Quy hoạch lại hệ thống trường mầm non và phổ thông đến năm 2020

Chiều 2/7, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo dự thảo “Đề án quy hoạch lại hệ thống trường mầm non và phổ thông tỉnh đến năm 2020”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện chủ trì buổi làm việc.

Để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân nên trước đây mạng lưới trường lớp ở các cấp học đã được mở rộng khắp tất cả các địa phương, các vùng miền và đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, thu hút trẻ em trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, theo thời gian, những thành tựu trong vấn đề giảm sinh, ổn định quy mô dân số đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ trẻ trong độ tuổi. Quy mô các trường học ngày càng nhỏ đã gây khó khăn trong việc tổ chức dạy, học, nâng cao chất lượng giáo dục, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và đầu tư CSVC... Vì thế để từng bước xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống trường mầm non và phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, việc quy hoạch hệ thống trường MN và TP trên địa bàn trở nên rất cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện: "Năm học này, định mức biên chế của ngành giáo dục vẫn giữ nguyên, những chỗ thiếu sẽ điều hoà trong nội bộ của ngành"

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện: "Năm học này, định mức biên chế của ngành giáo dục vẫn giữ nguyên, những chỗ thiếu sẽ điều hoà trong nội bộ của ngành"

Với hướng phấn đấu hoàn thành lộ trình thực hiện quy hoạch đến trước năm 2016, tỉnh định hướng quy hoạch bậc mầm non từ 278 trường thành 263 trường (mỗi xã bố trí một trường mầm non công lập); Tiểu học từ 302 trường quy hoạch thành 259 trường; TH và THCS từ 2 trường thành 7 trường; THCS từ 185 trường sáp nhập thành 120 trường (bố trí theo mô hình liên xã với quy mô mỗi trường 16 lớp trở lên) và THPT từ 45 trường thành 41 trường.

Cụ thể: năm học 2012-2013, các địa phương căn cứ quy hoạch của tỉnh để xây dựng hoặc điều chỉnh; sáp nhập các trường MN, TH; sáp nhập, giải thể các trường THCS có quy mô dưới 9 lớp; không tuyển sinh lớp 10 THPT Mai Kính (Thạch Hà), Gia Phố (Hương Khê). Năm học 2013-2014, sáp nhập các trường THCS có quy mô dưới 12 lớp; Không tuyển sinh lớp 10 THPT Hồng Lam, Lê Hữu Trác 2; giải thể trường THPT Mai Kính, Gia Phố. Năm học 2014-2015, giải thể trường THPT Hồng Lam, Lê Hữu Trác 2; Sáp nhập các trường THCS có quy mô dưới 16 lớp còn lại.

Dự toán đầu tư xây mới các trường sau khi sáp nhập tại địa điểm mới, nâng cấp, bỏ sung thêm CSVC các trường sử dụng địa điểm cũ là 2.110 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương 1.266 tỷ; Ngân sách địa phương 527 tỷ; huy động các nguồn khác 317 tỷ.

Ý kiến của các đại biểu băn khoăn do một số vùng địa bàn rộng, việc sáp nhập khó khăn; tâm lý của một số phụ huynh vẫn còn mang cảm giác cho con đi học nhờ khi sáp nhập trường liên xã; chưa có hướng giải quyết đội ngũ cán bộ, giáo viên thừa; thực tế ở một số nơi đã có việc sáp nhập THCS nhưng vẫn học ở điểm lẻ nên khó khăn trong công tác nâng cao chất lượng và quản lý, vấn đề về CSVC cũng sẽ gặp khó khăn do CSVC địa điểm mới còn thiếu, CSVC cũ lại thừa... và nên chậm tiến độ khi thực hiện lộ trình...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, tỉnh sẽ tiếp thu và giao các ban ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh đề án. Đối với những băn khoăn ở một số địa phương trong việc sáp nhập các trường ở bậc học tỉnh sẽ xem xét, nhưng trước hết các địa phương cần có sự bàn bạc và quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện đề án. Về vấn đề CSVC và đội ngũ, ngành GD cần chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ để có sự tính toán lại tổng mức chi phí, rà soát lại số lượng, kỳ họp sắp tới tỉnh sẽ trình hội đồng để có phương án giải quyết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh tinh thần quán triệt của tỉnh là năm học này, định mức biên chế của ngành giáo dục vẫn giữ nguyên, những chỗ thiếu sẽ điều hoà trong nội bộ của ngành. Đây cũng là phiên làm việc cuối cùng trước khi hoàn thiện đề án để trình hội đồng trong kỳ họp sắp tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast