tỉnh, 1 HS giỏi cấp quốc gia. Trường được UBND huyện công nhận là tập thể lao động tiên tiến.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, sáp nhập trường là một chủ trương đúng đắn và tất yếu. Trong xu thế chung đó, Can Lộc là một trong những địa phương đi đầu (từ 2003, huyện đã sáp nhập 6 trường học trên địa bàn). Sự chủ động tham mưu của ngành, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự cải thiện về chất lượng giáo dục ở những trường được sáp nhập trước đó đã tạo điều kiện thuận lợi để năm học 2012-2013, Can Lộc sáp nhập thành công 14 trường thành 7 trường. Đặc biệt, Trường THCS Yên Thanh sau 1 năm sáp nhập, chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng mũi nhọn xếp thứ 3 toàn huyện, tập thể nhà trường được công nhận là đơn vị xuất sắc. Trường Tiểu học Gia Hanh - một trong những trường nằm trong tốp cuối của huyện, sau 1 năm sáp nhập cũng vươn lên ở thứ hạng khá về chất lượng giáo dục...

Lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Can Lộc chia sẻ: “Quy hoạch mạng lưới trường lớp là một chủ trương đúng và cần thiết nhưng để tạo sự đồng thuận của nhân dân quả thực không dễ dàng. Chính vì thế, ngoài việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp tại huyện để mời các địa phương có trường sáp nhập tham gia, chúng tôi còn huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân. Nhờ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi trường học kết hợp với việc thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành nên sau 1 năm sáp nhập, chất lượng giáo dục tại các nhà trường đã có sự chuyển biến đáng phấn khởi”.

Thực tế cho thấy, quy mô các trường học nhỏ gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, GV và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Vì thế, việc quy hoạch lại hệ thống trường lớp tại các địa phương là rất cần thiết. Tuy nhiên, dù đã được sáp nhập nhưng hầu hết các trường vẫn còn phải học ở 2 điểm trường, điều đó cũng gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo. Ngoài ra, nguồn kinh phí hoạt động để các trường có điều kiện đầu tư vào hoạt động chuyên môn vẫn còn eo hẹp, không đảm bảo cho nguồn chi hoạt động dạy và học dù nhu cầu chỉ ở mức vừa phải...

Tuy nhiên, có thể khẳng định, những chuyển biến đáng kể về chất lượng giáo dục tại các trường sau 1 năm sáp nhập cũng rất đáng ghi nhận và với những bài học, kinh nghiệm trong việc thực hiện chủ trương này... đã trở thành cẩm nang quý giá để ngành Giáo dục tiếp tục triển khai chỉ đạo việc thực hiện đề án một cách hiệu quả và theo đúng lộ trình đã định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast