Sửa đổi, bổ sung Thông tư 30: Phát huy thế mạnh đánh giá nhân văn, toàn diện

Sau 2 năm triển khai, Thông tư 30/2014/TT – BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư 30) đã đi vào cuộc sống. Hơn ai hết, chính lãnh đạo các trường tiểu học, giáo viên, phụ huynh - những người hằng ngày triển khai đánh giá học sinh đã thấy được những thay đổi tích cực từ chính sách.

Trước thềm năm học mới, chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều thực hiện Thông tư 30 sẽ giúp thầy trò tiếp tục phát huy thế mạnh của cách đánh giá nhân văn, toàn diện…

sua doi bo sung thong tu 30 phat huy the manh danh gia nhan van toan dien

Tính nhân văn của một Thông tư

Đối với các em HS, đặc biệt là HS cấp tiểu học cần khuyến khích, giúp các em tự tin, thoải mái khi đến trường và yên tâm học tập. Trong thực tế, hầu như lớp học nào cũng có một số HS giỏi, thường đạt điểm cao (9 - 10 điểm). Tuy nhiên trong lớp học đó cũng có vài em HS học yếu, thường có điểm kém (2 - 3) điểm.

Nếu cứ duy trì cách cho điểm như trước, các em giỏi ngày càng giỏi hơn còn em yếu sẽ bị mặc cảm, tự ti, bị tụt lại phía sau, thậm chí bỏ học vì áp lực điểm số… Vậy tại sao phải cho điểm để tự gây áp lực cho con em chúng ta?

Thay vì điểm số thì những lời nhận xét, góp ý sẽ giúp các em biết được điểm mạnh, điểm yếu, phấn đấu vươn lên… Đây là chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý cũng như giáo viên về Thông tư 30.

Chính Thông tư đã tháo gỡ được áp lực cho cả thầy và trò về cách đánh giá HS. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn từ cách đánh giá mới về HS của Thông tư này.

Ông Trần Thanh Tài - Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - nói: “Đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 là nền tảng quan trọng để các em HS phát triển toàn diện, đặc biệt là phát triển sở trường, năng lực.

Tuy nhiên, để việc đánh giá HS không rập khuôn thì mỗi đơn vị cần linh động và cần có sự sáng tạo để phù hợp. Sau 2 năm triển khai đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30, đội ngũ cán bộ quản lý nhận thức được việc đánh giá này là vì sự tiến bộ của HS - đây cũng là mục tiêu lớn nhất của Thông tư”.

Cần đi sát hơn với thực tế giáo dục

Năm học 2016 - 2017, Thông tư 30 sẽ được Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung theo hướng gần với thực tế. Đây là nguồn động viên lớn, giúp đội ngũ thầy cô giáo, phụ huynh và HS tiếp tục tin tưởng, vận dụng hiệu quả hơn để việc đánh giá HS tiểu học đi sâu vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT Cà Mau) - nói: “Chúng tôi ghi nhận nỗ lực của ngành Giáo dục khi quyết tâm sửa đổi, bổ sung Thông tư 30 trước thềm năm học mới.

Thông tư 30 được xem như giải pháp có vai trò rất quan trọng, tạo nên một bước ngoặt mới, một cuộc cách mạng mới trong đánh giá HS tiểu học.

Việc thay đổi cách đánh giá từ cho điểm sang nhận xét là một cách tiếp cận mới ở nước ta. Cách đánh giá này sẽ góp phần tạo hứng thú, động viên tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS…

Tinh thần là như vậy, rất tiếc khi triển khai thực hiện ở cấp cơ sở nhiều nơi còn thiếu sự linh hoạt, cứng nhắc trong vận dụng, khiến Thông tư chưa đạt được kết quả như mong đợi”.

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp và thực hiện đánh giá HS theo Thông tư 30, cô Vũ Thị Huệ - Giáo viên Trường TH Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) - cho biết khi Thông tư ra đời cách đây 2 năm, cô và các đồng nghiệp rất vui vì áp lực điểm số không còn “làm khó” học trò, thầy cô giáo và cả phụ huynh. Ngoài việc giữ vững chất lượng học tập thì khả năng tự học, tự trao đổi, chia sẻ của học trò có nhiều tiến bộ hơn trước.

Cô Huệ chia sẻ: “Khi thực hiện Thông tư 30, chúng tôi nhận thấy các em HS tự tin hơn trong giao tiếp và biết xử lý tình huống tốt. Đặc biệt, cách đánh giá mới tạo sự liên kết giữa phụ huynh và HS thông qua các hoạt động đánh giá của giáo viên.

Từ lời nhận xét, đánh giá cụ thể của thầy cô, phụ huynh biết rõ hơn ưu, nhược điểm của con mình. Bên cạnh đó, cách đánh giá không điểm số sẽ không gây áp lực cho GV cũng như HS.

Khi các em gặp khó khăn sẽ nhận được giúp đỡ từ giáo viên, từ các bạn học. Từ đó phát triển cho HS khả năng tự học, kích thích khả năng tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức tốt...

Tuy nhiên, độ mở của Thông tư cần cao hơn, theo hướng cho phép giáo viên được linh hoạt và sáng tạo tùy theo tình hình thực tế. Những hạn mức về chuẩn kiến thức, chuẩn đạo đức phải rõ ràng hơn và tùy theo từng lứa tuổi. Chẳng hạn lớp 1 khác lớp 3 và càng khác với lớp 4, lớp 5, chứ không nên trong cùng một khung đánh giá như trước”.

Lắng nghe, cầu thị

Thực tiễn sau 2 năm thực hiện Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập, chủ yếu ở yếu tố chủ quan và tổ chức đánh giá.

Theo chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý và thầy cô giáo: Bộ GD&ĐT với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề nên tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư theo hướng gần với thực tế.

Trong năm học mới, những sửa đổi, bổ sung này sẽ là động lực, giúp đội ngũ tháo gỡ những khó khăn để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.

Tất cả đều có chung niềm tin và mong muốn trong thời gian tới đánh giá như thế nào để các em HS vui tươi, tiến bộ từng ngày, phụ huynh phấn khởi và thầy, cô thấy tự tin, nhẹ nhàng hơn. Cần điều chỉnh Thông tư làm sao để dễ nhớ, dễ thực hiện và quan trọng là tạo được hứng khởi cho các thầy, cô giáo khi đánh giá.

Bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - đề xuất: Bộ GD&ĐT cần tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền cách đánh giá HS theo Thông tư 30 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là thực hiện các chương trình mang tính chất chia sẻ, hỏi, đáp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam.

Bộ cũng cần xây dựng ngân hàng đề kiểm tra định kì cuối học kì I và cuối năm học các môn học có đánh giá bằng điểm số theo các mức độ nhận thức của HS được quy định tại Khoản 2, Điều 10 của Thông tư 30.

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho GV cách ra đề kiểm tra định kì theo Thông tư 30 với các mức độ nhận thức của HS. Triển khai áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu giáo dục tiểu học nhằm giảm bớt việc thực hiện hồ sơ sổ sách cho giáo viên...

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 30, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Một số trường thuộc khu vực trung tâm các quận, huyện có sĩ số HS/lớp khá đông (45 HS/lớp), nên giáo viên còn gặp khó trong việc kết hợp nhận xét, hỗ trợ đến từng đối tượng.

Vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa chủ động trong đổi mới. Một số phụ huynh ở các trường vùng nông thôn do còn chưa quen, chưa hiểu hết cách đánh giá bằng nhận xét nên thường còn than phiền với thầy cô giáo, với nhà trường về kết quả học tập của con em mình; còn tạo áp lực về điểm số cho HS sau mỗi lần kiểm tra định kỳ…

Theo giaoducthoidai.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast