Thầy ơi!

Thế mà đã hơn 30 năm… Hình ảnh lớp học ngày nào, giọng đọc, nét phấn trong mỗi giờ giảng của thầy vẫn lắng sâu như có từng âm hưởng vọng về. Người lính vệ quốc quân năm xưa, người thầy giáo Trần Đức Vĩnh nay đã tuổi tám mươi. Thầy đã thổi vào tâm hồn tôi những dấu ấn tri thức của thời thơ ấu với bao ký ức ngọt ngào…

Thầy giáo Trần Đức Vĩnh
Thầy giáo Trần Đức Vĩnh

Mùa Xuân năm 1951, người trai làng Vạn Phúc Trung, xã Đức Trường, huyên Đức Thọ (Hà Tinh) chia tay mái tranh nghèo và dòng sông La hiền hòa, cùng đồng đội bước vào cuộc trường chinh của dân tộc. Tuổi hai mươi, quần nâu, áo vải, hăng hái lên đường. Qua miền Tây Bắc giữa mùa hoa ban trắng, người lính ấy đã cùng với Đại đoàn 316 trải qua hàng chục trận đánh lớn nhỏ. Chiến trường Tây Bắc cùng với những tháng năm chiến tranh khắc nghiệt đã tôi luyện bản lĩnh và ý chí của người lính. Tình đồng chí, đồng đội, chia ngọt sẻ bùi của những chàng trai chân đất. “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” luôn là động lực thôi thúc trong những năm tháng không thể nào quên ấy. Năm 1954, thầy cùng đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch lẫy lừng ấy đã đi qua hơn nửa thập niên rồi mà mỗi lần nghe hầy kể vẫn như mới hôm qua và luôn là niềm tự hào trong lòng lớp lớp học trò chúng tôi. “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm …”, thầy đã tham gia trong đoàn quân ấy, lặng lẽ, quên mình đào hào xuyên vào cứ điểm của địch. Một tiếng nổ vang trời, cú giáng bất thần từ lòng đất và tinh thần tấn công của những chàng áo vải đã làm nên sự kiện chấn động địa cầu. Trận đánh ấy đã đi vào lịch sử như một huyền thoại và cánh tay thầy đã vĩnh viễn gửi lại chiến trường. Sau này, khi đứng trên bục giảng, hầy thường kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm về một thời áo lính với những trận chiến đấu, mỗi cơn sốt run người, qua những dòng thơ hay trang nhật ký viết vội ở chiến hào.

Năm 1955, người thương binh Trần Đức Vĩnh rời quân ngũ và đến với giảng đường sư phạm. Thầy lại trở về với trường làng quê hương. Đã bao thế hệ ra đi từ mái trường bên dòng sông La ấy. Những bài giảng của thầy mãi in đậm và thổn thức trong tôi. Ngày đó, chúng tôi háo hức mong đợi những giờ lên lớp của thầy, cái dáng nghiêng, xô lệch và nụ cười hiền cùng với một cánh tay buông dài lặng lẽ. Tôi cứ nhớ mãi tiết học mùa đông năm ấy, thầy lên lớp với chiếc áo sơ mi mỏng. Bài giảng “Hịch tướng sĩ” cùng với lời bình văn hào sảng của thầy, có lúc bừng bừng bừng như lửa đã sưởi ấm lớp học đơn sơ và lũ học trò nghèo thuở ấy.

Thời gian qua nhanh. Nhớ về thầy, bỗng dưng lòng tôi như thắt lại, thương bàn tay miết lên bảng đen những tên làng, tên đất, những gạch nối không được thẳng hàng, thương bàn tay thầy trong mỗi bữa cơm ăn… Nhớ cái thủa cơm không đủ no, áo chưa đủ ấm, nhà đông con, thầy vẫn phải cặm cụi ngoài ruộng nương sau những giờ lên lớp. Hình ảnh thầy một tay cầm cày lội ruộng, một tay phải gồng mình ghì lên đôi càng xe cải tiến khi chở lúa, chở khoai, một tay thầy rửa rau gánh nước … và biết bao công việc. Thầy đã gánh đỡ cùng cô những vất vả lo toan. Tôi cứ nhớ và thương những lúc trở trời trái gió, thầy đã thầm lặng quên đi vết thương buốt nhức và mỗi lúc làm lụng ở cánh đồng về giữa trưa hè nóng bức mồ hôi nhễ nhại, thầy đưa bàn tay còn lại chấm lên trán những giọt mồ hôi, nước da thầy nhợt nhạt như vừa chịu đựng tiếp những trận sốt rừng.

Vẫn nhớ như in ngày ấy, mỗi dịp mùa màng tôi và những đứa bạn quanh xóm thường lui tới giúp đỡ thầy một ít việc như lăn lúa, bẻ ngô, phẻ lạc. Bên góc sân, cô vừa đập lúa và khẽ đọc câu thơ “Anh Vệ quốc quân ơi, sao mà yêu anh thế”. Thú nhất là vào những đêm trăng, lúc ngồi lại râm ran bên ấm nước chè xanh với nồi khoai luộc còn bốc nóng hôi hổi, thầy lại đọc thơ, ngâm Kiều và có đêm thầy kể cho chúng tôi nghe truyện Tam Quốc, Tống Trân Cúc Hoa … Tất cả, tất cả thầy ơi như vẫn mới hôm qua, tất cả vẫn còn lắng đọng tình thầy trò.

Trường xưa. Ảnh minh hoạ

Trường xưa. Ảnh minh hoạ

Gần đây tôi có dịp về thăm, thầy mừng lắm. Thầy đưa cánh tay đón tôi, hai thầy trò ôm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi. Thật xúc động! Thầy và trò đỏ cay cay khóe mắt, nhìn thầy vẫn còn khỏe nhưng đôi mắt sáng ngày xưa nay đã khoác lên đôi gọng kính, dáng thanh cao ấy nay đã hơi oằn dáng núi, mái tóc xanh xưa nay đã điểm màu cước trắng nhưng có điều ít đổi thay đó là giọng đọc, tiếng cười vẫn trầm ấm và đôn hậu. Thầy nắm tay tôi rất chặt thay cho điều muốn nói bởi lẽ thầy luôn tin yêu ở lớp lớp trò xưa. Vốn nặng lòng với thiên nhiên cây cỏ nên giờ đây chăm vườn là thú vui như người bạn với thầy. Nhìn những luống rau xanh non, nghe hương tỏa đâu đây mà tôi càng quý yêu thầy. Chỉ tay về phía góc vườn, nơi có những giống cây ăn quả được lai ghép như bưởi, na, xoài, vải… thầy nói: “Đó là thành quả, là món quà và niềm vui mỗi ngày của thầy đó em ạ”.

Tôi không muốn liệt kê những công tích của thầy với nhiều huân chương kháng chiến, cũng không muốn nhắc lại tấm gương thầy giành lấy bộc phá của đồng đội vừa bị thương, lao lên tấn công trên đồi A1 hay khi thầy ghì chặt một tay băng vội vết thương cho nhiều trò nhỏ khi giặc Mỹ dội ném bom xuống trường làng quê tôi. Và cũng không mấy người biết hiện nay, sống ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, dẫu tuổi cao, thầy vẫn gắng sức tham gia công việc của Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, cất bốc thuốc Nam giúp bà con trong các bản làng người dân tộc S-tiêng. Trong tôi, đơn giản nhưng thật sâu nặng, là tấm lòng của người trò nhỏ luôn nhớ về những người thầy gương mẫu như thầy Trần Đức Vĩnh. Thầy mãi là Nhà giáo ưu tú trong lòng chúng em.

Mấy chục năm rồi, những đứa con ngoan, những người học trò của Thầy giờ đã lớn khôn, thành đạt. Những cánh chim không mỏi bay đi khắp phương trời Tổ quốc. Tháng năm thêm đắp đầy nỗi nhớ, nơi đất trời phương Nam vời vợi, lòng rưng rưng da diết … Thầy ơi!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast