Thiết chế giáo dục hữu hiệu để xây dựng xã hội học tập

Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu của xây dựng xã hội học tập nhằm không ngừng nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, góp phần bồi dưỡng nhân tài.

Chúng ta có rất nhiều hình thức, phương pháp và phương tiện để xây dựng xã hội học tập theo đề án của Chính phủ, nhưng Trung tâm học tập cộng đồng ở cơ sở là một trong những thiết chế giáo dục hữu hiệu, góp phần đào tạo, bồi dưỡng lao động phổ thông có kỹ thuật ngày càng cao; bồi dưỡng vốn sống và kỹ năng sống cho toàn dân, cho người lao động, từng bước cân đối với đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật có trình độ đại học, cao đẳng... , thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Sản phẩm đan lát ở Trung tâm học tập cộng đồng xã Kỳ Thư (Kỳ Anh)
Sản phẩm đan lát ở Trung tâm học tập cộng đồng xã Kỳ Thư (Kỳ Anh)

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhất là chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Quyết định số 112 và Quyết định số 89 của Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập từ năm 2005 đến 2010 và từ năm 2012 đến 2020, trong nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh ta đã có những chủ trương, giải pháp phù hợp để xây dựng xã hội học tập, xây dựng các Trung tâm học tập cộng đồng ở cơ sở, thể hiện ở Chỉ thị số 23-TU và Quyết định số 438/TU của Tỉnh ủy về xây dựng xã hội học tập, xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng, các Quyết định số 1328 và số 1972 của UBND tỉnh phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập và quy chế hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng cơ sở.

Cùng với việc phát động phong trào toàn dân học tập, xã hội học tập, nhiều địa phương như: Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ, Thach Hà, Nghi Xuân… rất quan tâm xây dựng các Trung tâm học tập cộng đồng. Các mô hình ở Kỳ Phương, Tùng Lộc, Thạch Thắng, Tùng Ảnh, Xuân Đan, Xuân Viên… hoạt động hiệu quả, nội dung học tập gắn kết với việc định hướng cho người dân khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay 262/262 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có Trung tâm học tập cộng đồng. Năm 1012 đã mở 3198 lớp, 252.548 lượt người dự học các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến công, kiến thức hiểu biết về pháp luật và các vấn đề về sức khỏe, đời sống.... Tuy vậy, các trung tâm hoạt động thực chất và có hiệu quả chỉ có 20 – 25%. Nhiều Trung tâm “hữu danh vô hình”, trong khi người dân, người lao động rất “đói” về thông tin, về sự hiểu biết chính sách pháp luật, kiến thức làm kinh tế, vốn sống và kỹ năng sống....

Sự yếu kém về nội dung, phương thức và chất lượng hoạt động của các Trung tâm HTCĐ đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi công dân, nhất là kiến thức và sự hiểu biết của người dân, của người lao động trong lộ trình thực hiện 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và người dân chưa đầy đủ về chủ trương xây dựng xã hội học tập và vai trò của các Trung tâm HTCĐ. Trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng không rõ ràng, thiếu chủ động phối hợp; có khi triển khai mang tính thụ động, đối phó. Một số chế độ, chính sách xây dựng các Trung tâm HTCĐ triển khai thực hiện không kịp thời. Bộ GD-ĐT có Thông tư số 40/TT ngày 30/12/2010, Bộ Tài chính có Thông tư số 96 ngày 27/10/2008 sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm HTCĐ và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Trung tâm HTCĐ, nhất là việc bố trí giáo viên trong biên chế làm việc tại Trung tâm HTCĐ, nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi được hưởng của giáo viên làm việc tại Trung tâm HTCĐ, định mức hỗ trợ kinh phí ban đầu, kinh phí hoạt động thường xuyên và phụ cấp kiêm nhiệm được cân đối từ kinh phí sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề thuộc ngân sách địa phương và các chủ trương, biện pháp, nội dung, hình thức hoạt động của các Trung tâm HTCĐ chưa được triển khai kịp thời.

Một nghịch lý là hiện nay ở Hà Tĩnh thừa 1.140 giáo viên các cấp. Trong đó có 910 giáo viên bậc THCS và Tiểu học. Số giáo viên này Nhà nước vẫn phải trả lương nhưng thời gian đứng lớp giảng dạy không nhiều do số lớp và sĩ số học sinh giảm, nhưng chúng ta không bố trí được 262 giáo viên trong số 1140 giáo viên nói trên về hoạt động ở các Trung tâm HTCĐ. Quả là một sự lãng phí không nhỏ về kinh tế và nguồn lực lao động, nhưng cái mất lớn hơn đó là việc khai thác nguồn lực thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập của Chính phủ. Trong khi một số địa phương như: Thanh Hóa, Nghệ An… đã triển khai từ nhiều năm nay.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mỗi công dân đều được học tâp suốt đời”. Để thực hiện quyết định số 89/QĐ – TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020, vấn đề đặt ra là phải xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai đề án bài bản, phải tổ chức khảo sát, đánh giá thực chất hoạt động của các Trung tâm HTCĐ để có giải pháp hợp lý. Từ đó để kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở, bố trí bộ máy các Trung tâm,vận dụng thực hiện các chế độ, chính sách trong xây dựng xã hội học tập và hoạt động của các Trung tâm HTCĐ phù hợp với khả năng tài chính của địa phương. Xây dựng chương trình, nội dung, hình thức học tập cần đa dạng, thiết thực, huy động được mọi nguồn lực và sức mạnh của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị xây dựng xã hội học tập.

Điều quyết định tính hiệu quả của xây dựng xã hội học tập và hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng là phát động phong trào toàn dân học tập gắn với các phong trào, các cuộc vận động “xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng nông thôn mới”, “xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học”, đưa vào tiêu chí để xem xét, đánh giá,công nhận danh hiệu “đơn vị học tập”. Thông qua các kênh thông tin, kể cả hệ thống truyền thông đề tuyên truyền, giải thích cho mọi người nhận thức được tại sao phải học, ai học, học cái gì, học ở đâu, học khi nào, học cách nào, điều kiện để học.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền nhân rộng các mô hình trong phong trào xây dựng xã hội học tập và phong trào thi đua học tập ở mọi người, mọi giới, mọi độ tuổi; học cho bản thân, học vì hạnh phúc gia đình, học vì sự tiến bộ của xã hội và phồn vinh của quê hương đất nước. Nếu chúng ta có những chủ trương, giải pháp đồng bộ và kịp thời, hiệu quả thực hiện đề án “xây dựng xã hội học tập” của Chính phủ sẽ góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast