Sáng mãi “ngọn đèn làng học”

(Baohatinh.vn) - Với mỗi người dân Cẩm Bình (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), “Ngọn đèn làng học” không chỉ là lịch sử mà hơn hết là tượng trưng cho ý chí, tinh thần hiếu học của nhân dân. Và cho đến hôm nay, ngọn đèn ấy vẫn luôn được thắp sáng, chiếu rọi, soi đường cho các thế hệ cháu con không ngừng ra sức học tập, tiếp thu các kiến thức mới để dựng xây quê hương ngày một mạnh giàu.

sang mai ngon den lang hoc

Tiếp nối truyền thống đất học, con em Cẩm Bình ra sức phấn đấu, giành nhiều thành tích trong học tập.

Từ những con chữ đầu tiên…

Đã 94 tuổi nhưng ông Nguyễn Công Hàm (thôn Trung Trạm) vẫn còn rất minh mẫn. Nghe chúng tôi nhắc đến phong trào bình dân học vụ một thời, đôi mắt ông như trở nên tinh anh hơn. Ông nhớ lại: “Hồi ấy, nói chung, dân ở đâu cũng thế, đều mù chữ. Sống trong chế độ thực dân phong kiến, đa phần người dân không biết chữ, người ta chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng nói, nụ cười, cho đến khi chúng ta giành được chính quyền”…

Ký ức phong trào bình dân học vụ một thời trở về tuôn trào trong ông, từ chuyện đi học chữ, làm thầy giáo, rồi tuyên truyền viên… Ở Cẩm Bình hồi ấy, mỗi xóm có 1 lớp bình dân học vụ. Ông Hàm cũng tham gia học lớp ấy. Bắt đầu từng chữ I, chữ T, dần dần biết đánh vần, ghép chữ, ông lại trở thành thầy giáo dạy cho những người chưa biết. Cứ thế, tất cả người dân đều là học trò nhưng cũng đều là giáo viên. Về cơ sở vật chất, lớp học là nhà dân; thắp đèn dầu làm ánh sáng. Người khá giả hơn một chút thì có giấy, mực để viết, người không có thì lấy than viết trên nong, nia, nhiều người còn vào xã Cẩm Huy đào lấy loại đá vôi trắng về làm phấn…

Đến năm 1948, lớp học vét bình dân học vụ cuối cùng được tổ chức, dành cho tất cả đàn ông, đàn bà từ 45 tuổi trở lên trong toàn xã. Các đối tượng được học liên tục trong thời gian 3 tháng và sau đó, tham gia khóa thi Hồ Chí Minh. Khóa thi thành công, Cẩm Bình chính thức trở thành địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh xóa được nạn mù chữ trong toàn dân. Phong trào bình dân học vụ Cẩm Bình đã trở thành ngọn đèn tỏa sáng, soi rọi cho phong trào giáo dục cả nước lúc bấy giờ.

sang mai ngon den lang hoc

Cẩm Bình là một biểu tượng toàn dân làm giáo dục

Đến “hiện tượng” giáo dục Cẩm Bình

Ông Nguyễn Quang Huy (84 tuổi) ở thôn Tân Yên nhớ lại: “Những năm chống Mỹ, tinh thần yêu nước dâng cao, bởi vậy, có biết khó khăn là gì đâu. Việc học cũng vậy, mọi người đều hưởng ứng các phong trào và tham gia một cách tích cực nhất. Như thế hệ chúng tôi, học từ bình dân học vụ đến phổ cập, rồi bổ túc văn hóa nhưng nhiều người đã trưởng thành. Nhiều đồng chí trở thành cán bộ Tỉnh ủy và ngành giáo dục, cán bộ huyện…”.

Cũng bởi tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường nên “ngọn đèn làng học” càng lúc càng rạng ngời. Từ năm 1960-1965, Cẩm Bình trở thành đơn vị lá cờ đầu toàn miền Bắc 5 năm lần thứ nhất. Năm 1968, trong khói lửa ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Cẩm Bình là xã đầu tiên của miền Bắc phổ cập cấp 1 cho toàn dân. Ngày 19/5/1969, Bác Hồ đã gửi tặng Đảng bộ và nhân dân Cẩm Bình bức chân dung có ghi bút tích của Người: “Thân ái gửi lời khen nhân dân và cán bộ xã Cẩm Bình đã tổ chức tốt công tác giáo dục, văn hóa”.

Năm 1970, Cẩm Bình là xã có 3 cấp học, 3 ngành học hoàn chỉnh. Năm 1975, khi non sông thống nhất cũng là lúc xã Cẩm Bình hoàn thành phổ cập cấp 2, mở trường cấp 3, hình thành hệ thống trường 3 cấp đầu tiên trong cả nước, là mô hình mới của Việt Nam thời bấy giờ. Năm 1984, mô hình giáo dục Cẩm Bình được đưa vào nghị quyết cải cách giáo dục của Bộ Chính trị…

Giáo sư Phạm Tất Dong - nhà giáo, nhà chính trị, nhà khoa học xuất sắc từng đánh giá: “Trong lịch sử phát triển nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cẩm Bình là một dấu son. Cả nước đều hiểu rằng, giáo dục Cẩm Bình là một hiện tượng đặc biệt rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của chúng ta. Cẩm Bình là một biểu tượng toàn dân làm giáo dục, đưa sự nghiệp giáo dục thành sự nghiệp của xã hội, huy động sức mạnh của cộng đồng để nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho chính cộng đồng và cho xã hội”.

Chiến tranh đi qua, Đảng bộ và nhân Cẩm Bình lại hăng say lao động, kiến thiết xây dựng quê hương. Các bậc học của Cẩm Bình luôn đứng trong tốp đầu của ngành giáo dục. Năm 2005, Trường Tiểu học Cẩm Bình được nhận danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Năm 2013, Cẩm Bình là một trong những xã về đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Cẩm Bình hôm nay tựa như bức tranh có ánh hào quang. Rảo bước trên những con đường làng mịn màng như dải lụa, chứng kiến những khu vườn ngút ngàn rau, nghe Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Đặng Quốc Hải khẳng định quyết tâm thực hiện nghị quyết Đảng bộ địa phương, đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2017, lòng tôi cũng phơi phới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast