Thế giới trong mắt trẻ

(Baohatinh.vn) - Khi học sinh và giáo viên (GV) ở các bậc học khác đang bận rộn với việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ I thì ở bậc học mầm non lại đang tất bật với hoạt động làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Những ý tưởng sáng tạo được tích lũy từ thực tiễn giảng dạy, tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ cùng với bàn tay khéo léo của các cô đã cho trẻ một thế giới đồ chơi phong phú, đáp ứng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm.

Bộ khám phá khoa học giúp trẻ được thí nghiệm các vật chìm, nổi, tạo dòng chảy của cô Nguyễn Thị Kim Oanh - GV Trường Mầm non Bông Sen, thị trấn Hương Khê được đánh giá là một trong những sản phẩm ấn tượng nhất trong cuộc thi đồ dùng, đồ chơi tự làm của bậc học mầm non trên địa bàn huyện Hương Khê.

Giáo viên Trường Mầm non Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Giáo viên Trường Mầm non Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Với cô Oanh, niềm vui còn lớn hơn khi các học sinh rất hào hứng với bộ đồ chơi này. Cô Oanh cho biết: “Ý tưởng của tôi đã hình thành từ lâu nhưng để biến thành sản phẩm không phải dễ. Gần 1 tháng tranh thủ thời gian buổi trưa, buổi tối và các ngày nghỉ, với sự hỗ trợ của các GV, bộ đồ chơi được làm từ gỗ, tre, nứa, chai nhựa… đã được hoàn thành”.

Dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo, những mô hình, sa bàn, bảng biểu, bức tranh minh họa về guồng quay lấy nước của bà con dân tộc, xưởng phim hoạt hình, thế giới động vật, thực vật, các phương tiện giao thông, các bộ nhạc cụ phát ra âm thanh độc đáo… lần lượt được hình thành đã mở ra một thế giới trực quan thu nhỏ hết sức sinh động, giúp trẻ hình dung mới mẻ về thế giới xung quanh.

Cô Phan Thị Hoàn - Chuyên viên mầm non Phòng GD&ĐT Hương Khê cho biết: “Các sản phẩm năm nay được làm từ chất liệu thiên nhiên, phù hợp với lứa tuổi mầm non, có tác dụng giúp trẻ được thực hành, trải nghiệm, khám phá. Đây cũng là một hoạt động thiết thực nhằm giúp GV trau dồi kĩ năng nghề nghiệp, phát huy khả năng sáng tạo trong phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu lấy trẻ làm trung tâm trong giáo dục mầm non”.

Cũng như ở Hương Khê, thời gian qua, phong trào làm đồ dùng, đồ chơi đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các trường học ở Can Lộc. 23/23 trường mầm non trên địa bàn đã tham gia với hơn 6.000 sản phẩm ở các lĩnh vực phát triển vận động, ứng dụng công nghệ thông tin, giáo án điện tử…

Đây chính là tâm huyết của đội ngũ cán bộ GV và các bậc phụ huynh trong việc phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu giáo dục theo hướng tích hợp, với phương châm “học mà chơi”, “chơi mà học” và phục vụ chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”.

Chính vì thế, các bộ đồ dùng đều được làm rất công phu, phong phú về kiểu dáng, chủng loại, đa dạng chủ đề, phù hợp với nội dung chương trình giáo dục mầm non, đảm bảo cung cấp kiến thức chính xác, khoa học, tạo được hứng thú, kích thích tính tò mò, ham hiểu biết của trẻ.

Nhà giáo ưu tú Lưu Thị Phương - Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: “Để góp phần thực hiện tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục với bậc mầm non, ngoài đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy thì việc đổi mới trang thiết bị và đồ dùng, đồ chơi dạy học mầm non là việc làm không thể thiếu trong mỗi nhà trường. Chính vì thế, hội thi làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non là cơ hội để các GV trong toàn tỉnh học tập lẫn nhau, đồng thời, tuyên truyền sâu rộng tới các bậc phụ huynh và cộng đồng về vai trò của đồ dùng, đồ chơi đối với sự phát triển của trẻ. Từ đó, nhận thức đúng đắn về giáo dục mầm non và có sự quan tâm, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần”.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast