Thư viện tuyến cơ sở (bài 2): Cần lời giải từ nhiều phía

(Baohatinh.vn) - Hệ thống thư viện huyện, xã hiện nay có cần thiết để đầu tư phát triển? Nếu cần, việc phải làm là thế nào?... Đây thực sự là bài toán cần sự chung tay từ nhiều phía để tìm lời giải.

>> Bài 1: Đìu hiu thời... công nghệ!

Vẫn cần thiết đầu tư, phát triển

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã gặp nhiều người để lắng nghe việc có nên phát triển thư viện tuyến cơ sở hay không, dù Bộ VH-TT&DL có chủ trương khá rõ. Nhiều cá nhân, kể cả chủ trì ở cơ sở đã thẳng thắn bộc bạch rằng, phát triển hệ thống thư viện cơ sở chỉ là việc làm duy ý chí, bởi mọi thông tin đã có trên internet, nhất là trên trang tìm kiếm Googgle.

Thư viện trường có vai trò quan trọng trong việc nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.

Thư viện trường có vai trò quan trọng trong việc nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Thị Thúy cho hay: “Ở các tỉnh miền Nam, thư viện tuyến cơ sở khá phát triển; thư viện có khuôn viên, cơ sở vật chất riêng và biên chế khá rõ ràng, thậm chí, có thư viện 5 nhân viên phục vụ”. Bà Thúy cũng cho rằng, cách triển khai xây dựng thư viện chưa phù hợp, dẫn đến tẻ nhạt là nguyên nhân làm nhiều người suy nghĩ không cần thiết hệ thống này.

Một thực tế cần được làm rõ là, trong khi hầu hết thư viện xã, thị trấn “có cũng như không” thì tại xã Thạch Bằng (Lộc Hà), Xuân Đan (Nghi Xuân)… thư viện lại thu hút đông bạn đọc, thậm chí, hàng năm, con em và người dân còn đóng góp kinh phí mua sắm cơ sở vật chất, sách, báo. Phải chăng, vấn đề nằm ở chỗ: do lâu nay thiếu quan tâm nên trong tâm lý người dân, thư viện đã nằm ngoài sự để ý? Ngoài ra, liên quan vấn đề đang bàn, việc một lượng lớn người dân (nhất là ở vùng nông thôn) chưa sử dụng thành thạo máy vi tính cũng cần được xem xét.

Đây chính là lý do giải thích nhiều máy vi tính ở các thư viện xã dù được dự án Bill Gates tài trợ vẫn thường xuyên “trùm khăn trải bàn”. Đó là chưa nói, việc tiếp cận internet đòi hỏi phải có phương pháp xử lý nếu không sẽ “chẳng biết đâu mà lường” do thông tin bị nhiễu. Điều này cho thấy, vị thế của tài liệu in (được kiểm duyệt, có căn cứ pháp lý xuất bản) là không thể thay thế, cho dù một bộ phận tài liệu xuất bản có tính thời vụ, thời hiệu. Ông Nguyễn Thanh ở xã Thạch Lâm (Thạch Hà) chia sẻ: “Trước đây, tôi thích tìm đến thư viện, bưu điện để đọc sách báo nhưng sách, báo ít quá nên lâu dần cũng từ bỏ thói quen này, còn sử dụng internet thì tôi chịu”.

Cần lời giải từ nhiều phía

Để phát triển hệ thống thư viện, hàng năm, Thư viện tỉnh tổ chức các chương trình tập huấn, đồng thời, làm khá tốt việc luân chuyển tài liệu. Về chiến lược, Thư viện tỉnh đang trong quá trình xây dựng đề án. Tuy nhiên, mọi vấn đề mới chỉ bước đầu và khá đơn độc, rất cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành. Lãnh đạo Thư viện tỉnh cho rằng, việc đầu tiên cần làm đó là tăng cường cơ chế chính sách đầu tư, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đầu sách; sau đó, tập trung tuyên truyền, giới thiệu về thư viện để thu hút người dân quan tâm.

Chị Trần Thị Ái Việt - thủ thư Thư viện huyện Can Lộc (bên phải) 10 năm hưởng lương bình quân 500.000 đồng/tháng.

Chị Trần Thị Ái Việt - thủ thư Thư viện huyện Can Lộc (bên phải) 10 năm hưởng lương bình quân 500.000 đồng/tháng.

Ngân sách thiếu hụt là nguyên nhân gây khó cho hoạt động thư viện. Tiền đầu tư được cơ cấu nằm chung trong tổng nguồn cấp cho Trung tâm VH-TT&DL (chứ không có danh mục riêng), vì thế, nhiều thư viện gần như bị chính lãnh đạo bỏ quên do ưu tiên các hoạt động dễ nhìn thấy. Từ đây, rất cần một cơ chế phân rõ kinh phí. Cùng với đó, các xã, thị trấn lâu nay hầu như không đầu tư cho thư viện, trong khi lẽ ra nơi đây phải là điểm xuất phát và thúc đẩy. Đã đến lúc, cần có cơ chế để xã, thị trấn hàng năm trích kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này.

Bên cạnh kinh phí, việc xây dựng định hướng nhân lực phục vụ thư viện cũng rất quan trọng. Kinh phí cùng kiến thức của thủ thư là các nhân tố chính làm phong phú thư viện, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Bà Nguyễn Thị Thúy phân tích: “Trong quy trình, đầu tư cho thư viện xã là để một phần luân chuyển sách, tài liệu về các thôn theo hướng xoay vòng, phục vụ nhân dân, nhưng vì thư viện xã nghèo nàn nên sách ở các thôn thiếu trầm trọng”.

Như vậy, có thể thấy, đầu tư phát triển thư viện tuyến cơ sở đang rất cần tinh thần tập thể của nhiều cấp, đơn vị. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có chủ trương và cơ chế rõ ràng nhằm tạo sức nặng để thực thi.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast